Vịt Bé được bố cho đi du lịch ở một Resort tại Phan Thiết với công ty của bố vào năm 7 tuổi. Tôi không lo lắng gì vì Vịt Bé đã đi cùng với bố nhiều lần từ hồi mới 3 tuổi. Vốn có tính cách vui vẻ, cởi mở và hòa đồng, cu cậu sẽ mau chóng làm quen với tất cả mọi người và có một chuyến du ngoạn thoải mái.
Tuy nhiên, khi hai bố con về đến nhà thì lại có vấn đề xảy ra. Bố nói rằng lần này không vui cho lắm vì Vịt Bé ngồi trên xe đánh bạn. Hai đứa cùng chơi đồ chơi rồi giành nhau, không đòi được món mà mình thích, Vịt Bé vung nắm đấm lên và người lớn phải can thiệp. Kết quả là chuyến đi đã gần như tốt đẹp mà lúc về lại thành không vui.
Tôi nghe xong không nói gì, chỉ chuẩn bị cơm nước rồi chờ hai bố con tắm rửa, thay đồ để ăn cơm. Cả nhà đã xuống ngồi bên bàn ăn, riêng Vịt Bé mãi vẫn chưa xuống…Gọi mãi không thấy đâu, lên phòng thì thấy con đang ngồi chơi điện tử…
Tôi nén giận, chỉ nhẹ nhàng nói con xuống ngay để ăn uống cho thoải mái. Nhưng ăn chưa xong thì lại thấy cu cậu ôm bát cơm biến mất…Lần này Vịt Bé lại leo lên phòng để vừa ăn vừa chơi đồ chơi…
Quá tam ba bận, cơn giận của tôi nổi lên. Tôi vào phòng của Vịt Bé để la mắng. Chỉ nghe mẹ dằn giọng "Vịt Bé đâu” là cu cậu hồn xiêu phách lạc. Còn tôi thì bắt đầu 'xả'. Dù là lớn tiếng nhưng tôi không nhục mạ con mà chỉ phân tích lại những thái độ và hành động sai của con. Sau đó, tôi nói với Vịt Bé hãy đặt mình vào vị trí của mọi người nếu thấy những thái độ và hành vi sai trái đó thì cảm xúc và suy nghĩ sẽ như thế nào…Nhìn là biết Vịt Bé rất sợ mẹ, môi run run, mặt tái xanh và nước mắt chảy ra…
Sau một hồi lớn tiếng với con, tôi yêu cầu Vịt Bé viết kiểm điểm và nộp lại cho mẹ và ra khỏi phòng. Thỉnh thoảng ngó sang nhìn thấy con đang khóc nức nở một mình rồi lấy tay quệt nước mắt, thấy rất thương nhưng tôi vẫn phải làm mặt lạnh. Vịt Bé cần phải viết lại những gì đã làm sai, cho dù lúc đó về cảm xúc chưa chắc nó đã nhận lỗi, nhưng rồi một mình trong phòng, khi bình tĩnh lại, nó sẽ dần dần hiểu vì sao mẹ lại giận như vậy, lỗi của mình là ở đâu…
Sau đó một lúc, bố bắt đầu mở cửa vào ngồi chơi với con khi biết tin mẹ đang rất giận. Đó là cách để Vịt Bé thấy rằng dù sai sót nhưng cu cậu vẫn không bị bỏ rơi. Cách này được “phân công” rất rõ trong nhà tôi là khi bố giận thì mẹ vẫn ngầm ở bên con và ngược lại, tuy rằng cả nhà đều không hài lòng với những việc con làm sai.
Khi biết Vịt Bé gây sự đánh nhau với bạn, tôi thực sự tức giận và muốn phạt con. (Ảnh minh họa).
Mấu chốt của cơn giận dữ và la mắng của tôi ở đây là phải làm cho Vịt Bé hiểu được rằng gia đình không ủng hộ và dung thứ cho các hành vi sai của con. Và cu cậu thực sự phải hiểu về những gì nên làm và không nên làm.
Tuy nhiên, quan điểm của tôi trong việc này khá rõ ràng. Thứ nhất, việc to tiếng trong nhà chắc chắn là khó tránh khỏi, nhất là trong việc dạy con. Nếu chẳng may rơi vào thời điểm có nhiều căng thẳng trong cuộc sống hay thời tiết nóng bức và con cái lại mắc sai lỗi thì những cơn giận của cha mẹ sẽ khá dễ dàng xảy ra.
