Đã là người phụ nữ thì ai cũng cố gắng để một lần được làm mẹ. Và đến khi với thiên chức cao cả đó, họ sẽ nhận ra rằng công việc, nghĩa vụ của người làm cha, làm mẹ không hề đơn giản một chút nào. Mẹ phải hành xử ra sao để xứng đáng với danh hiệu là một người mẹ tốt.
Trong thực tế, không ít người mẹ đã quá lạm dụng thân phận làm mẹ của mình, đặt cái tôi quá lớn vào cách dạy con và rồi vô tình trở thành một "hình mẫu" người mẹ thất bại. Vậy đâu là "hình mẫu" của một người mẹ thất bại?
1. Là người cấm đoán
Có thể nói, mẹ nào cũng muốn lo lắng và chăm sóc cho con mình có được những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, có một số trường hợp, sự lo lắng, chăm sóc “quá kỹ” từ mẹ đã vô tình khiến cho trẻ có cảm giác bị cấm đoán nên hầu như không còn có sự tự do của riêng mình, không còn có được sự độc lập trong suy nghĩ và hành động; từ đó dễ dẫn đến trẻ có những suy nghĩ và hành động “lệch lạc” không đúng với độ tuổi của mình.
Trên thực tế, không ít bậc phụ huynh thường can thiệp rất nhiều vào chuyện học hành, sinh hoạt của con. Họ luôn muốn con làm theo ý mình, bởi họ cho rằng, cha mẹ là người đi trước nên luôn có những lời khuyên cùng những định hướng đúng đắn; bởi thế, với bổn phận làm con, trẻ cần phải nghe theo sự chỉ dẫn, định hướng đó dù chưa biết rằng, điều ấy có làm hài lòng suy nghĩ của con hay không.
Đôi khi việc bố mẹ cấm đoán, không cho con làm theo sở thích của mình sẽ khiến cho trẻ mất đi cảm giác tự do, chúng sẽ cảm thấy bí bách vì không được làm theo thứ mình muốn. Thậm chí, nếu bố mẹ cấm đoán con quá nhiều, hộ sẽ mất đi cơ hội được nghe ý kiến từ con. Chúng sẽ tự đưa ra quyết định mà không cần hỏi bố mẹ, vì chúng biết có khi hỏi thì cũng không nhận được sự cho phép.
Thay vì cấm đoán, cha mẹ hãy tìm hiểu con, cởi mở nhưng trong giới hạn cho phép. Cha mẹ hãy cố gắng làm bạn của con, để có thể hiểu được suy nghĩ và mong muốn của chúng. Bố mẹ hãy cứ làm bổn phận của mình, hãy cứ yêu thương và quan tâm đến con nhưng tuyệt đối đừng cố gắng ép suy nghĩ của mình lên con trẻ.
2. Là người luôn coi con mình là đúng
Con bạn có thể đúng trong từng trường nhưng không phải lúc nào cái đúng cũng đứng về phía con. Nhiều cha mẹ có lẽ vì yêu và thương con một cách mù quáng, nên họ luôn quan niệm rằng lúc nào con mình cũng là nhất.
Nhiều khi lỗi rõ ràng thuộc về con, nhưng mẹ vẫn ra sức bênh vực và lấp liếm đi cái sai của con. Con đánh bạn là sai nhưng mẹ không chịu thừa nhận, cứ phải “không có lửa làm sao có khói”. Việc bao bọc con một cách không biết đúng sai sẽ khiến trẻ làm sai mà không biết nhận lỗi. Việc này dễ gây cho con nhầm tưởng rằng “con là trung tâm của vũ trụ”, việc con làm chẳng bao giờ là sai cả vì mẹ luôn “bao che” cho con.
Mẹ sẵn sàng thừa nhận mọi hành động của con mà không chịu nhìn xa về tương lai con. Ngay từ bé, mẹ “giúp” con nghĩ rằng mình không làm sai điều gì, thì đương nhiên khi lớn lên con cũng “cứ thế mà tiến” theo những gì con được “dạy”. Mẹ không dám chỉ ra cái sai của con, thì chính mẹ là người đẩy con vào con đường sa ngã.
Thực tế luôn chứng minh rằng không ai yêu con, thương con bằng cha mẹ, nhưng yêu phải đồng nghĩ với việc giáo dục con sao cho đúng cách, đừng để con làm mù đi đôi mắt của mình.
3. Là người nói nhiều và hay phàn nàn
Không một đứa trẻ nào thích một người mẹ nói nhiều, lúc nào cũng phàn nàn về mọi thứ. Con làm gì không vừa mắt là quát là mắng. Với tư tưởng để con không dám tái phạm, mỗi lần quát mắng con thì cứ phải kéo dài hàng chục phút.
Có nhiều bậc phụ huynh mắng dai đến mức con phạm sai một lỗi nhưng cứ lôi thêm một vài lỗi khác của con trong quá khứ để tiện mắng luôn một thể. Việc bố mẹ nói nhiều như vậy, đôi khi khiến con cảm thấy chán nản và hình thành tư tưởng xấu là không muốn nghe bố mẹ nói, hay bố mẹ nói thì cứ nói, con nghe như không,
Mẹ đừng tự biến mình thành người "lắm điều" trước mắt con, hãy tạo lời nói có trọng lượng, chứ đừng cố nói lời vô nghĩa với con.
Việc nói nhiều hay mắng con quá dai đôi khi khiến con cảm thấy chán nản và hình thành tư tưởng xấu là không muốn nghe bố mẹ nói (Ảnh minh họa)
4. Là người luôn luôn ca ngợi con quá mức
Mẹ nào cũng đều muốn giúp con mình sống tốt và tự tin, nhưng điều này đôi khi thường bị quá đà. Xây dựng cho một đứa trẻ sự tự tin là tốt, nhưng không phải bằng cách khen ngợi quá lên mỗi khi bé đạt được một thành tích gì đó.
Một thành tích nhỏ của con, đôi khi được bố mẹ thổi phồng lên tận chín tầng mây. Việc cha mẹ tuyên dương một cách quá mức về thành tích hay công trạng của con sẽ khiến con ngủ quên trên chiến thắng.
Không những vậy, thói khoe khoang con cái quá đà của nhiều bậc phụ huynh là nguyên nhân hình thành tính ngạo mạn, thiếu khiêm tốn ở con. Đơn giản vì bố mẹ có khiêm tốn đâu mà đòi con phải khiêm tốn.
Chính vì vậy, để cứu rỗi phẩm chất và tương lai con mình, cha mẹ hãy thể hiện sự công nhận những cố gắng và kết quả tốt mà con đạt được, nhưng hãy có chừng mực đủ để con có động lực tiếp tục phát huy chứ không phải cảm thấy mình hơn người.
Mỗi người làm cha, làm mẹ cần phải xác định cho mình một phương pháp dạy con đúng đắn, hãy thử một lần làm bạn và chia sẻ thẳng thắn với con những suy nghĩ trăn trở để con có thể hiểu và thêm yêu bố mẹ hơn.