Nhất là việc ăn uống, nếu không xách roi ra thì y như rằng suốt cả buổi cháu không ăn miếng nào. Nếu dạy con bằng cách này thì tôi thấy cũng không ổn, con sợ bố như sợ cọp. Tôi cũng sợ ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất, tâm lý của cháu. Nhưng không có roi thì thấy không được việc. Bé là cháu đầu lòng nên tôi cũng chưa có kinh nghiệm nhiều, xin tư vấn giúp, xin cảm ơn. (Quang)
Ảnh: blogspot.com |
Trả lời:
Dạy con bằng roi nên hay không? Chính lá thư của bạn đã tự trả lời là không nên. Bạn cũng đã cảm nhận được phương pháp này “không ổn”, bạn sợ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm lý của cháu, con sợ bố như sợ cọp… Những lo lắng của bạn rất hợp lý. Mối quan hệ gắn bó giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng, ảnh hưởng đến cảm xúc, tình cảm, sự phát triển nhân cách của con rất nhiều. Nếu tình cảm cha con chỉ có sự sợ hãi, người cha rất khó gần con, cảm hóa con bằng tình yêu thương… Con phải làm theo lời cha vì sợ chứ không phải vì thích được giống cha, thích được nghe theo lời cha, thích cha vui lòng…
Điều bạn băn khoăn cũng là trăn trở của hầu hết các bậc cha mẹ. Cha mẹ đều cảm nhận rõ dạy con bằng roi không tốt nhưng lúng túng không biết phải dạy con cách nào, cuối cùng cũng phải dùng “roi”. Khó khăn nhất của cha mẹ là dạy con cách nào là hợp lý, nếu không dùng roi thì dùng cách nào để con nghe lời.
Với trường hợp của bạn, phải dùng roi khi cho con ăn, trước hết chúng ta cần nhận diện được vì sao con bạn nhõng nhẽo, biếng ăn, chỉ dọa roi, đánh đòn mới chịu ăn?
Trẻ nhõng nhẽo vì đã quen được chiều chuộng. Con đầu cháu sớm thường được ông bà, cha mẹ nâng niu hơn. Càng chiều trẻ càng lấn tới, càng thể hiện quyền lực, càng muốn xem thử giới hạn quyền lực của bé với người thân, vì thế càng nhõng nhẽo. Trong nhà có người chiều bé thì tất phải có người đóng vai “ác” đánh bé khi bé vượt ngưỡng bướng bỉnh. Con bạn đang coi ăn là một hình thức bắt nạt người lớn, người lớn muốn mình ăn thì phải chiều mình.
Lý do trẻ biếng ăn có thể còn vì đồ ăn không hợp khẩu vị, không bắt mắt, hoặc vì trẻ được ăn vặt nhiều nên khi đến bữa chính không đói, hoặc vì lý do liên quan đến tình trạng thiếu chất, tiêu hóa kém… Bạn nên đưa cháu đến trung tâm dinh dưỡng để được các bác sĩ khám và tư vấn phù hợp với thể trạng, tính cách của cháu và điều kiện nuôi dạy của gia đình.
Để cháu ăn ngon mà không cần dọa roi, xin chia sẻ với bạn vài cách như sau:
- Không cho trẻ ăn vặt trước bữa ăn. Ngừng việc cháu muốn gì được nấy. Điều này cần thống nhất với tất cả thành viên gia đình. Chỉ cần người lớn kiên quyết không cho, trẻ sẽ không thể đòi hỏi. Trẻ khóc, la, giãy, đạp… cũng xin lờ đi. Diễn viên không có người xem sẽ tự động ngưng diễn sau ít phút. Cách này rất hiệu quả trong nhiều tình huống bướng bỉnh của trẻ em.
- Biến bữa ăn thành cuộc thi, cho trẻ tự xúc ăn thi với trẻ khác, hoặc xúc ăn thi với chính cha mẹ. Trẻ ăn cùng mâm cơm với cả gia đình sẽ rất có lợi cho việc dạy trẻ thói quen ăn uống tốt: ăn đa dạng, ăn nhiệt tình, nhai kỹ, không ngậm cơm… Trẻ sẽ được quan sát và bắt chước các thành viên trong gia đình. Có thể cho trẻ 1 muỗng riêng, bát riêng và cùng xúc với người lớn. Mẹ xúc 1 muỗng rồi đến lượt con xúc 1 muỗng… Dần dần cho trẻ tự xúc nhiều hơn. Trẻ tự lập trong việc xúc ăn sẽ ăn nhanh hơn, nhiều hơn, thấy ngon miệng hơn, thích việc ăn hơn.
- Nên tránh cho trẻ đi ăn rong hay xem tivi khi đang ăn, để tránh tình trạng mất tập trung vào việc ăn và tiêu hóa thức ăn của trẻ.
- Chỉ nên ngồi ăn tại chỗ trong khoảng 30 phút. Nếu bữa ăn kéo dài sẽ tạo thói quen ăn không tốt, hơn nữa còn ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn và khó ăn đúng giờ bữa tiếp theo. Nếu quá 30 phút mà trẻ chưa ăn xong, trẻ tỏ ý không muốn ăn nữa, cha mẹ cần chấm dứt bữa ăn đó. Ép trẻ ăn trẻ sẽ càng biếng ăn. Bữa này trẻ không ăn nhiều thì bữa ăn khác trẻ sẽ ăn bù lại, tùy theo nhu cầu và sở thích của trẻ. Cha mẹ không nên sốt ruột mà la mắng, đánh trẻ, ép trẻ ăn.
Tập cho trẻ thói quen ăn uống tốt không thể một sớm một chiều. Với những bé đã có thói quen xấu, sửa chữa lại càng cần cha mẹ kiên nhẫn hơn.
Chúc bạn và gia đình có thể cất roi đi và cùng ăn vui vẻ với cháu!
Chuyên viên tham vấn tâm lý, Thạc sĩ Phạm Thị Thúy