Hầu hết các mẹ thường quan niệm rằng “trẻ con thì biết gì” và nghĩ rằng bé nhà mình quá nhỏ để hiểu mọi chuyện đang diễn ra xung quanh, hoặc chủ quan cho là bé sẽ không nhớ điều gì khi lớn lên, nhất là đối với những trẻ dưới 3 hay 4 tuổi, nhưng các mẹ đã hoàn toàn sai lầm. Bộ óc non nớt của bé có thể quan sát và ghi nhớ rất nhiều điều, và trong số đó có cả những sự kiện hay hành động mà mẹ cho là bình thường nhưng thật ra lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến suy nghĩ cũng như tính cách bé sau này. Hãy cùng điểm lại những hành động tai hại để tránh cho bé các mẹ nhé:
Cười hay kể lại khuyết điểm của bé trước mặt người khác
Thật đáng buồn đây lại là sai lầm đa số các mẹ hay mắc phải. Chắc hẳn không ít lần các mẹ lôi tính xấu của con ra “khoe” với mọi người và bình luận vui vẻ về độ “đáng yêu” của tật xấu đó mà chẳng quan tâm là bé đang ở đó. Với suy nghĩ bé sẽ chẳng thể hiểu hay nhớ được những gì mẹ nói, các mẹ lại đang vô tình khiến con mình trở nên mặc cảm và tự ti khi tật xấu của bé lại bị lôi ra bàn tán sôi nổi. Dẫu những khuyết điểm ấy là rất nhỏ, nhưng ở thời kì này, bé rất mẫn cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động xung quanh, nên việc bị tổn thương tinh thần là điều khó tránh khỏi. Giả dụ như, bé có tật xấu là hay cắn móng tay, vậy là mỗi khi dẫn bé đi chơi đâu đó hay gặp gỡ ai, mẹ đều kể tội cắn móng tay của bé với người đó theo giọng điệu “ôi, bé nhà em hư lắm, cứ cắn móng tay suốt thôi, bảo mãi không được”. Mẹ không biết rằng, mỗi lần mẹ nói về khuyết điểm ấy là bé lại thêm căng thẳng và tình trạng cắn móng tay không chỉ không được cải thiện mà còn diễn ra nhiều hơn trước.
Quên không xin lỗi trẻ khi mẹ sai
Liệu các mẹ có xin lỗi đứa con 3 tuổi của mình khi mẹ phát hiện ra mẹ vừa mắng nhầm bé vì một việc mà bé không làm không hay chỉ xuề xòa cho qua? Nếu câu trả lời của mẹ là phương án 2 thì mẹ lại vừa mắc khuyết điểm rồi đấy! Nếu mẹ không sửa sai và xin lỗi bé, mẹ sẽ vô tình làm bé mất đi niềm tin vào người lớn và sẽ học theo thói xấu của bố mẹ. Có thể bé sẽ nghĩ rằng, tại sao mẹ lại không tôn trọng mình như vậy hay nếu mẹ không xin lỗi thì chẳng việc gì mình phải xin lỗi mẹ khi bé mắc lỗi thật sự. Vẫn biết việc xin lỗi trẻ con sẽ thật khó khăn với một số bố mẹ, nhưng đây là điều các bố mẹ nên làm quen dần trong quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ.
Để trẻ chứng kiến những cảnh tượng bạo lực, xung đột hay tiếng cãi vã xô xát
Dù còn rất nhỏ nhưng trẻ đã có thể cảm nhận được những nỗi lo sợ hay bất an xuất phát từ những hành động mà mẹ không ngờ đến, thậm chí là từ sở thích xem phim của mẹ. có những bà mẹ thích xem các phim hành động, hoặc kinh dị có âm thanh và cảnh tượng không phù hợp với trẻ nhỏ, nhưng do nghĩ con còn quá bé, mẹ vô tình để con nghe thấy hay xem được. Những âm thanh và hình ảnh đó sẽ in sâu vào kí ức trẻ, khiến trẻ hình thành nên những nỗi sợ hãi vô cớ hay lo lắng bồn chồn. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra nếu bố mẹ để trẻ nhìn thấy cảnh cãi vã hay xô xát ngoài ý muốn khi bố mẹ bất đồng. Dù chỉ chứng kiến 1,2 lần, nhưng trẻ sẽ nhớ mãi cảnh tượng không hay ấy đến tận sau này. Vì vậy các mẹ hãy chú ý để trẻ cách ly với những tình huống như vậy.
Quát mắng hay đánh trẻ
Mẹ hãy khuyên bảo thay vì quát mắng trẻ (hình minh họa)
Đây có thể nói là sai lầm nghiêm trọng nhất của các mẹ. Một nghiên cứu đã cho thấy, những trẻ lớn lên cùng với những trận quát mắng hay đòn roi của bố mẹ có xu hướng bạo lực và khó kiểm soát hơn những trẻ bình thường khác. Nếu trẻ làm sai hay có lỗi gì, các mẹ chỉ nên khuyên bảo từ từ hoặc có thể áp dụng một số hình phạt khác thay vì quát mắng hay đánh trẻ. Có thể khi bị quát mắng, trẻ sẽ sợ mà không phạm lỗi một, hai lần đầu, nhưng nếu lạm dụng, trở sẽ tỏ ra “nhờn” và lì lợm, không còn sợ những trận đòn roi nữa. Điều này còn nguy hiểm hơn rất nhiều lần. Do vậy mẹ hãy loại bỏ hình thức răn đe này khỏi quá trình nuôi dạy con nhé.