“Tôi đã từng gục ngã, từng nghĩ đến cái chết vì khoản nợ lớn chữa bệnh cho chồng và 2 đứa con thơ còn nhiều nỗi lo”, đó là những tâm sự của chị Lã Thị Thanh (Khu tập thể công ty may X40, ngõ 138, Hạ Đình, tổ 27 phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) khi kể về cuộc đời mình.
Con thơ còn dại mà phải "lên tinh thần" lo hậu sự cho chồng
3 mẹ con chị Thanh đang sống trong căn nhà chỉ vỏn vẹn 10m2 của khu tập thể công ty may X40 với những đồ đạc đơn sơ, tiện giản nhất có thể. Đối với mẹ con chị, điều đó là quá đủ với cuộc sống hiện tại, một ngôi nhà để che mưa che nắng mỗi sớm đi về dù có chật chội, nóng nực thế nào.
Dẫu biết rằng cuộc sống còn nhiều khổ cực, vất vả nhưng nó còn đủ đầy hơn những ngày tháng trước, mà khi kể về, 2 hàng nước mắt chị cứ lăn dài trên má.
Chị Thanh kết hôn vào năm 1995, khi chị 32 tuổi. Chị sinh con trai đầu vào năm 1997 sau một lần sảy thai trước đó.
Chị nghĩ, nói về cuộc sống của 2 vợ chồng bằng 2 từ "khó khăn" cũng không hết được. Khi sinh con đầu, cả 2 vợ chồng đều không có việc làm, phải đi chợ để chạy từng bữa cơm qua ngày. Chiếc xe đạp "rách" tuềnh toàng chở sọt lọ thủy tinh cùng với tiếng rao hàng đã gắn bó với chị vào những năm tháng ấy.
“Gia đình tôi khó khăn lắm. Căn nhà 10m2 này cũng có nguy cơ mất trắng lúc nào không hay vì không có sổ đỏ. Ngày trước tôi đi bán lọ thủy tinh để kiếm tiền sinh sống. Nhưng công việc đó cũng chỉ đủ trang trải tiền mua gạo và tiền than mỗi ngày. Ngày nào, hai vợ chồng cũng ăn cơm với rau muống luộc. Những lúc con bị ốm phải chạy vạy, lấy hàng chịu để bán”, chị Thanh rưng rưng khi nhớ lại.
Chị Lã Thị Thanh hiện đang sống cùng 2 con tại Khu tập thể công ty may X40, ngõ 138, Hạ Đình, tổ 27 phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội.
Cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn khi chồng chị mắc bệnh phổi vào năm 2000. Căn bệnh của anh khiến gia đình càng kiệt quệ hơn. Đồng tiền lương eo hẹp mà anh đi làm mỗi tháng cũng không ăn thua với tiền thuốc thang, chữa trị.
Và đến năm 2005, gia đình chị thực sự rơi vào cảnh nợ nần chồng chất mà như chị nói “nợ như Chúa Chổm”, đến mua mì chính, bột canh cũng nợ. Lúc đó, chồng chị phát hiện mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác. Không có tiền để điều trị bệnh, chồng chị phải kìm nén nỗi đau, chịu đựng từng ngày.
“Trước đó, được bác sĩ chuẩn đoán bị phổi, chồng tôi đi điều trị nhưng không khỏi. Sau đau quá, tôi đưa chồng đi khám mới phát hiện ra khối u, lúc ý tôi đang mang thai đứa thứ 2.
Tuy bác sĩ khuyên mổ ngay cắt khối u để giữ được tính mạng nhưng do không có tiền, xác định đi vay cũng không ai cho vay nên chồng tôi đành về nhà chịu đựng mỗi khi cơn đau kéo đến”, chị Thanh kể lại.
Chồng đau ốm không có tiền chữa trị lại thêm 2 con nhỏ, một đứa 9 tuổi còn một đứa chỉ vài tháng tuổi, một mình chị làm trụ cột, gồng gánh lo toan từng bữa cơm qua ngày. Chị kể lại nhiều người đã từng rơi nước mắt khi nhìn vào mâm cơm và nghe hoàn cảnh nhà chị.
May thay, ông trời cũng không bất công khi bù đắp cho chị tình yêu thương, đùm bọc của làng xóm. Chị được người mách nước làm đơn kêu gọi các hội, ban ngành giúp đỡ để có tiền cho chồng đi điều trị bệnh. Tuy nhiên, dường như mọi thứ đã quá muộn, đồng tiền ít ỏi mà mọi người giúp đỡ làm phẫu thuật cắt bỏ khối u cho chồng chị cũng "công cốc".
“Bác sĩ mổ thấy khối u có rễ, có chân bám vào mạch máu, sống lưng rồi bám vào tụy mật. Họ nói nếu cắt đi chồng tôi sẽ chết ngay trên bàn mổ nên đành khâu lại. Số tiền vay được cũng "mất trắng".
