Đã xuất hiện trên mạng được một thời gian, tuy nhiên, chỉ đến hôm qua, khi không khí tôn vinh và tri ân những người mẹ trong Ngày của mẹ lên cao, bài tâm sự "Anh có dám hôn lên những vết rạn da ấy" mới bất ngờ được hàng chục nghìn người chia sẻ.
Bài viết là lời nhắn gửi tới những ông chồng, những người đàn ông về những vất vả, hy sinh trong cuộc sống mà người phụ nữ đã chấp nhận gánh chịu kể từ khi làm mẹ: Ngực nở, eo thon, quần áo là lượt đã trở thành những vết rạn da, những phần mỡ thừa, những mái tóc cháy khét mùi mồ hôi bếp núc... Rất nhiều hy sinh tận tuỵ trong câm lặng để đổi lấy những bữa cơm ngon, những nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp, những đứa con ngoan và chu toàn cho cả hai bên nội ngoại.
Rất nhiều người phụ nữ đã nhìn thấy mình trong đó, rất nhiều ông chồng cũng đã nhận ra sự vô tâm, thờ ơ của mình. Sự đồng cảm, chân thật và nói lên một cách chính xác nỗi lòng những bà mẹ là điều giúp bài viết này nhanh chóng thu hút hơn 16 nghìn lượt yêu thích, hơn 9 lượt chia sẻ và hàng nghìn bình luận.
Được sự đồng ý của chị Tuệ Nhi (Hải Phòng) - tác giả của bài viết, xin đăng tải nguyên văn đoạn tâm sự gây bão cộng đồng mạng:
Anh có dám hôn lên những vết rạn da ấy
Năm đầu tiên anh lột áo vợ ra, ngực vẫn tròn eo vẫn thon mông vẫn nở. Sau đứa con đầu tiên, anh lột áo vợ ra, thì ngực đã chảy xuống vài cm, eo biến mất thay vào đó là chút mỡ thừa, mông có thể to hơn nhưng rạn từ hông xuống tận bắp.
Sau đứa con thứ hai, anh lại lột áo vợ ra, anh chán nản vì cô ấy nhìn thật giống mẹ, chỉ cần hơi cúi một cái ngực với bụng đã có thể chạm nhau, miệng kêu la vì mệt mỏi thay vì sung sướng.
Tôi nghĩ rằng mỗi người đàn ông trước khi lấy vợ hãy vạch áo của mẹ mình lên. Nhìn vào mảng bụng năm tháng đó và suy nghĩ mình có nên kết hôn hay không? Mình có nên sống chung với một cặp đùi căng nứt dưa bở, một cái bụng nhăn nheo chằng chịt như địa đồ tàu. Có hay không? Nhưng cần thiết hơn hết là mỗi người đàn ông nên có một khoảng thời gian tĩnh lặng nhất định.
Tôi không khuyên anh vào chùa bởi cuộc sống hôn nhân vô cùng phức tạp chứ không hề nhẹ nhõm, an nhàn như sư cô hay chú tiểu đâu.
Thứ nhất, hãy bước vào bếp, bởi nó là vị trí đầu tiên cô dâu của anh sẽ thể hiện trách nhiệm của một người vợ. Anh có thể tính toán nổi mẹ mình đã dành bao nhiêu thời gian cuộc đời để quanh quẩn trong cái góc toàn cá thịt, rau củ, dầu mỡ ấy không?
Tôi thấy rằng một người đàn ông thường nói chán cơm mẹ nấu sau 20 năm. Nhưng chỉ cần sau 3 đến 5 năm là anh đã có thể than thở với bạn bè rằng: “Tao đang chán cơm vợ nấu”. Chán là chán thế thôi chứ tôi chắc chắn anh nào lúc bước chân về nhà cũng mưu cầu vợ phải sắp sẵn cơm lành canh ngọt. Dù mình có bỏ bữa đi nhậu nhẹt bù khú với đám bạn ngoài đường thì nghĩa vụ nấu vẫn phải nấu, vừa phải thoải mái cho chồng những khoảng thời gian riêng vừa phải nhẫn nhục ăn cơm nuốt nước mắt một mình.
Nhưng anh à! Vợ không phải là mẹ, không phải là người phụ nữ có thể ngồi canh mâm cơm mà chờ đợi anh đến hết cuộc đời. Vợ là người sẽ đi cùng, chạy cùng, vui buồn cùng, sướng khổ cùng, luôn song hành chứ không phải ở lại phía sau…
Thứ hai, hãy bước ra phòng khách, ở đó người vợ sẽ thể hiện trách nhiệm của một người mẹ đã rứt ruột sinh con đẻ cái cho anh. Ở đó nhìn đâu cũng thấy đồ chơi con anh bày la liệt, thấy quần áo cái ướt cái khô, thấy sữa bỉm thuốc men thậm chí là những vũng nước tiểu hay bãi nôn trớ.