Thứ hai, việc bộc lộ cơn giận dữ của cha mẹ hay của con cái theo tôi hiểu cũng khá tự nhiên, về khía cạnh nào đó cũng có cái tốt là làm mọi người trong gia đình nhìn rõ vấn đề khúc mắc và sau đó tìm cách điều chỉnh thái độ, hành vi trong cuộc sống. Càng là người thân thì lại càng dễ xảy ra việc bộc lộ các cảm xúc thật, như vậy tốt hơn là che giấu nó.
Tuy nhiên, để dạy được con, vấn đề ở đây là cần kiểm soát được cơn giận dữ và la mắng của người lớn thế nào. Bởi vì nếu không kiểm soát được thì từ quát mắng thông thường dễ chuyển sang bạo lực, hậu quả sẽ gây tổn thương nặng nề cho cả cha mẹ và con. Khó khăn hơn nữa là làm thế nào để các cơn giận dữ và la mắng này có tác dụng. Bởi nếu không thì nó sẽ trở thành con dao hai lưỡi. Trẻ con sẽ nhờn với các cơn giận dữ liên tục xảy ra từ cha mẹ. Khi đó, người lớn sẽ thực sự bất lực vì không thể nào dạy được con nữa.
Một khó khăn khác cũng sẽ đến với cha mẹ khi dạy con là ban đầu thì bỏ qua mọi lỗi của con, không nhắc nhở. Nhưng đến một lúc nào đó lại bùng nổ một cơn giận lớn và vì dồn nén quá lâu các cảm xúc tiêu cực nên cơn giận này sẽ đi quá giới hạn cho phép.
Chính vì vậy, để dạy được con một cách hiệu quả, điều đầu tiên tôi nghĩ mình phải làm không phải là la mắng con, mà tìm cách để có thể la mắng con phù hợp và có hiệu quả. Thông thường, tôi không la mắng hay tỏ ý giận dữ ngay lập tức với các sai lỗi của con. Tất cả sẽ được nhắc nhở bằng một thái độ bình tĩnh và nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, tôi cũng cho các con thấy rõ rằng mọi thứ đều có giới hạn. Khi sống cùng cha mẹ hay bất cứ ai, các con tôi đều phải học về giới hạn này để tôn trọng cuộc sống chung với mọi người. Bất cứ khi nào giới hạn đã bị vượt qua thì sẽ xảy ra sự rày rà…
Tôi cũng muốn thông qua mọi việc để bày tỏ rằng khi tôi đã nhiều lần tạo điều kiện cho các con thay đổi lời nói, thái độ, hành vi sai bằng sự kiên trì mà không có hiệu quả thì việc diễn tiếp sẽ là một cơn giận dữ có kèm theo biện pháp kỷ luật phù hợp với chúng. Đồng thời, tôi cũng dành nhiều thời gian để quan sát và chờ đợi xem khi nào thì mình nên nổi giận, nên la mắng và giận dữ hay là mắng ở mức độ nào trong lần đó là phù hợp để có tác động đến lời nói, thái độ hay hành vi sai trái của con.
Từ chính trải nghiệm của mình, tôi hiểu rằng cái khó nhất khi làm cha mẹ là phải làm chủ bản thân, học cách kiểm soát được những cảm xúc tích cực cũng như tiêu cực của chính mình. Nếu bất cứ khi nào bạn không làm chủ được bản thân thì dạy con sẽ dễ xảy ra sai lầm.
Để làm được điều này tôi nghĩ cần cả một quá trình rèn luyện của các bậc cha mẹ để trở nên chín chắn và trưởng thành hơn trong nhiều năm tháng. Có thể ban đầu chúng ta sẽ mắc lỗi vì đã nổi nóng mà không kiểm soát, đã quát mắng con cái vô lý, đã làm chúng tổn thương không cần thiết… Nhưng rồi chính những sai lầm đó sẽ giúp bạn điều chỉnh cho đến khi có một thái độ và hành vi phù hợp nhất. Thật không dễ để không quát nạt, nổi nóng với con, nhưng biết làm sao khi chúng ta muốn con lớn lên và thành công thì cần học cách làm cha mẹ tốt.