Họ gọi tôi vào bảo chuẩn bị tinh thần lo hậu sự cho chồng mà tôi "rụng rời" chân tay. Bế con 5 tháng tuổi trong lòng, tôi gục ngã thật sự khi nghe thông báo này”, chị Thanh lau 2 hàng nước mắt nghẹn ngào kể lại tháng ngày khó khăn của mình.
Căn nhà nhỏ chỉ vỏn vẹn 10m2 là nơi mà gia đình chị Thanh sinh sống hiện nay.
Hàng nước mắt lăn dài khi không có tiền làm ma cho chồng
Dẫu biết rằng chồng sẽ không qua khỏi nhưng còn hy vọng chị vẫn còn niềm tin. Chồng chị cũng vậy, anh vẫn “thèm khát” sự sống, mong muốn được nhìn thấy các con lớn khôn, đặc biệt là con gái chưa đầy một tuổi. Hễ ở đâu mách có thầy lang chữa ung thư đại tràng giỏi là chị lại cùng chồng lặn lội lên đó mua thuốc về sắc uống.
Đôi khi mệt mỏi, muốn buông xuôi nhưng nhìn thấy chồng và con, chị lại “giật dây cót” tinh thần mình. Một mình chị vừa nuôi con nhỏ lại vừa chăm chồng. Dường như với chị khi ấy không có khái niệm ngày và đêm bởi những cơn đau quằn quại của chồng và tiếng khóc đòi mẹ đêm khuya của con gái. Đối với chị ngày kéo dài 24 tiếng bởi đêm cũng như ngày chị không có lấy một phút chợp mắt.
Nhưng những cố gắng của chị cũng trở về "con số không", thậm chí là "con số âm" sau khi chồng mất.
“Sau khi bệnh viện trả về, chạy chữa thuốc thang bên ngoài, chồng tôi cũng trụ được hơn một năm vào năm 2008 thì mất. Anh ý cũng đã kịp nghe tiếng gọi “cha” bập bẹ và được nhìn những bước chân chập chững đầu đời của con gái lúc 1 tuổi rưỡi.
Đến bây giờ tôi còn nhớ mãi những ngày tháng đi bệnh viện mà không có tiền, một tay bồng bế con gái mới hơn 1 tuổi, một tay chăm sóc, nâng đỡ chồng trong viện và những ngày tháng không có một xu làm đám ma cho chồng, phải chạy vạy khắp nơi”, chị Thanh gạt 2 hàng nước mắt lăn dài trên má của mình.
Biết gia đình hoàn cảnh khó khăn, thương mẹ vất vả nên 2 con chị đều rất ngoan ngoãn. Con gái thứ 2 của chị đang học lớp 5 là học sinh giỏi nhiều năm nay.
"Mát mày mát mặt" khi con cái ngoan ngoãn, học giỏi
Sau khi chồng mất, số tiền vay mượn chạy chữa cho chồng quá lớn khiến chị Thanh tuyệt vọng. Cộng thêm 2 con nhỏ còn nhiều nỗi lo làm sao có thể nuôi chúng khôn lớn đã khiến chị nghĩ đến cái chết.
Không còn điểm tựa nào dựa vào, không còn người đàn ông trụ cột, cuộc sống của chị trở về "con số không tròn trĩnh", thậm chí là con số âm bởi những khoản nợ kia.
“Buổi trưa đi làm về nằm một mình lúc nào tôi cũng chạnh lòng, hai hàng nước mắt rơi. Xong nghĩ lại 2 đứa con nên tôi cố phấn đấu, gắng gượng lại.
May thay các cháu đều rất ngoan ngoãn, học giỏi nghe lời khiến mẹ mát mày mát mặt. Cháu lớn thi đỗ vào Đại học Giao thông Vận tải còn cháu gái nhỏ cũng được là học sinh giỏi của trường.
Các cháu cũng hay thể hiện tình yêu như nói con yêu mẹ rồi làm tất cả việc nhà giúp mẹ. Thậm chí nhà nghèo ăn cơm với nước canh rau muống cháu cũng không đòi hỏi. Đó chính là niềm an ủi, động viên, tiếp sức cho tôi mỗi ngày”, chị Thanh chia sẻ.
Mặc dù xác định đoạn đường gian nan vẫn còn dài nhưng nhìn thấy các con ngoan ngoãn, trưởng thành, học giỏi lại giúp chị vượt qua mọi khó khăn.
Căn bệnh thoái hóa xương ngày một trở nặng nhưng chị không ngại làm đủ mọi việc từ bán hàng rong cho đến lau dọn trong các nhà hàng dù đã ngoài 50.
"Còn sức còn lao động tôi sẽ gắng hết sức để lo cho con được ăn học nên người", chị Thanh bày tỏ.