Cuộc sống của những đứa trẻ sinh ra từ các gia đình giàu và nghèo ở Mỹ có vẻ ngày càng khác biệt so với các thập kỷ trước. Theo một khảo sát mới của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) với 1.807 bố mẹ cho thấy, các gia đình khá giả quản lý con bằng các lịch hoạt động, với việc đăng ký cho trẻ vào các lớp múa ba lê, chơi bóng và chương trình ngoại khóa. Thường cả bố lẫn mẹ đều dành nhiều thời gian để đọc cho con nghe và lo lắng về lịch học dày đặc hay mức độ căng thẳng của con cái.
Tuy vậy, ở những nhà nghèo, trẻ dành phần lớn thời gian ở nhà với đại gia đình của mình. Các em thường lớn lên ở những khu vực mà chính bố mẹ cũng thừa nhận là không tốt cho việc nuôi dạy con. Các phụ huynh này lo lắng về việc con có thể bị bắn, bị đánh đập hay gặp rắc rối với pháp luật.
Theo các nhà nghiên cứu, sự khác biệt giữa các tầng lớp trong việc nuôi dạy trẻ ngày càng tăng và đó là một dấu hiệu của sự bất bình đẳng ngày càng lớn, để lại những hậu quả có ảnh hưởng sâu rộng. Cách nuôi dạy khác nhau dẫn đứa trẻ đến những lối rẽ khác nhau trên đường đời và có thể làm sự phân hóa về kinh tế xã hội sâu sắc hơn, đặc biệt vì giáo dục có liên quan chặt chẽ đến thu nhập. Những đứa trẻ lớn lên học các kỹ năng để đạt được thành công trong tầng lớp kinh tế xã hội của chúng chứ chưa hẳn là trong các tầng lớp khác.
"Những trải nghiệm từ thời thơ ấu có thể tác động rất lớn đến sự phát triển nhận thức, tình cảm, nhận thức xã hội lâu dài của trẻ", Sean F. Reardon, chuyên gia nghiên cứu về đói nghèo và bất công trong giáo dục tại Đại học Stanford (Mỹ) cho biết. "Và bởi vì những điều này ảnh hưởng đến khả năng thành công về học vấn và thu nhập sau này, trải nghiệm sớm từ thời nhỏ sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống dài lâu của mỗi người", ông nói thêm.
Ảnh minh họa: Vidavibrante. |
Vòng luẩn quẩn này tiếp tục diễn ra: Bố mẹ nghèo hơn thì có ít thời gian và nguồn đầu tư cho con cái hơn. Họ có thể chẳng chuẩn bị gì nhiều khi con đến trường hay đi làm và điều này dẫn đến việc trẻ sẽ có mức thu nhập thấp hơn sau này.
Là bố mẹ, hầu như ai cũng muốn con cái mình được khỏe mạnh và hạnh phúc, trung thực và có đạo đức, chu đáo và biết cảm thông. Theo các nhà nghiên cứu, không có một triết lý hay cách nuôi dạy con nào là tốt nhất, 92% các vị phụ huynh nói rằng họ đang làm tốt việc nuôi dạy con. Chỉ có điều, họ thực hiện việc này khá khác nhau.
Những bố mẹ giàu có hay trung lưu coi con cái như một dự án cần đầu tư cẩn trọng, nhà xã hội học Annette Lareau, Đại học Pennsylvania (Mỹ), cho hay. Họ cố gắng bồi đắp cho con các kỹ năng thông qua việc gần gũi quan sát và tổ chức các hoạt động, dạy trẻ đặt câu hỏi về các nhân vật có quyền lực và hướng tới những tổ chức danh giá.
Trong khi đó, các bố mẹ thuộc tầng lớp lao động thì tin rằng con cái sẽ phát triển một cách tự nhiên và họ để con độc lập hơn và có nhiều thời gian để chơi tự do. Trẻ được dạy để biết vâng lời và kính trọng người lớn.
Cả hai cách tiếp cận trên đều có những lợi ích nhất định. Con cái của những người nghèo hạnh phúc hơn, độc lập hơn, ít mè nheo và gần gũi với các thành viên trong gia đình mình, bà Lareau phát hiện. Những đứa trẻ sinh ra trong các nhà giàu có thì dễ bày tỏ cảm xúc, sự khó chịu và mong đợi bố mẹ giúp mình khi cần giải quyết các vấn đề hơn.
