Trong những ngày qua, sự việc ông bố ôm con khóc thảm thiết do bị tử vong vì hóc hạt nhãn khiến dư luận vô cùng thương tâm và đau xót. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, việc để cho con hóc dị vật, đặc biệt là dị vật đường thở lỗi chủ yếu là do bố mẹ.
Thực tế, không chỉ có sự việc trẻ bị hóc hạt nhãn xảy ra ở Thái Nguyên hôm 17/8, mà trước đó đã có rất nhiều trường hợp trẻ tử vong do những tình huống tương tự. Đồng thời, cũng có không ít sự việc trẻ đã được cứu sống nhờ phụ huynh đưa đến viện kịp thời hoặc có biện pháp sơ cứu ban đầu khoa học và hợp lý.
Điển hình như sự việc xảy ra ở Hòa Bình, khi con trai bị hóc hạt vải vào hồi tháng 5/2016, vì nhớ được cách sơ cứu ở trên tivi mà các bác sĩ đã từng hướng dẫn, bà mẹ đã vỗ lưng con, việc này khiến trẻ ho và bật hạt vải ra ngoài, nếu không rất có thể trẻ sẽ nguy kịch vì hạt vải lạc vào đường thở.
Từ những trường hợp may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” như vừa nêu trên, hoặc những sự việc đáng tiếc xảy ra với trẻ, câu hỏi đặt ra với các bậc phụ huynh là gì? Đó chính là khi con không may bị hóc dị vật thì phải làm như thế nào?
Phụ huynh cần phải tham gia các khóa đào tạo về sơ cứu các tai nạn ở trẻ.
Nếu chỉ nghe nói và đọc qua sách báo, rất nhiều người sẽ cảm thấy “dễ ợt” vì những động tác như vỗ lưng thì ai cũng có thể làm được, nhưng các bác sĩ cảnh báo, khi sự việc xảy ra với con hoặc người thân của mình thì chẳng ai làm đúng quy trình mà đa số là hành động khiến trẻ càng nặng hơn.
BS. Vũ Thị Thu Thủy - Trưởng khoa Khám bệnh - Hồi sức cấp cứu cho biết, đa số khi trẻ bị hóc dị vật, các phụ huynh thường quyên động tác heimlich (động tác vỗ lưng để trẻ ho bật dị vật ra ngoài), khi đó các phụ huynh thường thò ngay ngón tay vào cổ họng bé để cố móc dị vật ra.
“Việc thò tay vào cổ họng trẻ để móc dị vật ra là phương pháp phản khoa học trong sơ cứu trẻ bị hóc dị vật, vì cách làm này vô tình làm tổn thương họng bé, đồng thời khiến cho dị vật đi sâu vào trong đường thở gây nguy hiểm cho trẻ”, BS Thủy cho hay.
Theo BS Thủy việc để xảy ra những trường hợp trẻ bị hóc dị vật đa số là do sự bất cẩn của phụ huynh, khi để trẻ tiếp xúc với các dị vật dễ nuốt hoặc sắc nhọn. “Chỉ bất cẩn trong tích tắc thôi là trẻ có thể bị tai nạn ngay lập tức”, BS Thủy cảnh báo.
Trả lời câu hỏi về việc phải làm gì để hạn chế tai nạn này ở trẻ, cũng như khi trẻ bị hóc dị vật thì phải làm gì? BS Thủy cho biết, để không xảy ra tai nạn hóc dị vật ở trẻ, chỉ có biện pháp duy nhất đó là bố mẹ cẩn thận, không cho trẻ tiếp xúc hoặc để xa tầm tay trẻ em những đồ vật dễ nuốt, đặc biệt khi ăn nhẵn, vải, na, chôm chôm…cần phải dọn ngay sau khi ăn, không cho trẻ cầm nắm những loại đồ ăn, hoa quả này.
“Khi trẻ bị hóc dị vật, phụ huynh cần thực hiện phương pháp sơ cứu heimlich, để trẻ nằm qua đùi, sau đó vỗ vào lưng để dị vật bật ra, nếu không cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ”, BS Thủy cho hay.
Theo BS Thủy, việc thực hiện phương pháp heimlich cũng cần phải đúng kỹ thuật và tùy từng trường hợp cụ thể. Hơn nữa bố mẹ cũng cần phải được trang bị kỹ năng sơ cứu này.
“Tôi nghĩ, ngoài việc phụ huynh chú ý trong việc cất để đồ dùng, thì phương án cần phải được thực hiện ngay đó là việc tham gia các lớp học về kỹ năng sơ cứu cho trẻ khi bị tai nạn như: đuối nước, hóc dị vật, tại nạn vật sắc nhọn…chỉ có như vậy mới có thể cứu con khỏi những rủi do, tai nạn khi không may gặp phải”, BS Thủy khuyến cáo.