Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc phân tích về chứng táo bón ở trẻ và những xử lý đúng cách khi trẻ bị táo bón.
Bé đi tiêu đều đều mỗi ngày một hai lần nhưng vẫn là bón nếu phân cứng, lục cục lòn hòn như cứt dê và mỗi lần đi bé phải rặn ì ạch đỏ mặt tía tai. Trái lại, có bé năm bảy ngày mới đi tiêu một lần mà vẫn không bị coi là bón nếu phân mềm, nhão, có khuôn. Nói khác đi, bón không dựa vào số lần đi tiêu mà dựa vào tính chất của phân. Phân khô, đặc, cứng thì gọi là bón.
Cần bổ sung thức ăn nhiều chất xơ trong khẩu phần ăn của trẻ. Ảnh: BT |
Một bà mẹ có con bị bón bao giờ cũng khổ sở bứt rứt, thấy con ì ạch mãi không ra cũng bặm môi bặm miệng rặn giùm con, và sẵn sàng mua một thứ thuốc gì đó bơm đít, hoặc lấy lá hành, lá trầu… ngoáy vào hậu môn bé, hy vọng làm cho bé đi được. Thực ra hâu môn chỉ là một cánh cửa cuối của trực tràng. Trực tràng phải co bóp thì mới tống phân ra được. Để co bóp có hiệu quả, phân phải đủ to mới kích thích co bóp tống phân ra khỏi “cổng”.
Ngoáy ngoáy chọc chọc ở “cổng” chỉ gây một tác dụng yếu, không mấy ý nghĩa. Riết rồi bé cứ đợi cho có bơm, có ngoáy mới chịu đi, không tự đi một mình được. Phân nằm trong trực tràng lâu, khô cứng lại, có khi cứng như đá, xé rách hậu môn làm chảy máu. Bị rách, bị chảy máu một lần như vậy bé sẽ đau lắm, sợ hãi lắm và rán nhịn cho đừng phải rách thêm. Thế là thành cái vòng luẩn quẩn!
Bón có tính di truyền, do sự phân bố của hệ thần kinh, do độ dài của ruột già… nhưng quan trọng hơn cả là do dinh dưỡng sai lầm và do không tập thói quen tốt. Trẻ khoảng 15 tháng tuổi đã có thể giữ vệ sinh, biết kêu lên khi đi tiêu đi tiểu. Do vậy, “xi đái”, “xi ỉa” là tạo một phản xạ có điều kiện tốt cho bé. Bất đắc dĩ mới phải dùng thuốc uống hoặc thuốc bơm hậu môn. Khó chịu lắm. Nóng rát lắm. Cứ thử tự bơm cho mình môt lần đi thì biết.
Nếu bé bú mẹ, không có gì phải lo. Nếu bú sữa nhân tạo, phải coi kỹ hướng dẫn cách pha chế. Pha đặc quá, loãng quá đều gây… bón. Khi được 4 tháng tuổi bé đã có thể được tập cho ăn dặm (ăn sam), nghĩa là thêm thức ăn bên ngoài vào bữa sữa của bé. Nước luộc rau củ, luộc bầu bí, nước cháo loãng… dùng để pha sữa sẽ làm bé dễ đi tiêu hơn vì có chất xơ. Khi ăn được bột thì nhớ thêm rau củ, trái cây. Trong chuối, đu đủ… có dầu, giúp làm trơn ruột.
Cần tập ăn dần nhưng chất có xơ. Xơ không phải là thực phẩm, không cho năng lượng nhưng giúp phân đóng khuôn, đủ lớn để kích thích đầu dây thần kinh trực tràng tạo co bóp để tống phân ra ngoài. Thật sai lầm khi cho bé dùng một thứ nước cam… tinh khiết, đầy hương vị hóa học, nhưng không có chút “xơ múi” gì cả. Uống một ly cam như vậy không bằng ăn một vài múi cam tươi.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc