Chào đón con yêu với sự hồ hởi xen lẫn niềm hạnh phúc vô bờ, vậy nhưng chỉ sau 1 tuần, vợ chồng anh Kiều Thanh Tùng (28 tuổi, Hà Nội) đã phải “xanh mặt” vì những đêm thức trắng thay nhau bế con. Bé Cua, con trai anh Tùng rất ngoan ngoãn, đáng yêu và rất chịu khó ti mẹ. Tuy nhiên, Cua lại có thói quen “ngủ ngày cày đêm”. Chính “cơn ác mộng” này đã khiến ông bố bà mẹ trẻ vô cùng căng thẳng và mệt mỏi.
Thương vợ, thương con, anh Thanh Tùng đã tìm đọc các phương pháp luyện con ngủ xuyên đêm rồi bỏ 3 ngày trời theo dõi, ghi chép lại lịch sinh hoạt của con từng giờ từng phút trong để rút ra kết luận về thói quen sinh hoạt của Cua và tự xây dựng nên một phương pháp trị khóc đêm riêng cho con.
Theo ông bố trẻ, “Tình yêu con và mong muốn hiểu con, muốn những gì tốt nhất cho con là cái quan trọng nhất. Từ tình yêu đó, bố mẹ sẽ có nhiều hình thức và phương pháp khác nhau để chăm sóc con mình”.
Bé Cua, con trai anh Tùng rất ngoan ngoãn, đáng yêu và rất chịu khó ti mẹ. Tuy nhiên, Cua lại có thói quen “ngủ ngày cày đêm”. Chính “cơn ác mộng” này đã khiến ông bố bà mẹ trẻ vô cùng căng thẳng và mệt mỏi.
Ngay tuần đầu, con đã cho bố mẹ "trò chuyện đêm khuya" đến 4,5 giờ sáng.
Lần đầu lên chức đã phải đối mặt với chuyện con quấy khóc, không chịu ngủ đêm, hẳn ông bố trẻ như anh cảm thấy rất “khủng hoảng”?
Những ngày đầu tiên trong viện thì tình cảm dạt dào lắm. Vì có cả những người thân (chị, mẹ) giúp đỡ. Mọi người lại có kinh nghiệm hơn nên mọi thứ khá trôi chảy. Tôi cảm thấy rất vui sướng khi được làm cha. Vậy nhưng tới khi về nhà, những hôm đầu thì khá là mệt mỏi vì chỉ có 2 vợ chồng. Con lại quấy khóc mà bố mẹ thì ngay cả thay tã còn chưa chuẩn, khá là lóng ngóng. Việc chăm con ban ngày hoặc buổi tối thì không sao, nhưng khoảng 4-5h sáng mà còn vẫn quấy khóc thì khá là căng thẳng.
Ngay từ tuần đầu tiên về nhà, con tôi đã cho bố mẹ nó thưởng thức 2 trận "trò chuyện đêm khuya". Một lần từ 11h tới 2h sáng, lần khác từ 4h tới 6h sáng. Thực sự bé vẫn rất ngoan, chỉ thức chơi thôi, lâu lâu không thấy bố mẹ trả lời thì mới khóc. Nhưng gì thì gì, 4h sáng mà phải ngồi ru con ngủ thì quả là “ác mộng”. Nếu bé nào mà vừa thức vừa quấy khóc nữa thì còn… trên cả ác mộng.
Vợ chồng tôi vẫn rất yêu con, nhưng đôi lúc cảm thấy khá mệt mỏi và căng thẳng. Tôi biết nhiều gia đình, nhất là các cặp vợ chồng mới lần đầu làm cha mẹ còn còn cãi nhau khá gay gắt, vì nghĩ rằng do bố/mẹ ban ngày thế này thế kia, nên giờ con mới khóc...Nếu để đúc kết về trải nghiệm lần đầu “lên chức bố” của bản thân, theo tôi đó là: Vui sướng khi có con + Bỡ ngỡ khi chăm con + Khá mệt mỏi, căng thẳng và không hiểu tại sao khi thấy con quấy khóc.
Có phải chính từ những ngày trắng đêm ru con, dỗ con ngủ đến 4-5h sáng đã khiến anh quyết định phải tìm ra một phương pháp giúp con ngủ đủ giấc và ngủ ngon?
