Có con thật nhiều hạnh phúc, lắm niềm vui nhưng hẳn cũng không ít phiền toái. Với 'mẹ đảm' - đã chuẩn bị kiến thức chăm sóc và nuôi con hàng năm trời hay tham gia khóa học tiền sản - việc chăm con có vẻ 'nhẹ nhàng' hơn? Còn với 'mẹ vụng' như mình thì nhiều khi chỉ biết 'kêu trời trời không thấu. Kêu đất đất không thưa'! Nhưng cũng chính những lần vụng chăm con mà vợ chồng mình đúc kết ra được nhiều kinh nghiệm hay ho.
1. Con khóc, bố mẹ 'loạn'
Thời còn son rỗi, bố mẹ quen thói ngủ muộn dậy trễ nên những ngày đầu đưa con về, cứ tưởng con ăn và ngủ ngày 3 lần đều đặn, thế là, bố mẹ bê nguyên công thức ‘sáng, trưa, chiều’ cho con.
Khổ nỗi, hôm đưa con về là buổi chiều nên sau khi dụ dỗ, 'lừa đảo' cho con ních một bụng no nê, bố mẹ lăn ra ngủ không vãy tai. Đến 1-2 tiếng sau con khóc đòi bú, bố mẹ cuống lên vì chả biết lý do gì. Hết mẹ rồi đến bố thi nhau bế con, nhảy choi choi như lên đồng mà cũng không ‘xi nhê’. Bực mình, bố quát tướng lên làm cả mẹ, cả con giật nảy: “Con ai mà khóc dai như đỉa thế hả? Không nín đét đít bây giờ".
Con mới đẻ được gần 2 tuần, làm gì đã biết sợ nên nghe tiếng động mạnh khóc càng to. Càng nghe tiếng con khóc, bố mẹ càng stress. Cả nhà cứ ầm ĩ như có Đại nhạc hội Quốc tế! Rồi chả biết ‘bần cùng sinh sáng tạo’ thế nào mà mẹ chạy đi pha sữa đút thẳng vào miệng con. Con im bặt, mút chùn chụt….
Thật đúng là có nuôi con thì cha mẹ mới trưởng thành. Bây giờ chỉ cần nghe tiếng con ọ ẹ và đặt ngón tay vào miệng, nước dãi từ khóe miệng chảy ra là bố mẹ bật như tôm cho con ti ngay hoặc nghe tiếng khóc của con có ‘vị lạ’ – nghe sắc và chói tai, thở hổn hển vài giây để lấy hơi rồi mới khóc tiếp là biết dấu hiệu con mệt mỏi, bị ốm…
Lần đầu tiên nghe tiếng con khóc, bố mẹ luýnh quýnh vì không biết tại sao (Ảnh minh họa).
2. Nước tắm cho con, bố pha nóng giãy tay
Mẹ đẻ mổ và vốn dĩ sức khỏe không được 10/10 như người khác nên mất mấy ngày mê mệt, mụ đi chả biết gì. Đến khi về nhà, người ngợm vẫn còn ê ẩm nhưng cũng đã nhúc nhích được. Bà nội, bà ngoại bận việc ở quê chưa lên chăm nên mọi việc từ A-Z một tay bố lo từ vươn thở đến tiếng thơ. Cũng may, bố là người trách nhiệm và đảm đang (nịnh chồng tí!).
Mẹ chả biết bố 'tai nọ đá tai kia', nghe cô y tá dặn thế nào mà về nhà dứt khoát pha nước nóng đủ 38 độ cho con tắm. Mẹ thử thò tay vào chậu nước thấy nóng trút cả lông nên nằng nặc đòi bố pha thêm nước lạnh. Bố tần ngần một lúc rồi cũng lững thững thêm nước lạnh vào chậu nước tắm của con. Vậy mà lúc tắm xong người con đỏ như tôm luộc. Hú hết cả hồn! Mẹ mà chủ quan không thử thì… ôi thôi, mô phật! Không dám nghĩ tiếp.
Giờ pha nước tắm cho con, bố ‘nghề’ lắm rồi. Biết dùng khuỷu tay thử nước, biết sắp sẵn ‘đồ nghề’: khăn tắm, khăn lau khô, tã, quần áo, tất, bao tay, mũ… cho con nữa.
3. 'Mệt nhoài' vì miếng lót phân su
Khi con được 29 tuần tuổi, bố mẹ 'hẹn hò' đi sắm đồ cho con, tiện tay mẹ nhặt luôn 2 túi miếng lót phân su.
Lúc sinh con, ngày đầu tiên 'trời yên, biển lặng' vì đúng 1 ngày sau sinh con mới ị phân su, lại cũng chưa tiểu mấy nên tình hình bình thường. Sau khi cho con từ bệnh viện về nhà mới 'ôi thôi là gian nan'. Mẹ cứ nghĩ miếng lót đấy tốt nên lót thêm vào để khỏi thấm vào tã giấy. Ai dè, 'sản phẩm' của con không thấm xuống tã thì thấm ngược trở lại khiến quần áo rồi người con ướt nhèm nhẹp. Mấy ngày trời bố mẹ chỉ dám nghĩ tại mình 'dốt', đóng tã cho con không đúng cách nên ngày nào cũng phải hì hụi cứ thay tã là thay quần áo cho con. Đến khi bác Hân sang chơi thì mới 'ngâm cứu' ra vấn đề làm bố mẹ được phen tẽn tò. Hết 'đỡ' nổi mẹ vụng...!
Mời bạn đọc chia sẻ và đón đọc phần tiếp theo của 'Nhật ký mẹ vụng chăm con' trên chuyên mục Làm mẹ.