Từng là cô sinh viên Đại học Hà Nội khoa Tiếng Nhật rồi sau đó ra trường lại làm việc cho một công ty Nhật, chị Nguyễn Thị Ninh (mẹ Xoài) từ lâu đã đam mê văn hoá và con người Nhật Bản. Tuy nhiên, chỉ khi đến năm 2010, chị lấy chồng rồi tình cờ được theo anh sang Nhật học tiến sỹ, chị Ninh mới được lần đầu tiên tận mắt chứng kiến cuộc sống, cảnh quan của đất nước, con người mình từng yêu mến ngưỡng mộ.
4 năm trời sinh sống tại Nhật Bản, đẻ con rồi nuôi con tại đây, chính văn hoá và những người mẹ Nhật bản địa đã truyền cho chị Ninh một tình yêu mạnh mẽ với bộ môn Ăn dặm kiểu Nhật và những món ăn dặm tuyệt ngon của người Nhật. Tháng 4/2014 vừa qua, chị đã trở về Việt Nam, cho ra mắt cuốn sách đầu tiên của mình về Ăn dặm kiểu Nhật mang tên Ăn dặm không nước mắt và đồng thời sở hữu một fanpage ngập tràn những công thức nấu ăn dặm được hàng chục nghìn chị em yêu thích.
Cùng trò chuyện với chị để hiểu hơn về Ăn dặm kiểu Nhật và cách một người mẹ thể hiện tình yêu với con qua chuyện ăn uống.
Chị Nguyễn Thị Ninh và con gái nhỏ - bé Xoài ở Nhật
Bà mẹ trẻ trong ngày ra mắt cuốn sách hướng dẫn nấu ăn dặm cho con ở Việt Nam
Những hình ảnh, công thức nấu ăn dặm cho con được chị Ninh ghi chép cẩn thận để chia sẻ lại với các bà mẹ khác.
Không phải cứ rảnh thì mới có thể cho con ăn dặm kiểu Nhật
Một người phụ nữ Việt xa gia đình lại lần đầu làm mẹ nhưng không lựa chọn cho con ăn dặm theo kiểu thông thường, chị tiếp cận thông tin và cách mẹ Nhật cho con ăn dặm từ đâu?
Tôi và chồng xa gia đình, một thân một mình sang Nhật do đó mọi việc nuôi con, cho con ăn, dạy dỗ con như thế nào đều do hai vợ chồng tự quyết định chứ không được bố mẹ chồng hay người thân, họ hàng hướng dẫn chỉ bảo. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ phải lúng túng khi một mình nuôi con ở Nhật bởi những kiến thức nuôi dạy con bên này có rất nhiều trong sách vở, điều kiện tìm hiểu thông tin cũng vô cùng dễ dàng.
Ở địa phương nơi tôi ở có những lớp hướng dẫn nấu ăn dặm cho những bà mẹ chăm con đầu lòng và đó cũng là nơi đầu tiên tôi được tiếp xúc với khái niệm ăn dặm kiểu Nhật. Sau này, khi Xoài đến tuổi ăn dặm, tôi cũng mua rất nhiều sách hướng dẫn nấu ăn dặm cho con của Nhật để tham khảo, đồng thời hỏi ý kiến của những người hàng xóm, những bà mẹ Nhật tôi tình cờ gặp ở công viên khi đưa con ra ngoài chơi….Tôi ở nhà chăm con một năm đầu nên giai đoạn bé Xoài ăn dặm, tôi có thời gian tìm hiểu và chế biến những món ăn dặm đầu tiên cho con theo đúng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, đó cũng là một lợi thế.
Nói chung, Nhật Bản là một đất nước có môi trường rất thân thiện và nhiều điều kiện cho những người mới lần đầu làm mẹ như tôi được học tập kiến thức nuôi con một cách đúng đắn và khoa học.
Ở Nhật, sách hướng dẫn nuôi con, cho con ăn dặm rất sẵn và phong phú (ảnh NVCC)
Chị nói mình ở nhà 1 năm đầu để chăm con nên có điều kiện cho con ăn dặm kiểu Nhật, điều đó có đồng nghĩa với việc thừa nhận chỉ những bà mẹ rảnh rỗi, có thời gian mới có thể theo đuổi phương pháp này?
Không hẳn là như vậy. Như chúng ta biết, theo truyền thống, sau khi kết hôn, nhiều phụ nữ Nhật sẽ ở nhà chuyên tâm cho việc sinh con và chăm sóc con cái. Tuy nhiên xã hội hiện đại ngày nay cũng có rất nhiều mẹ vừa đi làm vừa chăm con nhỏ. Phần lớn các gia đình ở Nhật không sống với bố mẹ chồng và cũng không có giúp việc nên mọi việc từ nhà cửa, cơm nước, con cái, công việc…họ đều phải tự tay lo liệu. Vậy nhưng các mẹ Nhật hiện đại vẫn cho con ăn theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật. Để khắc phục, đương nhiên họ cũng có nhiều biện pháp, nhiều cách chế biến riêng dành cho các bà mẹ bận rộn.