Sau 2 tuần chăm sóc con cùng vợ, tôi có một sự đồng cảm sâu sắc với các bà mẹ bị suy sụp và trầm cảm sau sinh và sắp tới có thể là cả các ông bố nữa.
Cảm giác được chăm sóc con nhỏ vẫn đầy thích thú. Nhưng nếu là một bà mẹ đang bị đau, lại cứ 2 tiếng phải dậy cho con ăn. Chưa kể chuyện ị đái, quần áo tã lót, rồi con khóc quấy cả đêm. Nếu phải lo tất cả những chuyện đó một mình. Cả ngày ngồi trong phòng ôm con, nhìn bạn bè đi du lịch và uống cà phê. Không stress mới là lạ
Tôi hiểu cảm giác đó của vợ, và trong 3 ngày tôi đã nghiên cứu lập ra một kế hoạch, một phương pháp để giảm bớt vất vả cho các ông bố bà mẹ trong việc giúp con ngủ đủ và ngủ ngon hơn. Tránh thức giấc và khóc quấy ban đêm. Tôi gọi phương pháp này là GCNN tức là Giúp Cua Ngủ Ngon, tất nhiên các bạn có thể đổi tên và áp dụng với những “thằng” khác (cười).
Sau 2 hôm vừa áp dụng, tôi đã đạt chút hiệu quả tích cực khi con ngủ ngon cả đêm, bố mẹ thậm chí 6h sáng đã dậy mở cửa đón bình minh cùng con, lau mặt mũi chân tay và thực hành da-tiếp-da (skin-to-skin) cùng con thay vì ngủ bù tới tận 9-10h như những ngày trước đó. Cả nhà cảm thấy rất khỏe mạnh và hưng phấn.
Anh Tùng và con trai, bé Cua hiện chưa đầy một tháng tuổi.
Phương pháp Giúp Cua Ngủ Ngon
Anh có thể giới thiệu cụ thể về phương pháp Giúp Cua Ngủ Ngon của mình?
Phương pháp của tôi gồm 3 bước cơ bản: Tracking (theo dõi) - Analysis (Phân tích) - Changes (Thay đổi)
1. TRACKING (THEO DÕI)
Để làm được điều này, đầu tiên bố mẹ cần làm là hãy dành ra từ 2-3 ngày để theo dõi lịch sinh hoạt của bé. Ghi thật rõ ràng và chi tiết từ mấy giờ tới mấy giờ bé ngủ, mấy giờ dậy ăn. Thậm chí mấy giờ nằm chơi, mấy giờ hay quấy khóc. Lúc quấy khóc thì hiện tượng là gì? Đây gọi là bước Tracking, ví dụ như hình dưới đây.
2. ANALYSIS (PHÂN TÍCH)
Sau 03 ngày theo dõi cùng với một chút tinh ý, bố mẹ sẽ nhận thấy những "điểm quan trọng" trong thời gian biểu của bé. Như bé thường ăn lúc nào, ngủ lúc nào. Và quan trọng nhất, khóc quấy lúc nào. (Thông thường nếu có khác nhau cũng không nhiều. Và 80% sự khác nhau đó là do bố mẹ chứ không phải do bé. VD: bố mẹ có khách tới chơi, hoặc bố mẹ ăn muộn --> cho bé ăn muộn --> bé ngủ muộn hơn mọi hôm --> Ngủ không ngon từ đó quấy phá những giờ khác.)
Dưới đây là Biểu đồ hoạt động của Cua nhà tôi trong 3 ngày theo dõi
Biểu đồ sinh hoạt của bé Cua
Một vài phân tích cơ bản
- Tổng thời gian ngủ: Thời gian trung bình trẻ sơ sinh ngủ là 16-18h/ngày. Nếu thấy ít hơn thì cần tạo môi trường cho bé ngủ đủ. Nếu ngủ nhiều hơn thì tìm cách giảm bớt. Ngủ đủ sẽ giúp bé bớt quấy khóc về đêm. Chứ ko phải như nhiều người nghĩ là bắt con thức nhiều ban ngày thì con mệt sẽ ngủ tốt hơn vào ban đêm.
- Các thời điểm ngủ: Bé hay ngủ những giờ nào? Giấc ngủ kéo dài bao lâu. Ví dụ bé nhà tôi ngủ rất nhiều giấc (trung bình cứ 2 tiếng dậy ăn). Tuy nhiên luôn có 3 giấc ngủ rất sâu, đó là: sáng lúc 9h, chiều sau 16h và tối sau 20h. Lý do ư: Vì 9h là giờ bé vừa ăn và tắm nắng, 15h là giờ tắm bé. Còn 19h là giờ bé ăn bữa tối (ăn no) và trời bắt đầu tối. Đây là đoạn rất rất quan trọng, bạn phải nhận ra được "thời điểm vàng" này của con mình.
