Bệnh viêm não Nhật Bản là gì?
Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm vi rút cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Viêm não Nhật Bảncó thể xuất hiện rải rác quanh năm, nhưng đặc biệt tăng cao tỷ lệ mắc bệnh vào các tháng 5, 6 và 7. Việt Nam là một trong những nước nằm trong khu vực lưu hành của bệnh.
Phương thức lây truyền
Bệnh gây nên do vi rút Viêm não Nhật Bản, lây truyền qua muỗi đốt. Bệnh có khởi nguồn ban đầu từ các ổ chứa virus mà lợn và chim là các động vật đóng vai trò chính. Khi muỗi hút máu của lợn, chim có chứa virus và sau đó đốt người sẽ truyền virus sang người. Đây là con đường duy nhất làm lây nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản. Cho tới nay chưa thấy có sự lây truyền bệnh từ người sang người.
Có nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh, nhưng chủ yếu vẫn là hai loài muỗi Culex Tritaeniorhynchus và Culex vishnui. Hai loài muỗi này thường sống ở ruộng lúa nước và chập choạng tối sẽ bay đến nơi có người và súc vật sinh sống để hút máu. Do vậy bệnh thường xuất hiện ở các vùng trồng lúa nước, trồng vải.
Dấu hiệu của bệnh viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não Nhật Bản thường có các biểu hiện như sốt cao đột ngột, thậm chí là 39-40 độ, sau khoảng 8 đến 10 tiếng người bệnh thường xuất hiện thêm biểu hiện đau đầu.
Muộn hơn, người bệnh thường có biểu hiện nôn và buồn nôn, thậm chí các trẻ không ăn gì cũng nôn. Giai đoạn muộn bệnh nhân có thể li bì, lơ mơ hoặc kích động, hôn mê, co cứng, co giật, liệt hoặc cử động bất thường. Đây là những biểu hiện các bậc phụ huynh cần phải nhận biết để đưa trẻ đến viện điều trị kịp thời.
Nếu để muộn hơn nữa trẻ sẽ có biểu hiện thay đổi ý thức li bì, nói lẫn, hôn mê thậm chí là co giật. Tuy nhiên, khi để xuất hiện những biểu hiện này thì trẻ đã quá nặng, khả năng cứu chữa sẽ không cao.
Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm văcxin phòng viêm não Nhật Bản nhằm tạo miễn dịch chủ động. (Ảnh minh họa)
Hậu quả của bệnh
Viêm não Nhật Bản là một trong những bệnh để lại di chứng đặc biệt nặng nề. Bệnh gây tử vong cao (10-20%) hoặc di chứng thần kinh lớn như động kinh, giảm học lực, đần độn, liệt, câm, điếc... Các di chứng thần kinh như vậy thường chiếm hơn 50% người mắc bệnh, thường gây tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Cách điều trị viêm não Nhật Bản
Cho đến nay, chưa có một phương pháp điều trị đặc hiệu nào cho bệnh này. Chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng đỡ bệnh nhân trong các đơn vị hồi sức cấp cứu (chống sốt, chống co giật, chống phù não, trợ tim mạch, hô hấp, chống rối loạn thần kinh thực vật, chăm sóc tích cực, dinh dưỡng tốt...). Trong giai đoạn phục hồi, người bệnh cũng cần được huấn luyện phục hồi chống các di chứng.
Mặc dù hiện nay đã có nhiều phương tiện hỗ trợ điều trị song nhiều bệnh nhân viêm não Nhật Bản vẫn không qua khỏi hoặc bị biến chứng lâu dài.
Cách phòng ngừa viêm não Nhật Bản
Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm văcxin phòng viêm não Nhật Bản nhằm tạo miễn dịch chủ động. Liệu trình tiêm phòng cần đủ 3 liều: 2 mũi đầu cách nhau 1-2 tuần ngay khi trẻ đủ 12 tháng tuổi, mũi thứ 3 nhắc lại sau 1 năm. Hàng chục triệu liều vắc xin này hiện được sử dụng an toàn và rộng rãi nhiều năm qua trong chương trình TCMR tại Việt Nam, góp phần giảm mạnh tỷ lệ mắc viêm não. Hiện nay vắc xin viêm não Nhật Bản được cung cấp miễn phí cho trẻ em từ 1-5 tuổi trên cả nước tại các trạm y tế xã/phường.
Ngoài ra, có thể thực hiện phòng chống tại các ổ dịch và vùng ven bằng cách phun thuốc diệt bọ gậy, giải quyết nước ứ đọng, phân, rác...
Về phương diện cá nhân, cần tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, sử dụng hương diệt muỗi hoặc thuốc xịt ngoài da chống muỗi đốt, gắn lưới cho tất cả các cửa nhà, cửa sổ. Khi sinh hoạt bên ngoài vào ban đêm, phải mặc quần áo dài, đi tất. Cần thông quang hoặc lấp các cống rãnh, ao vũng tù đọng quanh nhà. Hạn chế nuôi lợn gần nơi ở.