Cách đây vài ngày, trên diễn đàn của một số hộ dân sống tại khu đô thị mới Tứ Hiệp, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội đang xôn xao khi xem đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo mầm non tát xối xả vào mặt một học sinh 3 tuổi. Được biết, đoạn clip được một phụ huynh ghi lại vào chiều 15/6 tại lớp mầm non tư thục Tuổi hoa (địa chỉ Phòng 419- CT6) thuộc khu đô thị nói trên.
Theo miêu tả của đoạn video, từ 1 phút 48 đến phút thứ 3 của đoạn clip, mặc dù bé trai ngồi ngoan ngoãn trên ghế để ăn cháo nhưng khi gần hết bát thứ nhất, cháu có trớ ra một ít ở quần. Cô giáo vừa lấy giấy lau quần cho học sinh, vừa nhanh tay kéo ghế vào góc khuất và tát liên tục vào mặt cháu bé.
Sau đó, cô giáo này còn véo tai, véo đùi của cháu bé. Và, sau những hành động mang tính “vũ lực” ấy, cô giáo này đã cho cháu bé ăn hết.
Đoạn clip trên hiện đang khiến cha mẹ phẫn nộ, bất bình và một lần nữa, vấn đề bạo hành trẻ mầm non , vốn không hề mới, lại được dư luận mang ra mổ xẻ.
Cô giáo tát liên tục vào mặt cháu bé trong giờ ăn ở lớp mầm non tư thục Tuổi hoa thuộc khu đô thị Tứ Liên.
Trên các diễn dàn mạng, hàng nghìn bậc phụ huynh thi nhau chia sẻ những bài viết về dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành, lên án trường mầm non tư thục, những cơ sở trông giữ trẻ tự phát không có giấy phép hoạt động, người làm công việc chăm sóc trẻ thường không được đào tạo chuyên môn bài bản, không có kiến thức về nuôi dưỡng chăm sóc trẻ, thiếu kiến thức về sự phát triển tâm lý trẻ…dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em.
Chúng ta đổi lỗi cho nhà trường, xã hội và giáo viên mà quên đi một phần lớn lỗi lầm, hoá ra cũng lại do chính những bậc làm cha, làm mẹ khi vô tình đẩy con mình vào tình huống dễ bị bạo hành. Tại sao nguyên nhân của hầu hết những vụ cô giáo mầm non đánh trẻ đều là do mất bình tĩnh khi đang cho trẻ ăn? Tại sao thời điểm xảy ra bạo hành, luôn là trong những giờ ăn của trẻ tại trường mầm non? Đã có ai từng đặt câu hỏi?
Clip ghi tại giờ ăn trưa trường mầm non tư thục Nụ Cười Xinh, địa chỉ 47/63/33 đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. (ảnh cắt từ clip)
Những hình ảnh kinh hoàng gây chấn động dư luận trong giờ ăn trưa ở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh.
Có rất ít hoặc hầu như không một ai, lên án hay chỉ ra lỗi sai thuộc về chính những bậc làm cha, làm mẹ. Bài viết của chị Hà Chũn – đồng tác giả hai tập sách Nuôi con không phải là cuộc chiến và Ăn dặm không phải là cuộc chiến, đăng tải cách đây đã khá lâu nhưng đến nay vẫn còn nóng hổi, mang đến cho nhiều người một góc nhìn mới về những vụ việc bạo hành trẻ mầm non diễn ra thời gian gần đây. Có thể sự tàn nhẫn bắt đầu từ phía cô. Nhưng có thể mầm mống của vấn đề, thực sự sâu xa không nằm ở đó.
Làm cha làm mẹ, hãy tự hỏi mình đã chuẩn bị gì cho con khi đi lớp. Hãy nhắm mắt lại suy ngẫm một chút về bữa ăn của bé ở nhà?
Con có bị ăn thụ động không? Con đã tự biết ăn, thích ăn không? Nếu câu trả lời là không, nghĩa là đến trường con sẽ cần cô giúp, cô bón, và ăn trong miễn cưỡng dưới sự chỉ đạo của cô giáo.
Ở nhà con có cần một người chuyên múa may tán thưởng khi ăn không? Nếu có, đến trường cha mẹ kỳ vọng một đội văn nghê chuyên khen các cháu há mau, nuốt nhanh ăn giỏi?
Con có cần iphone, ipad, TV để con dỗ con ăn không? Nếu có, cha mẹ có nghĩ ở trường có TV dỗ các con ăn không?
Con có cần ăn rong không, ra sân chơi để ăn? Nếu có, bạn có nghĩ cô giáo sẽ mời con ra sân vừa chơi vừa ăn?
Con ăn cơm ở nhà có bị bố mẹ quát nạt, đe nẹt và dọa dẫm? Nếu có, con sẽ quen phải bị dọa dẫm mới chịu nuốt thức ăn, ăn đi kèm với sợ hãi? Vậy bạn chờ đợi điều gì khi con ăn ở trường?
....