Như bản thân tôi cũng vậy. Khi bé Xoài được 1 tuổi, tôi bắt đầu đi làm lại. Ban ngày tôi gửi con đi trẻ, tối đón về rồi vẫn tự tay chăm con, cho con ăn. Tôi có tìm đọc những cuốn sách dạy nấu ăn dặm ngon cho những bà mẹ bận rộn và áp dụng theo. May mắn, Xoài vẫn tiếp tục hợp tác.
Những món ăn dặm hấp dẫn chị Ninh nấu cho con ăn
Một bữa ăn dặm kiểu Nhật thông thường của bé Xoài.
Phương pháp trữ đông đúng cách của các bà mẹ Nhật bận rộn
Biện pháp riêng của những bà mẹ bận rộn khi cho con ăn dặm kiểu Nhật là gì, chị có thể “bật mí”?
Thường đối với những bà mẹ Nhật bận rộn, họ sẽ áp dụng phương pháp trữ đông thức ăn. Như vậy, người mẹ chỉ cần mua thực phẩm và chế biến một lần vào cuối tuần, sau đó cấp đông, dùng cho cả tuần. Khi đến bữa ăn của con, mẹ chỉ cần rã đông là có thể dùng được.
Theo người Nhật, nếu biết trữ đông đúng cách thì thực phẩm vẫn có thể giữ được nguyên vẹn cả về vị giác và cảm quan, các hàm lượng dinh dưỡng trong thực phẩm được đảm bảo mà trẻ ăn vẫn thấy ngon miệng. Ở Nhật, thậm chí còn có những cuốn sách viết riêng về phương thức trữ đông thực phẩm do các nhà khoa học nghiên cứu và đúc kết.
Khoai tây trộn cà rốt
Củ cải sốt tôm
“Trữ đông đúng cách”, cụ thể là như thế nào thưa chị?
Muốn trữ đông đúng cách theo người Nhật, tôi có thể tóm gọn trong 6 nguyên tắc sau:
(1) Chế biến ngay khi nguyên liệu còn tươi, sau đó mới trữ đông
(2) Khi trữ đông, nên để vào khay có nắp đậy, hoặc bọc kín để hạn chế thức ăn tiếp xúc với không khí, khiến thức ăn bị mất nước, ảnh hưởng đến hương vị
(3) Chia nhỏ từng phần khi trữ đông, sau đó chỉ rã đông phần sẽ sử dụng. Về nguyên tắc, các thực phẩm sau khi rã đông thì không nên để đông lạnh lần nữa
(4) Thời gian trữ đông là 1 tuần
Càng để lâu, thức ăn dễ bị gặp không khí, và mất nước dần nên ảnh hưởng đến hương vị của món ăn. Vì vậy, khi bảo quản, nên ghi lại ngày bắt đầu trữ đông lên mép túi zip hoặc khay nhựa để đảm bảo thức ăn không bị tồn quá lâu, ảnh hưởng về mặt dinh dưỡng và sức khỏe của bé.
(5) Khi rã đông bằng lò vi sóng, nên vẩy thêm 1 chút nước lên bề mặt thức ăn, sau đó dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại, rã đông khoảng 1 phút– 1 phút rưỡi (600 W) tùy lượng thức ăn.
(6) Cũng có thể cho vào nồi đun trực tiếp khi thức ăn còn đang ở dạng đông cứng. Trước khi đun, đừng quên bổ sung thêm 1 chút nước để chống cháy và tạo hơi ẩm giúp việc rã đông nhanh hơn.
Việc trình bày cho bữa ăn dặm của con được đẹp mắt là cần thiết
Những món ăn dặm chị nấu cho Xoài được nhiều người ngưỡng mộ vì không chỉ ngon miệng mà còn rất ngon mắt, bản thân chị có mất nhiều thời gian vào việc nấu nướng cho con?
Từ khi còn là sinh viên tôi đã có niềm đam mê với việc bếp núc, thích nấu nướng những món ăn ngon cho chồng và người thân. Sau này khi có con, tình yêu nấu nướng ấy lại chuyển thành đam mê nấu những món ngon cho con. Tuy nhiên tôi cũng không bao giờ mất quá nhiều thời gian vào chuyện chế biến món ăn cho con.
Tôi thấy nhiều mẹ Việt hay kêu bận, kêu không theo được ăn dặm kiểu Nhật vì nó cầu kỳ nhưng từ kinh nghiệm của chính bản thân, tôi thấy cũng không vất vả lắm. Thường mỗi bữa ăn của con tôi chỉ làm từ 5-10 phút là xong.
Ví dụ khi gia đình hôm đó ăn bí đỏ hay rau thì khi nấu nướng trước khi nêm gia vị tôi bỏ ra một ít chế biến cho con là có món rau xào ngon miệng. Hoặc cũng món rau ấy, chỉ cần thêm chút nước dashi (một loại nước dùng được nấu từ rong biển và cá ngừ khô bào mỏng) là có ngay món súp rau/bí đỏ cho con. Tối nào gia đình ăn cá hay gà tôi cũng lấy ra một ít để làm món thịt cho con. Cháo thì tôi nấu cả nồi rồi trữ đông, mỗi bữa lấy ra 1 ít, rã đông 1 phút là xong món cháo thơm ngon. Việc nấu ăn dặm cho con theo kiểu Nhật thực ra rất tiện và nhanh, không hề lấy của tôi quá nhiều thời gian vì bản thân tôi cũng rất bận rộn.
