Chia sẻ về lợi ích của âm nhạc đối với đời sống, nhạc sĩ Thanh Bùi cho rằng âm nhạc là một trong những kênh giao tiếp quan trọng kết nối con người với những cảm xúc trong cuộc sống một cách nhanh nhất, chân thật và tự nhiên nhất.
Nhiều nghiên cứu quy mô lớn đã chứng minh âm nhạc là một trong những yếu tố kích thích, khơi gợi những cảm nhận, cảm xúc về cuộc sống đầu tiên cho con trẻ, giúp bé biết chia sẻ và gắn kết yêu thương. Không những thế, nó còn có thể giúp hình thành khả năng tư duy sáng tạo cho các em. Do đó nếu cha mẹ cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc một cách hợp lý, khoa học thì chắc chắn sẽ tạo cho con khả năng cảm nhận cuộc sống nhanh nhạy cũng như tư duy sáng tạo rất cao.
Âm nhạc rất tốt cho sự phát triển cảm xúc của trẻ. Ảnh: News. |
"Âm nhạc là cách hoàn hảo để nuôi dưỡng và phát triển một con người, mà điều này phụ thuộc rất nhiều vào phụ huynh. Có thể nhiều phụ huynh không biết về âm nhạc, nhưng nếu ý thức được ảnh hưởng tích cực của nó đối với cuộc sống con trẻ thì chính họ sẽ là chiếc cầu nối nhanh nhất cho con tiếp xúc, tiếp cận với âm nhạc", Thanh Bùi nói. Theo nhạc sĩ, việc khơi dậy tình yêu âm nhạc nơi trẻ không chỉ đơn thuần là hướng các em theo ngành nghề âm nhạc, mà còn tạo cho bé một cơ hội lớn để khám phá bản thân và cảm nhận giá trị, vẻ đẹp của cuộc sống.
Các chuyên gia giáo dục âm nhạc khẳng định bước đầu tiên và quan trọng nhất trong việc dạy nhạc là phải cho trẻ nghe nhạc. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều phụ huynh lại hiểu nhầm rằng “tiếp xúc với âm nhạc” tức là phải cho con mình học một nhạc cụ cụ thể nào đó.
Thực ra mục đích chủ yếu của giáo dục âm nhạc trong thời kỳ ấu nhi và nhi đồng không phải là đạt được kỹ thuật âm nhạc, mà chủ yếu là kích thích tiềm năng và bồi dưỡng những năng lực âm nhạc cơ bản.
“Kỹ thuật âm nhạc” là chỉ sự hiểu biết về nhạc lý và kỹ năng chơi nhạc cụ. Thời kỳ thích hợp để học kỹ năng là giai đoạn trẻ đã đến trường (từ 6 tuổi trở đi). Đối với trẻ trước tuổi đến trường, việc giáo dục âm nhạc nên căn cứ vào sự phát triển về sinh lý của bé, coi trọng hoạt động nghe và phối hợp thêm một số hoạt động mang tính sáng tạo của cơ thể.
Vì vậy, nghe cần trở thành bước đầu tiên trong quá trình giáo dục âm nhạc cho trẻ. Đây cũng là bước quan trọng nhất. Làm tốt bước nghe thì trong quá trình học nhạc sau này, cả trẻ, giáo viên và phụ huynh đều sẽ thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều, và cũng dễ đạt được thành công.
Quá trình này được so sánh giống như việc một đứa trẻ học ngôn ngữ. Từ khi sinh ra, xung quanh trẻ có rất nhiều người nói chuyện (trẻ được nghe). Từ đó bé bắt đầu học nói, rồi bắt đầu đọc chữ. Sau khi biết đọc, các em bắt đầu viết. "Nghe - nói - đọc - viết" là quá trình nhân loại học ngôn ngữ, và việc học âm nhạc cũng như vậy.
Gia đình chính là trường học âm nhạc tốt nhất
Gia đình là trường học quan trọng nhất của đời người, cha mẹ là người thầy quan trọng nhất của cả đời con cái. Giáo dục âm nhạc cho trẻ nhỏ có thể bắt đầu bất cứ khi nào, và giáo viên tốt nhất chính là cha mẹ. Lớp học tốt nhất chính là ở nhà. Thực tế, cha mẹ không thể bế trẻ đi khắp nơi tìm lớp ngay từ khi trẻ mới chào đời. Thời gian và tiền bạc lãng phí vào vấn đề giao thông cũng là vấn đề quá lớn nếu chỉ với mục đích cho trẻ nghe hàng trăm bản nhạc. Vì thế, nếu cha mẹ chối bỏ trách nhiệm bằng cách nói rằng "tôi không có khiếu âm nhạc, nên tôi không thể dạy nhạc cho con tôi" thì đây là lúc cần thay đổi quan niệm đó.
Cũng đề cập đến vấn đề này trong tác phẩm "Cha mẹ là giáo viên âm nhạc tốt nhất của con", tác giả Trịnh Hựu Tuệ kể lại trải nghiệm của mình như sau:
"Tôi có một người bạn mở một công ty chuyên về khí cụ âm nhạc, thường đem con đến công ty. Cháu bé tên là Bân, vì ở công ty nên từ bé đã bật tắt thành thạo các dàn loa, cháu bé cũng tiếp xúc nhiều với âm nhạc. Lúc 5 tuổi, bé Bân vào lớp học nhạc của tôi, ban đầu bé không có gì nổi bật. Sau khi học khoảng 2 năm, bé dần dần bộc lộ sự yêu thích và khả năng âm nhạc của mình. Bé bắt đầu học piano từ lớp 2, mỗi ngày tự giác luyện đàn hơn một tiếng. Bé còn nói với mọi người là hàng ngày mà không tập đàn thì không thể làm việc khác được.
Nhìn cháu bé chìm đắm trong tiếng đàn piano, hồi tưởng lại quá trình trưởng thành của bé, tất nhiên không thể phủ nhận công sức giáo dục âm nhạc cơ bản của tôi, nhưng sự hun đúc của “môi trường âm nhạc” mà từ nhỏ cháu được tiếp xúc có tác dụng quan trọng hơn.
Rất nhiều bậc cha mẹ bỏ lỡ phương thức giáo dục rất đơn giản là cho trẻ nghe nhạc, mà chỉ biết đợi đến khi con cái mình được 4-5 tuổi thì cho đi học piano, violin. Ðó là phương thức giáo dục vừa tốn kém vừa tàn nhẫn đối với trẻ nhỏ, rất dễ khiến trẻ gặp trở ngại khi học, thậm chí là bỏ cuộc giữa chừng".
Nhằm giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về vấn đề này, nhạc sĩ Thanh Bùi và Nhà văn Trầm Hương cùng 2 bé Kỳ Nam (chơi piano) và Đức Nam (chơi guitar) sẽ có buổi nói chuyện chuyên đề về lợi ích của âm nhạc đối với sự phát triển nhân cách trẻ em. Qua đó làm sao để giúp con trẻ tiếp cận với âm nhạc, giúp trẻ khám phá bản thân, cảm nhận giá trị tích cực và sự đẹp đẽ của cuộc sống. Chương trình diễn ra từ 8h30 đến 10h30 ngày 20/4 tại Học viện Âm nhạc Tâm hồn Soul Academy số 214 – 216 Pasteur, phường 6, quận 3, TP HCM. Phụ huynh quan tâm đăng ký tham dự miễn phí qua điện thoại 0908 350 590. |
Thi Trân