Một điều nữa là cha mẹ nên hiểu nguyên lý giấc ngủ của bé. Giấc ngủ của bé sẽ trải qua các giai đoạn từ giấc ngủ nông, giấc ngủ sâu, và giấc ngủ REM (tức là khi ngủ mắt bé ti hí chớp chớp. Đây cũng là thời điểm mà các giấc mơ sẽ xảy ra). Thông thường khi ngủ bé sẽ gặp khó khăn nhất ở giai đoạn chuyển từ giấc ngủ nông sang giấc ngủ sâu. Thời điểm này bạn nên ở bên cạnh hỗ trợ bé chuyển tiếp giấc ngủ, tránh có những tác động khiến bé tỉnh giấc, vừa khó ngủ lại vừa không ngủ đủ giấc, gây khó chịu cho bé (thông thường giấc ngủ của bé kéo dài 1-3 tiếng, ngủ ít sẽ khiến bé mệt mỏi và khó chịu).
3. CHANGES (THAY ĐỔI)
Đã có phân tích ở trên rồi, thì mọi thứ sẽ dễ thở hơn nhiều. Cốt lõi của Phương pháp này chỉ dựa trên 2 điều: Giúp con ngủ đủ và Duy trì giấc ngủ tối liên tục. Tôi bỏ qua những nguyên nhân sinh lý và bệnh lý thông thường (đói, đi tiêu, bị đốt, sốt...)
* Nếu nguyên nhân bé quấy đêm tới từ Thiếu ngủ hoặc Thừa ngủ. Thì bạn dựa vào chính thời gian biểu 3 ngày theo dõi của mình để điều chỉnh đánh thức bé dậy chơi cùng, hoặc tạo môi trường để bé ngủ tốt hơn. Tuy nhiên nguyên nhân này ít hơn, và cũng ko nên lạm dụng, tránh xáo trộn tâm sinh lý của bé.
** Thay đổi tốt nhất tới từ việc xác định các Thời điểm vàng trong giấc ngủ của bé.Thời điểm vàng là cái gì? Thời điểm vàng = Giấc ngủ vàng = Ngủ sâu và lâu nhất trong ngày. Thời điểm vàng của mỗi bé là khác nhau, nhưng thường tồn tại từ 1-3 thời điểm vàng (giấc ngủ vàng) trong ngày. Cái này bố mẹ sẽ thấy được sau 3 ngày theo dõi. Khi xác định được rồi thì áp dụng như sau:
- Thứ nhất, bạn phải xác định được những giấc ngủ ngon nhất của bé, tạo mọi điều kiện để bé được ngủ tốt nhất. Một giấc ngủ chất lượng (nhưng ko thừa) sẽ giúp bé khỏe mạnh hơn, bớt khó chịu và quấy khóc.
- Thứ hai và quan trọng hơn là giấc ngủ vàng của buổi tối. Đây cũng là vấn đề mà gia đình tôi đã gặp phải. Đó là sau khi phân tích rất nhiều thứ, tôi thấy mọi thứ bé nhà tôi đều trong mức cho phép. Các giấc ngủ đều tốt, ăn tốt, môi trường tốt. Vậy tại sao bé vẫn quấy khóc về đêm?
Chi tiết hơn nữa nào! Tại thời điểm bé quấy khóc, đã có những hiện tượng gì xảy ra? Có lẽ các bạn đã nhận ra ở Biểu đồ con Cua của tôi, hoặc nếu không thì mời bạn xem tiếp biểu đồ sau, chú ý phần biểu đồ màu đỏ nhé.
Biểu đồ chi tiết thời gian quấy khóc của Cua
Bạn có thấy điều tôi thấy?
+ Bé ngủ giấc ngon nhất lúc 20h, nhưng bố mẹ lại toàn thức tới 22-23h mới ngủ. Khiến cho giấc ngủ 20h của bé không được hoàn hảo. Tới 22h tỉnh dậy đòi ăn thì bố mẹ vẫn thức --> con bị đánh thức hoàn toàn, ko ngủ trở lại được.
+ Vào các bữa đêm, khi cho con ăn thì bố mẹ dùng ngay đèn phòng ngủ với ánh sáng quá lớn khiến con bị đánh thức hoàn toàn, từ đó ko ngủ trở lại được. Ngồi chơi và sau đó quấy khóc.
Sau đó thì mọi thứ được giải quyết đơn giản hơn rất nhiều:
+ Bố mẹ cùng con đi ngủ lúc 20h, tắt mọi ánh đèn, tham gia vào giấc ngủ sâu của con.
+ Khi con dậy ăn lúc 22h, bố mẹ chỉ dùng ánh đèn tối nhất có thể, chỉ đủ dùng. Lúc đó bé vừa ăn vừa tiếp tục lơ mơ ngủ. Ăn no rồi lại ngủ tiếp, lặp lại cho tới sáng.
Nhờ phương pháp của ông bố trẻ, bé Cua đã ngủ ngon, ngủ sâu hơn rất nhiều. Thường một cữ ngủ sẽ kéo dài 3 tiếng, có hôm 4 tiếng.
Chồng giúp vợ chăm con là không cần bàn cãi
Theo anh điều quan trọng nhất cha mẹ cần biết khi ứng xử với chuyện trẻ thích “ngủ ngày cày đêm” là gì? Liệu phương pháp của anh có thể áp dụng được cho tất cả các bé?
Điều quan trọng nhất khi gặp phải trường hợp này, là bố mẹ không được tức giận. Phải nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân, vì không phải tự nhiên bé lại thức khóc. Có người thì nói cứ để kệ con, “Cha sinh con trời sinh tính. Trẻ sơ sinh nó thích thức lúc nào thì thức, thích ngủ lúc nào thì ngủ.” Tôi không nghĩ vậy. Không nên bắt ép trẻ theo lịch trình của mình, điều này đúng. Nhưng đôi khi chỉ cần thay đổi chút ít ở giờ giấc, môi trường, cách thức sẽ khiến trẻ cảm thấy an toàn, thân quen và giữ được giấc ngủ dài hơn. Chúng ta đều muốn một giấc ngủ ngon cho con tôi đúng ko?
Đương nhiên, tôi cũng muốn thống nhất một số vấn đề:
- Chúng ta không đi tìm một khuôn mẫu nào cho việc dạy con. Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác biệt, cần có chế độ chăm sóc riêng.
- Mọi người có thể tham khảo nhưng không nên rập khuôn. Càng linh hoạt áp dụng thì tính hiệu quả càng cao.
- Phương pháp này tôi mới nghĩ ra dựa trên những kiến thức đã học được. Tôi cũng đã kiểm chứng và có sự thành công nhất định với bé nhà tôi. Nhưng con là con của bạn, vì thế hãy cân nhắc trước khi áp dụng suy nghĩ của người khác vào con mình.
Là một người đàn ông nhưng anh lại tỏ ra rất tháo vát và am hiểu việc nuôi dạy và chăm sóc trẻ sơ sinh – lĩnh vực được coi là “độc quyền” của phụ nữ mà thường trong các gia đình Việt, vợ, mẹ chồng hay mẹ đẻ sẽ là người đảm đương. Quan điểm của anh như thế nào về trách nhiệm chăm con trong gia đình?
Tôi nghĩ việc nuôi dạy và chăm sóc con cái chỉ nên để cha mẹ bé (tức là người chồng và người vợ) trực tiếp thực hiện bởi đây là môi trường lý tưởng nhất cho con. Có ông bà thì tốt, nhiều kinh nghiệm. Nhưng kinh nghiệm đôi khi lại là rào cản để tiếp cận nhưng phương pháp giáo dục mới. Có giúp việc thì cũng tốt, tuy nhiên không gì bằng tình cảm bố mẹ. Một mặt tạo gắn kết gia đình. Một mặt con đỡ ảnh hưởng bởi những điều ko tốt từ giúp việc (nếu có).Về trách nhiệm của hai vợ chồng: Nếu để người vợ cả đêm dậy cho con ti, dọn dẹp cho con rồi lại ru con ngủ. Thì chắc không bà mẹ nào chịu hết được tháng đầu tiên. Đây cũng là lý do nhiều bà mẹ bị trầm cảm sau sinh. Thế nên tôi nghĩ việc chồng giúp vợ chăm con là không cần bàn cãi.
Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị!