Chị Trần Lê Hồng Phước sinh năm 1978 tại TP. HCM, hiện sống và làm việc ở Canada với chồng và 3 nhóc tỳ đáng yêu Xuân Uyên (6 tuổi), Uyên Khanh (5 tuổi) và Khanh Nguyên (3 tuổi).
Chị Hồng Phước và các con.
Mặc dù các con đều sinh sống mà học tập ở nước ngoài nhưng chị vẫn không quên dạy con về mảnh đất hình chữ S quê mình, về ngôn ngữ, văn hóa Việt. Đến nay, các bé nhà chị Phước đều có thể nói sõi và biết về những ngày lễ truyền thống, về quê hương của mẹ, của bà ngoại mình.
Chị Phước kể, khi mang bầu 3 bé, chị đều thai giáo bằng cách nói chuyện và cho con nghe nhạc tiếng Việt. Khi các bé chào đời, chị luôn dùng tiếng Việt để nói chuyện với con, đặc biệt, hằng ngày, chị luôn nhắc nhở các con rằng “mẹ là người Việt Nam”.
Thế nhưng, vì các bé còn quá nhỏ tuổi nên mãi đến khi được về quê ngoại chơi cách đây 2 năm, được trải nghiệm cuộc sống quê hương, được ở bên những người thân trong gia đình, các bé mới hiểu rõ những điều chị dạy và kể về việt nam trước đây.
“Thay vì ở khách sạn, ăn nhà hàng, các con ở cùng với ông bà, gia đình, được tắm trong những thùng nước, rồi xịt vòi nước ở sân. Thậm chí, các con ngủ trên sàn nhà trải chiếu, nằm trên võng nghe những câu hò ru ầu ơ hay ăn các món ăn Việt Nam, uống nước dừa thoải mái mà thỉnh thoảng mình vẫn mua ở Canada với câu nói kèm theo “cái này ở Việt Nam mới có, ngon và mắc lắm” .
Không những vậy, các con còn được đi những chợ nhỏ trong xóm, ngồi nhà trông đợi cậu, dì, anh chị đi làm về chơi. Những kỷ niệm đó khiến các con nhớ mãi và nhắc hoài”, chị Phước chia sẻ.
try {if(ADS_159_15s!=undefined){document.write( ADS_159_15s);ADS_159_15s.start();}}catch(e){}
3 bé nhà chị Hồng Phước: Xuân Uyên (6 tuổi), Uyên Khanh (5 tuổi) và Khanh Nguyên (3 tuổi).
Nhờ mẹ dạy bảo cũng như được tiếp xúc với môi trường tiếng Việt ở nước ngoài thông qua các chương trình của Hội người Việt mà cả 3 bé Xuân Uyên, Uyên Khanh và Khanh Nguyên đều có thể thông dịch qua lại dễ dàng bằng tiếng Việt với những từ ngữ thông dụng. Thậm chí các bé còn được mọi người khen về khả năng nói tiếng Việt.
Không những vậy, các bé luôn hiểu văn hóa Việt, tự giác khoanh tay cúi đầu chào, “dạ vâng” khi nói chuyện với mọi người.
“Điều đầu tiên mình dạy cho các bé là gặp người lớn chào phải khoanh tay cúi đầu và khi nói chuyện, nói “dạ” đầu tiên. Và muốn hiệu quả thì khi nói chuyện mình cũng phải luôn miệng “dạ” với con để hình thành thói quen từ nhỏ.
Mình cũng hay kể những câu chuyện về ngày nhỏ của mình ở quê, hoặc thông qua các món ăn mình nấu hay trái cây Việt Nam mình mua cho con. Hiện giờ, cả 3 bé đều có thể ăn các món Việt như sầu riêng, hột vịt lộn, chân gà, móng heo, đặc biệt là gặm xương (cười). Mình cũng thường đọc cho những bài đồng dao rồi chơi mấy trò chơi dân gian như rồng rắn lên mây, chi chi chành chành, úp lá khoai, trồng cây dừa, chơi ô quan, lò cò,…”, chị Phước tâm sự.
Ba bé vô cùng đáng yêu trong trang phục áo bà ba.
Không chỉ trò chuyện và dạy con nói tiếng Việt hàng ngày, chị Phước còn dạy con biết về nguồn cội thông qua những trang phục truyền thống, những tà áo dài được mệnh danh là “Quốc phục Việt Nam”. Được biết, hiện nay, tủ đồ của các con chị Phước có tới hơn 100 bộ trang phục truyền thống của các vùng miền, dân tộc Việt Nam.
Bộ trang phục áo dài đầu tiên chị Phước cho bé Xuân Uyên mặc được mọi người chú ý.
Chị Phước kể, lần đầu tiên Xuân Uyên mặc áo dài là khi bé được 11 tháng tuổi, mới chập chững biết đi. Lúc đó, sự đáng yêu của con trong tà áo dài Việt đã khiến mọi người phải trầm trồ đứng lại khen và khiến báo của thành phố cũng phải xin chụp hình đăng trang bìa.
Vậy là những năm sau đó, chị duy trì thói quen tìm mua trang phục truyền thống cho con mặc trong các dịp lễ hội.
“Không về được Việt Nam nên mình nhờ người thân mua và gửi sang cho. Đến năm mình về thì như chim được tung cánh, mình mua cho các con nhiều hơn. Bây giờ 3 bé đã có hẳn 1 phòng chứa trang phục và phụ kiện Việt Nam.
Mình tặng bộ sưu tập này cho các con như kỷ niệm nhằm khơi lại tình yêu của ông bà, cha mẹ và tất cả cậu dì, anh chị đã dành cho các con. Mình mong các con dù có sinh ra và lớn lên ở nước ngoài vẫn nhớ mãi nguồn cội và vẫn nhớ là con cháu Việt Nam”, chị Phước tâm sự.
Tủ trang phục, phụ kiện Việt của 3 bé nhà chị Hồng Phước.
Được biết, hiện nay, ngoài những bộ áo dài, 3 bé nhà chị đều có thêm những trang phục của Sa Pa, Lân và Ông Địa, chị Hằng, chú Cuội, Bà Trưng - Bà Triệu, trang phục thời Hùng Vương, áo tứ thân, áo bà ba....
Mỗi khi cho con mặc trên mình một bộ trang phục truyền thống, chị Phước thường giải thích rõ cho các bé về nguồn gốc, phong tục tập quán, nét văn hóa đặc trưng của từng vùng, miền.
Mới đây, trong ngày tết Trung thu của hội người Việt ở Canada, chị Phước cũng cho con tham gia các hoạt động hóa thân thành chú Cuội, chị Hằng và kể cho các con nghe về sự tích Trung thu.
Hai chị lớn Xuân Uyên và Uyên Khanh hóa thân thành chị Hằng còn bé Khanh Nguyên hóa thân thành chú Cuội.
Mỗi lần nhìn thấy các con hào hứng, thích thú khi mặc trang phục truyền thống, chăm chú nghe mẹ kể về lịch sử, văn hóa Việt, chị Phước lại cảm thấy ấm lòng bởi các con luôn tôn trọng và nhớ về nguồn cội, luôn gắn bó tình cảm với quê nhà và người thân ở Việt Nam.
Chị Hồng Phước luôn dạy con về mảnh đất, ngôn ngữ, văn hóa Việt.
Ba bé trong trang phục của người Tây Nguyên.
Chị Phước luôn được mẹ chồng và chồng ủng hộ trong việc dạy con tiếng Việt, văn hóa Việt.
Chị dạy con về đất nước, quê hương Việt Nam qua những bộ trang phục truyền thống. Các bé rất thích thú và hào hứng khi được mặc chúng.
Khi có thời gian rảnh, chị Phước thường cùng các con xem lại những bức ảnh kỷ niệm.
Bé Khanh Nguyên trong những bộ trang phục truyền thống.
>> XEM TIẾP: Mẹ Việt sở hữu 2 cô con gái giỏi yoga khiến người lớn cũng thán phục