Trong 2 năm đầu sau sinh, bé phát triển bản thân vượt ngoài sức tưởng tượng của cha mẹ. Cân nặng của bé thường tăng gấp đôi sau 6 tháng và gấp ba trong ngày sinh nhật đầu tiên. Kích thước đầu chiếm 1/3 khối lượng cơ thể lúc sơ sinh, giảm xuống còn 1/4 khi 2 tuổi và 1/8 khi trưởng thành. Kích thước đầu giảm, song, trọng lượng não bộ lại tăng lên chóng mặt.
Nghiên cứu của Hội đồng Xúc tiến Y tế Singapore (HPB) cho thấy, não bé chứa khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh (nơ-ron) khi sinh ra, phần lớn chưa được kết nối thành mạng lưới. Não bộ trẻ sơ sinh chỉ nặng bằng 25% não người lớn. Thế nhưng, đầy một tuổi, não nhanh chóng tăng gấp đôi trọng lượng do các nơ-ron phát triển về kích thước và khối lượng. Tròn 2 tuổi, não trẻ hoàn thiện 80% cấu trúc chức năng so với người trưởng thành. Số lượng nơ-ron được nhân lên với tốc độ mạnh mẽ, đồng thời hình thành vô số "khớp thần kinh" (kết nối giữa các nơ-ron). Nhờ các khớp thần kinh này, mà các nơ-ron có thể hoạt động nhạy bén và đúng cách.
Đối với trẻ sơ sinh, mỗi nơ-ron có khoảng 2.500 khớp thần kinh bao quanh. Nhưng lên 2 tuổi, con số này là 15.000, tạo thành mạng lưới thần kinh vô cùng phức tạp. Não sẽ loại bỏ các kết nối mà hiếm khi hoặc không bao giờ được sử dụng. Nếu một đứa trẻ không được kích thích sớm các giác quan, nhiều khớp thần kinh sẽ không phát triển và số kết nối giữa các nơ-ron cũng ít hơn.
Não bộ của bé phát triển mạnh trong những năm đầu đời. Ảnh: Wikihow. |
Não bộ của bé phát triển như vũ bão trong 2 năm đầu đời. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại chưa chú trọng tới việc nuôi dưỡng trí não cho con ở giai đoạn này. Với suy nghĩ trẻ sơ sinh chỉ cần mau lớn, chị Thu Hằng (Hà Nội) cho rằng, giai đoạn 0-2 tuổi là quá sớm để quan tâm để khơi dậy trí thông minh cho con. Theo chị, mẫu giáo mới là thời điểm giáo dục hợp lý và thầy cô, trường lớp mới có vai trò quan trọng.
Trên thực tế, các nhà khoa học cho thấy, các tế bào thần kinh thị giác bắt đầu gửi tin nhắn qua lại nhanh chóng ở 2-4 tháng tuổi, cường độ đạt đỉnh vào lúc 8 tháng. Không phải ngẫu nhiên mà bé bắt đầu chú ý đến thế giới xung quanh trong giai đoạn này. Nếu 16 tuần tuổi, bé biết mìm cười, giao tiếp bằng ánh mắt và chăm chú ngắm nhìn sự vật; thì đến tuần thứ 20, bé biết di chuyển cánh tay để thu hút sự chú ý, giao tiếp bằng tiếng nói. Thời điểm bé nhận ra tên gọi của mình, hiểu những từ đơn giản và bắt chước người lớn khởi đầu từ sau tháng thứ 8...
Theo Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Minh Anh, người có nhiều công trình nghiên cứu về tâm lý học trẻ em, tất cả những gì mẹ có thể làm là bổ sung dưỡng chất cho não bộ và kích thích 5 giác quan (thính, thị, xúc, vị và khứu giác). Trong những tháng đầu, mẹ nên nhìn bé âu yếm, cười, nói chuyện, gọi tên, hát ru, treo các vật màu sắc trước mắt, đặt những món đồ chơi mềm mại vào lòng bàn tay bé... Sau một tuổi, mẹ có thể cùng bé tham gia các trò chơi đơn giản, đọc sách ảnh thiếu nhi, tập đếm và dạy phát âm, ngoại ngữ...
Mẹ cần cân đối 3 nhóm chất giúp nuôi dưỡng não bộ, đặc biệt là DHA. Ảnh: Mystarsitter. |
Ngoài giáo dục sớm, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp bé thông minh ngay từ những năm đầu đời. Bộ não chỉ chiếm 2% cân nặng nhưng lại tiêu thụ đến 20% năng lượng toàn cơ thể. Cứ mỗi phút, não cần tới 10 calo để tồn tại và hoạt động, tiêu hao năng lượng gấp 10 lần các bộ phận khác. Đặc biệt, giai đoạn 0-2 tuổi, não cần cung cấp nhiều năng lượng hơn thông qua nguồn dinh dưỡng hấp thu hàng ngày.
Chế độ ăn hợp lý và đầy đủ dưỡng chất cho trí não giúp trẻ đạt được những mốc phát triển quan trọng trong những năm tháng đầu đời. Mẹ cần cân đối 3 nhóm chất giúp nuôi dưỡng não bộ gồm dưỡng chất giúp bảo vệ não khỏi căng thẳng (selen, kẽm, vitamin A, E, C); dưỡng chất giúp não hoạt động tối ưu (protein, đường, vitamin B1); dưỡng chất hỗ trợ não phát triển (DHA, choline…).
Trong đó, dha là dưỡng chất quý giá, không thể thiếu. DHA chiếm 25% trọng lượng khô của não, tập trung chủ yếu ở phần não trán, nơi điều khiển chức năng kiểm soát, quản lý, lập kế hoạch, ghi nhớ, tập trung chú ý... Ngoài ra, DHA cũng góp phần giúp các tế bào thần kinh tăng trưởng, kết nối và truyền dẫn thông tin hiệu quả.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa dinh dưỡng, bệnh viện Nhi đồng 2, nếu được bổ sung DHA theo hàm lượng khuyến cáo 17mg/100 kcal của FAO/WHO, trẻ phát triển não bộ toàn diện trên cả 4 khía cạnh trí thông minh, vận động, cảm xúc và giao tiếp. Nghiên cứu nhi khoa của Viện nghiên cứu Life Span, Đại học Kansas Lawrence năm 2011 cho thấy, nhóm trẻ được bổ sung 17 mg DHA/100 kcal có thể duy trì sự tập trung lâu hơn 21%; cải thiện khả năng xử lý tình huống tốt hơn lúc 9 tháng tuổi. Một nghiên cứu khác cũng chứng minh, bổ sung đầy đủ DHA giúp cải thiện thị lực lúc 12 tháng tuổi và giúp trẻ tăng 7 điểm chỉ số phát triển trí tuệ (MDI) khi 18 tháng tuổi.
Là dưỡng chất quan trọng, song, cơ thể trẻ không tự tổng hợp được DHA mà cần dung nạp qua thực phẩm. Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, mẹ nên bổ sung các thực phẩm dồi dào DHA để có nguồn sữa mẹ chất lượng cho bé. Đến tuổi ăn dặm, thực đơn cho bé cần đa dạng và đáp ứng đủ hàm lượng DHA khuyến cáo.
An San