Theo giáo sư - tiến sĩ Vũ Gia Hiền, trẻ 5-6 tuổi đã hình thành nhân cách. Các em bắt đầu khám phá được khả năng và phẩm chất của mình, hiểu được thái độ của những người xung quanh, có phản xạ vui buồn về thành công và thất bại, về ưu khuyết điểm của bản thân, về những khả năng và sự bất lực. Tuy nhiên, khả năng hiểu của các em chỉ ở mức độ đơn giản.
Ở lứa tuổi này, trẻ đã biết được giới tính của mình, là trai hay gái. Lúc này, hành vi của người lớn có tác động rất lớn đến bé, ví dụ khi thấy cha hút thuốc lá, các em sẽ bắt chước hành vi kẹp điếu thuốc vào giữa hai ngón tay rồi đưa lên miệng. Vì thế nếu muốn trẻ sau này không nghiện thuốc, người cha cần bỏ thuốc lá. Trong tình huống này, việc bỏ thuốc chính là một kỹ năng giáo dục trẻ.
Khi dạy trẻ những kỹ năng cần thiết, người lớn nên lồng ghép giáo dục trẻ biết chờ đợi, kiềm chế hành vi, lời nói bộc phát. Ảnh: Thi Trân. |
Cũng trong giai đoạn cuối tuổi mẫu giáo, trẻ bắt đầu biết hành động có mục đích, biết lập ra kế hoạch theo thời gian gần và không gian hẹp. Mặc dù các em chưa có khái niệm kiểm soát thời gian và không gian nên chúng chỉ hành động theo bản năng mà chưa biết đánh giá kết quả.
Hiểu được đặc điểm này, cha mẹ nên tập cho trẻ biết chờ đợi, kiềm chế hành vi, lời nói bộc phát qua những hoạt động cụ thể. Cần tổ chức trò chơi có luật chơi, nhờ đó mục đích thô sơ (chơi) có thể trở thành kỹ năng sống. Chẳng hạn chơi trò đi bộ qua đường có đèn tín hiệu xanh vàng đỏ, chỉ được đi khi đèn xanh… Việc tập cho trẻ như vậy là bước đầu chuyển trí tuệ của trẻ thành ý chí.
Việc hình thành tư duy logic cũng xuất hiện ở độ tuổi này. Trẻ có thể lĩnh hội được một số khái niệm khoa học đơn giản. Vì thế khi dạy trẻ biết vệ sinh sạch sẽ, người lớn nên kèm lời giải thích ích lợi của việc ấy. Khi dạy trẻ dùng tiền, cha mẹ phải nói cho con hiểu tại sao phải tiết kiệm, tiền của cha mẹ do đâu mà có…
Theo tiến sĩ Gia Hiền, người lớn có thể dạy trẻ 5 tuổi nhận diện mặt chữ, con số, đọc chữ, đọc một số từ… nhưng không nên cho các em học chương trình lớp một, tức là không cho trẻ học sớm. Học sớm sẽ làm trì trệ tâm lý, hình thành tính ỷ lại. Cha mẹ cũng nên giúp trẻ rèn tính tự lập qua các trò chơi, làm việc phải tới nơi tới chốn và có kết quả cụ thể. Cần giáo dục trẻ một số khái niệm khoa học đơn giản, như vi trùng, vệ sinh, phòng bệnh, phòng hỏa hoạn… để trẻ làm quen với cuộc sống và thế giới xung quanh.
Chú ý, khi giáo dục đừng để trẻ “khôn trước tuổi” tức là trí tuệ phát triển nhanh hơn cảm xúc. Nếu giáo dục trí tuệ nhiều hơn hành vi thì sẽ vô tình đẩy các em vào tình huống “thừa trí tuệ, thiếu năng lực” khiến chúng mất cân bằng trong cuộc sống. Khi trẻ hiểu biết mà không làm được sẽ bị mất cân đối giữa trí tuệ và cảm xúc. Nếu cứ để tự do phát triển trí tuệ mà không kiểm soát trí tuệ, trí tuệ không hài hòa với cảm xúc, trẻ sẽ dễ sinh hư. Ví dụ trẻ nghiện game mà không có tiền (chưa làm ra tiền) sẽ dẫn tới hành vi ăn cắp, ăn trộm.
Trên thực tế, trẻ hư đa phần có trí tuệ cao hơn năng lực hành vi, xem thường lao động chân tay, hưởng thụ sớm trong khi năng lực kiểm soát hành vi còn quá thấp, chưa làm ra tiền mà đã thích “chơi sang”.
Thi Trân