Sữa mẹ chứa những chất dinh dưỡng hoàn hảo, cho trẻ bú mẹ mang lại nhiều lợi ích nhưng khá nhiều bà mẹ chưa hiểu đúng và thực hành đúng cách việc cho con bú.
Theo bác sĩ Hoàng Thanh Thủy, Khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng I, trong sữa mẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, quan trọng cho sự phát triển của bé, bảo vệ trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Trẻ bú mẹ có tỷ lệ tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp thấp. Thành phần đạm trong sữa mẹ cũng dễ tiêu hóa, hàm lượng vitamin đầy đủ hơn. Hàm lượng đường trong sữa mẹ nhiều, giúp não bộ em bé phát triển.
Ngoài ra, nuôi con bằng sữa mẹ còn giúp gắn bó, phát triển tình cảm giữa mẹ và con, tăng cường sự yêu thương, gần gũi, giúp bé ít quấy khóc hơn. Việc cho con bú giúp bà mẹ chậm có con, giúp giảm tỷ lệ ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Cần cho trẻ bú trong vòng 30 phút sau khi sinh. Trong sữa non có nhiều tế bào bạch cầu, nhiều vitamin, kháng thể bảo vệ bé chống nhiễm khuẩn, dị ứng. Bên cạnh đó sữa non còn có tác dụng xổ, giúp tống phân su, phòng vàng da.
"Trong 6 tháng đầu tiên, các bà mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, không ăn uống gì kể cả nước để tráng miệng. Trong sữa mẹ đã có chứa lượng nước cần thiết cho trẻ, nếu uống nước chỉ càng làm tăng thêm nguy cơ nhiễm khuẩn từ nguồn nước cũng như các dụng cụ ly, cốc, thìa...", bác sĩ Thủy nhấn mạnh.
Việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là vô cùng cần thiết. Ảnh: koraorganics |
Không nên cho trẻ ăn bổ sung sớm trước 6 tháng tuổi. Theo các nghiên cứu, trong thời gian từ 4 đến 6 tháng tuổi, sữa mẹ vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho trẻ. Thông thường, một lần trẻ bú mẹ kéo dài khoảng 15-20 phút, khoảng 8-12 lần một ngày đêm. Trẻ đi tiểu ít nhất 6 lần mỗi ngày cho thấy bú đủ.
Một vấn đề mà nhiều bà mẹ hay gặp là cho con bú hoàn toàn nhưng bé lại không lên cân. Trong trường hợp này, bà mẹ cứ nghĩ là do sữa mình nóng hoặc không đủ chất dinh dưỡng, từ đó dẫn đến mất niềm tin vào việc duy trì nuôi con bằng sữa mẹ và hoang mang tìm đến các loại thực phẩm bổ sung, các loại sữa thay thế, bột ăn dặm khi trẻ chưa đủ 6 tháng tuổi.
Lý giải về điều này, bác sĩ Thủy cho biết, trong sữa mẹ thì sữa đầu là sữa có hàm lượng đường nhiều hơn, giúp thỏa mãn cơn khát của trẻ còn sữa cuối mới chứa hàm lượng chất béo nhiều, giúp trẻ tăng trưởng. Nếu trẻ không được cung cấp sữa cuối thì dù cho bú nhiều trẻ vẫn không lên cân.
"Lời khuyên cần thiết cho các bà mẹ là nên để trẻ bú hết một bên rồi mới chuyển sang bên kia để giúp trẻ được hấp thụ sữa cuối. Nhiều bà mẹ vì sợ xấu mà thay đổi vú liên tục khi cho con bú. Sau bữa bú nếu còn sữa thì nên tranh thủ vắt ra để dành cho em bé bú", bác sĩ Thủy cho biết.
Một sai lầm nữa là nhiều bà mẹ nghĩ trong năm thứ 2, do không còn nhiều sữa và sữa không có chất dinh dưỡng nên không cho con bú. Trên thực tế, trẻ còn bú mẹ là còn ra sữa. Trong năm thứ 2, với 500ml sữa hằng ngày có thể cung cấp 31% năng lượng, 38% protein, 45% vitamin A, 95% vitamin C. Do đó, trẻ cần bú mẹ kéo dài từ 18 đến 24 tháng.
Ngực nhỏ hay lớn không liên quan đến chuyện tiết sữa của tuyến vú. Điều quan trọng là bé phải ngậm bắt vú đúng, trẻ phải há to miệng, mũi của bé phải đối diện vú mẹ, đầu và lưng thẳng, toàn thân bé được nâng đỡ thoải mái, cằm của bé tựa vào vú mẹ, bụng bé áp sát với bụng mẹ, bầu vú của mẹ khi bé bú phải thấy phía trên nhiều hơn phía dưới.
Bác sĩ Thủy cho biết thêm, không nên cho trẻ sử dụng bình bú và núm vú giả. Dụng cụ này dễ khiến bé bị đầy hơi và có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Sử dụng bình bú còn gây khó khăn trong việc bé ngậm vú mẹ vì khi bú mẹ em bé phải há to miệng ngậm hết quần thâm của núm vú thì vú mẹ mới tiết sữa trong khi ở bình bú thì việc tiết sữa đơn giản hơn.