Ở nhà, chỉ một đứa trẻ biếng ăn đã làm ta sôi máu nóng gan thì hãy tưởng tượng cô giáo, những người không là cha mẹ của con mình, hàng ngày tiếp xúc với hàng chục đứa trẻ như thế, họ sẽ cảm thấy thế nào”
Chị Hà chũn - đồng tác giả hai tập sách nổi tiếng với cha mẹ Việt: Nuôi con không phải là cuộc chiến và Ăn dặm không phải là cuộc chiến
Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện ngắn với chị Hà Chũn để nghe bà mẹ này chia sẻ thêm quan điểm về vai trò của cha mẹ trong việc chống lại bạo hành trẻ em ở trường mầm non
Ngoài việc không ép con ăn , trang bị cho con khả năng tự ăn, chị nghĩ cha mẹ Việt còn nên dạy con những điều gì để giảm thiểu áp lực cho giáo viên mầm non?
Ngoài việc dạy cho con thói quen ăn uống tích cực, niềm yêu thích ăn uống nói riêng, về tồng thể tôi nghĩ cha mẹ cần cho con hiểu rằng nhu cầu tự nhiên của trẻ được tôn trọng. Trẻ có quyền được nói con đã no và được bố mẹ chấp nhận thực tế đó và ngừng bữa ăn. Rộng hơn, trẻ cần được cảm thấy sự tôn trọng về cơ thể và khoảng không gian cá nhân, như một người lớn vậy. Do đó khi bị xâm hại, với trẻ đó là điều không bình thường và có sự giao tiếp trực tiếp và tại chỗ với thầy cô giáo và với cha mẹ.
Người Việt chúng ta có thói quen doạ trẻ em. Doạ không ăn thì ba bị bắt hay doạ những thứ khủng khiếp và không có thật sẽ xảy ra, dần hình thành tâm lý sợ hãi là bình thường. Do đó đôi khi những cảm giác sợ hãi cần ở trẻ sự phản vệ vốn có bị mất đi. Điều này là do cả một quá trình tiếng nói va nhu cầu của bé bị bỏ quên cộng với bị tiếp nhận các thông tin tiêu cực từ phía môi trường xung quanh. Do đó, khi bị bạo hành trẻ coi là bình thường và không có thông tin với gia đình. Khi cô giáo làm đau trẻ, nếu có thông tin trực tiếp và nhanh chóng, sự việc hẳn không đi quá xa.
Cuối cùng, chúng ta quên mất nhu cầu ngủ và nghỉ ngơi của trẻ. Trẻ thiếu ngủ sẽ mất khẩu vị ăn uống. Trẻ ít vận động thể chất và vui chơi ngoài trời tinh thần sẽ không đủ tỉnh táo và sáng khoái để tiếp nhận thức ăn và học ăn tích cực: một kỹ năng mà đối với trẻ cũng là một quá trình học tập.
Khi lựa chọn một trường mẫu giáo cho con, chị quan tâm những điều gì?
Tôi có cô bạn có con đến tuổi đi học mẫu giáo, việc đầu tiên mà bạn tôi quan tâm là vệ sinh thực phẩm và tham khảo trường học cho con, nơi đầu tiên đến tham quan là BẾP nhà trường.
Nhiều mẹ theo phương pháp ăn uống tích cực, ăn do bé chỉ huy thường chọn các trường học có tạo điều kiện cho bé tự ăn và không ép trẻ ăn uống. Nhiều mẹ thậm chí hỏi xem gia đình cho thể mang thức ăn trưa cho trẻ, đặc biệt là các gia đình quan trọng chất lượng ăn uống, ăn nhiều rau và ăn cân bằng.
Quan niệm của tôi giáo dục ở thời điểm này, ở gia đình là chính. Trường là nơi con giao lưu, học sự tự lập còn về nếp sống, giáo dục văn hoá vẫn phải gốc rễ từ gia đình.
Bản thân chị trước khi cho con đi học mẫu giáo, chị chuẩn bị gì cho con về kỹ năng và tâm lý?
Tôi đảm bào cho con có những giấc ngủ đủ. Tôi đảm bảo thông tin thông suốt: những gì con sẽ làm ở lớp, con sẽ học gì và những điều kì thú. Tôi chấp nhận những giai đoạn làm quen khi trẻ chưa quen trường lớp bằng cách có mặc trong 2-3 buổi học đầu. Tôi lắng nghe mọi phản hồi của con về trường lớp, luôn luôn dành ít nhất 30 phút cuối ngày hỏi con ở lớp hôm nay có chuyện gì xảy ra, con ăn món gì, có ngon không, các bạn con như thế nào..... Tôi tôn trọng sự sợ hãi trường lớp của con những buổi đầu, đồng thời khuyến khích và đặt giới hạn: con thấy đó, tất cả mọi người đều đi học, đó là qui luật của cuộc sống.
Và cuối cùng, trong mọi trường hợp, mình không doạ bé về cô giáo và nhà trường. Nhà trường và cô giáo là nơi con học, vui chơi và tận hưởng cuộc sống, không phải là nỗi ám ảnh của trẻ thơ.
Xin cám ơn chị đã chia sẻ!