Người cha thường được mặc định có nhiệm vụ kiếm tiền nuôi gia đình, còn chuyện nuôi dạy và chăm sóc con cái do người mẹ đảm trách. Tuy nhiên, nếu là một gia đình, trách nhiệm của cha mẹ là cùng nhau nuôi dạy con cái.
Vai trò của một người cha, trách nhiệm và ảnh hưởng của họ đối với con cái không thể bị thay thế bởi người khác. Một đứa trẻ có tương lai xán lạn hay không liên quan nhiều tới người cha. Nếu người cha có 4 đặc điểm dưới đây, con cái sẽ hưởng lợi rất nhiều.
1. Chú trọng tới mối quan hệ vợ chồng
Có một gia đình nọ, sau khi kết hôn người vợ ở nhà chăm con còn chồng đi làm. Nhưng mỗi khi lĩnh lương xong, anh đều giao hết cho mẹ, vợ cần mua thứ gì phải nói với mẹ chồng.
Sau đó, người vợ không chịu đựng được việc xin xỏ tiền này nên yêu cầu chồng giao thẻ lương cho mình. Đương nhiên chồng và mẹ chồng không đồng ý. Sau vài năm, người vợ thấy bản thân không thể tiếp tục kéo dài tình trạng này nên đã đệ đơn ly hôn.
Kể từ đó, đứa trẻ mất đi tình yêu thương của mẹ trở nên ngang ngược. Đứa trẻ còn nhỏ nhưng đã chịu cảnh gia đình tan vỡ, nhiều người nhìn vào thấy xót thương thay.
Nếu người cha có thể hiểu được tình trạng này, biết bảo vệ gia đình mình hơn, con cái sẽ được sống dưới một mái ấm hạnh phúc. Trong một gia đình, việc cha mẹ cùng sát cánh để bảo vệ con cái là điều cực kỳ quan trọng.
Khi mối quan hệ giữa cha mẹ không tốt, con cái sẽ sống trong sự hoảng sợ, cô độc, không có tuổi thơ hạnh phúc. Vì thế, trách nhiệm của người cha, người chồng là giữ gìn gia đình mình hạnh phúc.
2. Khuyến khích con cái thường xuyên
Đối với con cái, người cha có uy quyền hơn người mẹ.
Sự khẳng định, tán dương và khuyến khích của người cha sẽ khiến con cái thêm tự tin.
Khi con thất bại hay gặp trở ngại, người cha có thể động viên con, tin rằng con đang gặp khó khăn vì một vấn đề nhỏ, đó chỉ là tạm thời và chắc chắn sẽ giải quyết được bằng nỗ lực của mình.
Đừng coi thường những gì người cha nói, có thể những lời động viên nhỏ nhặt này lại có thể trở thành động lực thúc đẩy con cái bước tiếp.
Vì vậy, là một người cha, đừng keo kiệt với lời nói của mình, hãy động viên con cái thật nhiều.
3. Dành thời gian đồng hành cùng con
Nhiều bậc cha mẹ nói rằng, họ cũng đồng hành cùng con hằng ngày, dành hàng giờ cho con nhưng lại không hiệu quả. Nếu con muốn chơi nhưng cha lại ngồi bấm điện thoại, con muốn nói chuyện nhưng cha lại bận công việc… Kiểu đồng hành này chỉ khiến trẻ thêm buồn chán.
Sự quyết đoán, bộc trực và chấp nhận rủi ro của người cha có thể khiến con trai trở nên nam tính hơn, con gái trở nên can đảm và mạnh mẽ hơn.
Giáo sư tâm lý Linda Nelson từng nói rằng, nếu một cô gái có thể nhận được tình yêu và sự tôn trọng từ cha mình khi còn nhỏ, khi lớn lên, cô ấy không cần phải tuyệt vọng đòi hỏi điều đó từ những người đàn ông khác, bởi vì họ đã có sẵn điều đó.
Vì vậy, nếu muốn con cái hạnh phúc trong tương lai, người cha phải tham gia vào việc nuôi dạy con cái, đưa trẻ đi chơi nhiều hơn.
4. Chú ý tới các cam kết
Có một đứa trẻ hay ăn cắp tiền của cha mẹ. Người cha phát hiện ra liền đánh đòn cậu bé. Sau đó, cậu bé đã nói ra một sự thật: “Bố luôn nói sẽ cho con tiền tiêu vặt miễn là con nghe lời. Thế nhưng, mỗi khi con ngoan ngoãn, bố lại không cho và nói trẻ con thì cần tiền để làm gì. Rõ ràng bố đã nói dối con, vậy mà còn đánh con nữa. Con không ăn trộm, con chỉ lấy tiền của mình thôi”.
Trong thế giới của trẻ thơ, không có những điều nhỏ nhặt, chỉ có những điều lớn lao. Trẻ rất dễ tin vào những gì cha mẹ nói. Cha mẹ là người có uy quyền đối với con cái, đặc biệt là hình ảnh của người cha sẽ có sức mạnh hơn.
Nếu người cha liên tục nói dối, họ sẽ đánh mất lòng tin của con cái. Sau này khi trẻ lớn lên, ý thức và cảnh giác của chúng rất mạnh, khó thiết lập mối quan hệ với người khác. Thậm chí, trẻ có thể nảy sinh tâm lý trả thù, muốn dùng mọi cách để lấy lại những gì thuộc về mình.
Một đứa trẻ như vậy sẽ sống một cuộc đời rất mệt mỏi và đau khổ trong tương lai.
Vì vậy, trong quá trình nuôi dạy con, người cha không nên hứa hão huyền để dỗ dành con vui nhất thời. Một khi lời hứa được nói ra, nó phải được thực hiện.