Bận rộn nhưng chị Ninh vẫn luôn đủ thời gian để bày biện cho con gái những món ăn vừa ngon miệng lại đẹp mắt.
Hàng trăm món ăn dặm của bà mẹ trẻ chia sẻ trên mạng được nhiều chị em ủng hộ
Nhiều người cho rằng việc trình bày, tỉa hoa hay gọt quả trong các bữa ăn dặm cho con là hình thức và không cần thiết, quan điểm của chị thì sao?
Người Nhật không coi việc cho con ăn là nghĩa vụ mà đó là niềm vui. Họ coi ăn dặm cũng là một phần của ẩm thực Nhật Bản. Chính vì vậy mà họ có rất nhiều sách hướng dẫn nấu ăn chuyên về ăn dặm kiểu Nhật. Tôi nghĩ điều này khác hẳn với văn hoá Việt Nam, khi chúng ta chỉ chú trọng đến những món ăn dành cho người lớn và viết cách loại sách nấu các món ăn nhà hàng.
Thêm vào đó, trẻ nhỏ chưa biết nói nên việc con thích ăn hay không thích thể hiện ngay trong thái độ ăn uống. Việc tái tạo những thứ con thích trong đời sống vào bữa ăn của con sẽ giúp bé hứng thú hơn với thức ăn. Do vậy tôi nghĩ việc trình bày đẹp mắt cho các bữa ăn dặm của con là cần thiết, tuy nhiên, nên trong khả năng có thể.
Những hộp cơm xinh xắn được chị Ninh lấy ý tưởng thực hiện từ chính quan sát cuộc sống hàng ngày và những thứ con gái quan tâm yêu thích.
Tôi biết phụ nữ Việt Nam rất bận rộn nhưng bản thân tôi cũng đi làm, chỉ có một chút thời gian buổi sáng trước khi đến cơ quan và buổi tối sau khi tan sở là rảnh rỗi, vậy nhưng tôi cũng vẫn bày biện được đơn giản cho con.
Trong trường hợp của Xoài, tôi thường để ý trên đường đưa con đi học, tôi thấy con có hứng thú, quan tâm đến bông hoa, cái lá hay con chim thì từ đó, tôi cũng có ý tưởng tỉa cà rốt thành hoa, miếng cơm thành con cá…để thức ăn được gần gũi với con hơn. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ phải ngồi vắt óc nghĩ xem nên nấu món gì nên tỉa ra sao, tất cả đều là “nương theo con để xử lý phù hợp”.
Trẻ ăn được 1 thìa cũng là thành tích
Chị có bao giờ rơi vào cảm giác chán nản, muốn bỏ cuộc khi những món ăn mình dày công nấu nướng, trình bày lại không được con đón nhận?
Nhiều bà mẹ không muốn cầu kỳ trong việc chế biến hay trình bày các món ăn dặm cho con cũng là vì lý do sợ bản thân mất công mất sức mà con không ăn. Điều này tôi hiểu bởi chính bản thân tôi cũng đã từng có thời gian chán nản, bất lực khi con không chịu ăn uống. Hồi bé Xoài được 7-9 tháng, tức là giai đoạn 2 của ăn dặm kiểu Nhật, con cũng có những biểu hiện bất hợp tác. Mặc dù tôi đã cố gắng ngày nào cũng nấu món mới cho con, tuy nhiên Xoài chỉ ăn vài miếng là bỏ. Tâm trạng nản vì mất công nấu, thất vọng vì con không hiểu cho tấm lòng mẹ, lo vì con ăn ít có thể ảnh hưởng sức khoẻ..tất cả tôi đều đã từng trải qua.
Thời gian đó, tôi đã đến gặp bác sỹ dinh dưỡng ở Nhật để nhờ tư vấn. Trái ngược với lo lắng của tôi, bác sỹ chỉ bình thản bảo rằng trẻ con ai cũng vậy. Nếu con vẫn vui vẻ hoạt động bình thường thì người mẹ không có gì phải lo. Mỗi bữa con ăn được môt thìa cũng không sao. Ăn được 1 thìa cũng là thành tích. Hôm nay con ăn được 2 thìa, mai ăn được 3 thìa là đã có tiến bộ, là đã có thể vui. Bản thân cha mẹ phải thoải mái và tạo tâm lý vui vẻ thì đứa trẻ mới có thể ăn ngon và thích ăn. Tôi làm theo và quả đúng như vậy, chỉ sau một thời gian, Xoài tự dưng ăn uống tốt trở lại.
Bác sỹ dinh dưỡng Nhật khuyên tôi 2 điều: 1 là phải kiên trì; 2 là phải khen ngợi để tạo tâm lý thoải mái tránh sự căng thẳng trong bữa ăn cho con. Đây là 2 điều tôi nhớ mãi và luôn tâm niệm trong suốt quá trình cùng con ăn dặm kiểu Nhật.
Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!