Nhưng sau hết, những đứa trẻ giàu có hơn rút cục sẽ ngồi trên giảng đường đại học và tiến tới trở thành tầng lớp trung lưu, trong khi con cái nhà nghèo thì thường chật vật mưu sinh. Trẻ từ các gia đình khá giả thường có kỹ năng để đi vào con đường công chức, bộ máy nhà nước và thành công ở trường lẫn nơi làm việc, nhà xã hội học Lareau nói.
"Tất cả bố mẹ đều muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái họ? Chắc chắn. Một số chiến lược mang lại những lợi thế tốt hơn cho trẻ? Có lẽ vậy. Bố mẹ sẽ hủy hoại con cái nếu trẻ ít được tham gia các hoạt động được tổ chức quy mô? Không, tôi thực sự nghi ngờ điều này", bà nói.
Các nhà xã hội học nói rằng sự khác biệt tăng lên giữa các nhóm bởi vì bố mẹ thu nhập thấp có ít tiền để chi trả cho các khóa học âm nhạc hay chương trình ở trường mầm non của con và họ cũng ít có thời gian đưa con cái đến viện bảo tàng hay tham gia các sự kiện ở trường.
Các hoạt động ngoại khóa là hình ảnh thu nhỏ của sự khác biệt trong cách nuôi dạy con. Trong số các gia đình có thu nhập cao hơn 75.000 USD một năm, 84% nói rằng con cái họ tham gia các hoạt động thể thao trong năm qua, 64% đã làm việc tình nguyện và 62% học các lớp về âm nhạc, khiêu vũ hay nghệ thuật. Trong những gia đình có thu nhập dưới 30.000 USD thì 59% trẻ từng tham gia hoạt động thể thao, 37% có hoạt động tình nguyện và 41% đã tham gia các lớp học về nghệ thuật.
Đặc biệt trong các gia đình giàu có, trẻ bắt đầu tham gia học nghệ thuật từ nhỏ. Gần một nửa số bố mẹ đã tốt nghiệp đại học và có thu nhập cao đã đăng ký cho con học các lớp nghệ thuật từ trước khi trẻ lên 5, so với chỉ 1/5 các gia đình thu nhập và học vấn thấp thực hiện việc này. Mặc dầu vậy, 20% bố mẹ khá giả nói rằng lịch học của con cái họ quá dày, trong khi con số này ở các phụ huynh nghèo hơn là 8%.
Điển hình khác là việc đọc cho con nghe - cách mà các nghiên cứu khẳng định giúp trẻ có vốn từ vựng lớn hơn và khả năng đọc hiểu giỏi hơn khi ở trường. 71% bố mẹ có bằng đại học nói họ đọc cho con nghe hằng ngày, trong khi 22% những người có bằng trung học hoặc thấp hơn làm việc này.
Hầu hết các bố mẹ giàu có đăng ký cho con vào trường mầm non hay cơ sở chăm sóc ban ngày, trong khi người có thu nhập thấp thì giao con cho ông bà hay người thân chăm giúp.
Kỹ thuật kỷ luật cũng khác nhau tùy theo trình độ học vấn: 8% những người có bằng sau đại học nói họ thường đánh con, trong khi con số này ở những bố mẹ có bằng trung học trở xuống là 22%.
Cuộc khảo sát này cũng thăm dò về các thái độ và nỗi lo lắng của bố mẹ. Hầu hết các bố mẹ Mỹ nói họ không quan tâm đến điểm số của con miễn là trẻ học hành chăm chỉ. Nhưng 50% bố mẹ nghèo cho biết điều cực kỳ quan trọng với họ là con cái kiếm được mảnh bằng đại học, trong khi chỉ 39% bố mẹ giàu có bận tâm tới việc này.
Khoảng cách về thành quả đạt được giữa trẻ ở các gia đình có thu nhập cao và thấp đã được nới rộng hơn 30-40% khi so sánh giữa những người chào đời vào năm 2001 với thế hệ sinh sớm hơn 25 năm.
Ngoài ra, hơn 1/4 số trẻ sống trong các hộ gia đình đơn thân có khả năng cao gấp 3 lần sẽ sống nghèo khổ hơn so với những trẻ sống cùng bố mẹ. Trong khi đó, sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng cũng tương ứng với tầm quan trọng ngày càng tăng của một tấm bằng đại học để kiếm một mức lương trung bình.
Nhưng có một số dấu hiệu gần đây cho thấy khoảng cách này đang bắt đầu thu hẹp.
Vương Linh (Theo Nytimes)