Và tất nhiên vẫn theo trách nhiệm, vợ sẽ là người dọn dẹp mọi thứ, cho con ăn 3 đến 5 bữa mỗi ngày, rã tay bế ru con ngủ. Nhà cửa ngăn lắp sạch sẽ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.
Vừa nấu cơm vừa canh con, vừa sắp đồ vừa canh con, vừa cho đứa bé bú vừa dạy đứa lớn học, vừa đi chợ vừa giặt quần áo, vừa chu toàn bên nội vừa nhớ về bên ngoại, vừa dĩ hòa trong nhà vừa vi quý xung quanh….v..v và v..v.. Chỉ có điều vợ cũng chỉ có hai tay như bao người khác, có 24 giờ như bao người khác, và cần ăn ngủ sinh hoạt như bao con người khác.
Vợ là vợ, vợ không phải ô-sin để anh có quyền trách móc “Tại sao cô vẫn để nhà cửa thế này thế kia khi mỗi tháng tôi đã đưa cho cô 3 triệu 5 triệu hay 10 triệu”. Tiền chỉ để trả cho ô-sin thôi, còn với vợ, hãy trả cho cô ấy thật sòng phẳng, sự thông cảm, sự chia sẻ, sự thương xót và trả thật đầy đủ trách nhiệm của một người chồng.
Thứ ba, đã quá muộn rồi hãy gặp lại vợ mình trong phòng ngủ và để cô ấy thực hiện trách nhiệm của một người vợ đến giây phút cuối cùng.
Trên giường anh mong muốn vợ biết làm tình giỏi như người yêu cũ hay tầm thường hơn là như mấy cô cave. Chỉ có điều vợ anh lại là một cô gái chỉ biết ăn học, yêu anh là người đầu tiên và chưa bao giờ dám xem phim sex. Anh bằng lòng vui vẻ với những vế phía trước và thì thầm vào tai thằng bạn cái vế phía sau “Mày ơi tao thèm ăn phở”.
Năm đầu tiên anh lột áo vợ ra, ngực vẫn tròn eo vẫn thon mông vẫn nở. Sau đứa con đầu tiên, anh lột áo vợ ra, thì ngực đã chảy xuống vài cm, eo biến mất thay vào đó là chút mỡ thừa, mông có thể to hơn nhưng rạn từ hông xuống tận bắp. Sau đứa con thứ hai, anh lại lột áo vợ ra, anh chán nản vì cô ấy nhìn thật giống mẹ, chỉ cần hơi cúi một cái ngực với bụng đã có thể chạm nhau, miệng kêu la vì mệt mỏi thay vì sung sướng. Đồ ngủ lôi thôi, đồ lót lại chẳng có gì mới mẻ. Thế là anh mất hứng, anh lại mưu cầu về một người vợ gợi cảm, nóng bóng hơn.
Và anh đi tìm bồ nhí. Bồ nhí chưa đẻ nên bụng phẳng lì, ngực săn chắc.
Bồ nhí diện váy ngắn khoe đùi thon không rạn, người thơm phức không mùi mồ hôi bếp núc.
Bồ nhí mới mẻ đầu tóc quần áo mỗi ngày, vì con không nắm giật, vì không có mối lo cơm cháo gạo tiền. Chi tiêu thoải mãi, thời gian vô hạn trong vòm trời rực rỡ thanh xuân.
Thật tuyệt vời… nhưng sao anh vẫn cần phải lấy vợ?
Bởi vì bồ nhí là bồ nhí, bồ nhí không phải là mẹ hay ô-sin.
Bồ nhí không phục vụ anh miễn phí một cách câm lặng tận tụy cho đến hết cuộc đời (nếu như chẳng may anh thất thế hay ốm đau nằm đó).
Chẳng phải mỗi người đàn ông đều đã từng thấy vợ mình qua hình ảnh của mẹ mình hay sao?
Chỉ là một đứa trẻ sẽ có quyền vô tư hưởng thụ còn một người đàn ông trưởng thành sẽ phải gánh vác trọng trách là trụ cột cho gia đình.
Đừng chỉ vội vàng cười hạnh phúc trước ngày kết hôn, mỗi người đàn ông hãy để lòng mình lắng xuống.
Nhìn lại suốt 20 năm, 30 năm mẹ mình đảm nhận vị trí của một người vợ.
Nếu anh thấy cay sống mũi vì những tháng ngày vất vả mà mẹ đã thầm lặng chấp nhận, vì những điều tốt đẹp mẹ đã từ bỏ để dành cho anh.
Nếu anh thấy những vết rạn mỗi lúc một to lên và mẹ cắn chặt môi vì đau đớn.
Nhưng rồi mỉm cười hạnh phúc vì anh đã đặt nên đó một nụ hôn truyền đạt yêu thương.
Anh biết những vết rạn là dấu tích thiêng liêng trong cuộc đời của mỗi người phụ nữ.
Tuổi trẻ họ không thích nó nhưng nếu được trở thành một người mẹ, họ sẵn sàng chấp nhận.
Chấp nhận một cơ thể thô kệch, không hoàn hảo để có được những đứa con hoàn hảo.