Trước khi có em bé, chị Hương vẫn đút cơm cho Na, cho bé đi vòng quanh xóm, sang nhà các bạn vừa ăn vừa chơi. Nhưng giờ mẹ bận, bà lại già yếu, nên đến bữa Na bị bắt ngồi yên trong cái ghế ăn, tự xúc từng tí một. Hôm nào cũng vậy, cứ được vài thìa là bé lại khóc, đòi mẹ cho ăn. Bà phải dỗ dành, đưa hết vật này vật nọ, bật băng đĩa, cho xem quảng cáo tivi bé mới chịu ăn hết.
Thương em, âu yếm em nhưng bé Na cũng không tránh khỏi cảm giác ghen tị vì "mẹ lúc nào cũng chỉ bế em Bi, mẹ không yêu Na nữa rồi". Tính nết bé cũng thay đổi khá nhiều, chỉ cần ngã một chút, trầy xước một tẹo là bé khóc ầm lên, gào to gọi mẹ, dù trước đó Na tỏ ra là đứa bé rất chững chạc. Khi mẹ đang cho em bé bú, Na hay tiến lại gần, luôn miệng hỏi: "Mẹ ơi, ngày xưa con cũng ti mẹ thế này à? Em Bi trớ rồi? Em Bi không ngoan phải không mẹ?"... Na cố gắng thu hút sự chú ý của mẹ bằng nhiều cách khác như khoe mẹ bức tranh vẽ ở lớp, cho mẹ xem đồ chơi mới, hay hỏi ý kiến mẹ về tất cả mọi chuyện...
Đang bận rộn chăm sóc em bé, chị Hương nhiều khi bực mình vì bé Na cứ léo nhéo bên cạnh, có lần chị tức quá đánh vào mông con mấy cái, bé nhìn chằm chằm vào mắt mẹ, nước mắt lưng tròng rồi chạy vụt xuống với bà. "Sao mẹ lại đánh con, con không yêu mẹ nữa" - câu nói của con gái khiến chị Hương xót xa, giận mình vì không có nhiều thời gian để quan tâm đến con nhiều như xưa.
Ngược lại với bé Na, bé Bốp lại tỏ ra ghét em ra mặt, cứ tranh thủ lúc không ai để ý, cậu bé 4 tuổi lại cấu trộm khiến em bé khóc ré lên. 3 tháng nay, Bốp đã bao lần bị bố mẹ đánh đòn vì cái tội bắt nạt em. Bốp thường xuyên lấy tã của em bé quấn hết vào người, lăn lê dưới đất, lấy bình sữa mút thử, nghịch bao tay bao chân của em rồi kéo giãn hết ra... Thậm chí, khi mẹ bế em ra ngoài tắm nắng, Bốp trèo lên giường, tè bậy vào đúng chỗ em nằm để "đánh dấu lãnh thổ".
Sự thay đổi tính cách của Bốp bắt nguồn từ việc mẹ không còn cho em đi mua quần áo, không cho đi chơi game ở trung tâm thương mại cuối tuần... Từ khi có em bé, Bốp bị mẹ quát nạt, đánh đít nhiều hơn. Ở lớp, Bốp cũng trở nên trầm tính, ít nói và dễ nổi cáu với bạn bè. Cậu bé cũng mít ướt hơn trước nhiều, ai nói Bốp bị "ra rìa" là bé quay đi nức nở khóc.
Nhiều trẻ trở nên khó tính, nhõng nhẽo hơn khi mẹ sinh em bé. Ảnh: L.A. |
Bé Linh Lan (5 tuổi) đã ngủ riêng được hơn một năm, nhưng khi mẹ sinh em Linh Anh, bé nhất quyết đòi ngủ cùng với mẹ. Bé khóc đòi được ngủ trong nôi của em, rúc vào ngực mẹ khi em bé bú. Câu chuyện của bé đợt này thường xoay quanh chủ đề các bạn trong lớp được bố mẹ quan tâm thế nào, chăm chút ra sao, kiểu như: "Mẹ ơi, bạn Kiều Trang vừa được mua cái ba lô Kitty đẹp lắm; bạn Su tổ chức sinh nhật ở lớp có bánh kem to đùng; tuần sau lớp con đi tham quan, mẹ đi với con nhé...".
Bé trở nên nhõng nhẽo, hay khóc và bám mẹ hơn trước nhiều. Mấy ngày bố đi công tác, mẹ bận chăm em, bé Linh Lan được người hàng xóm nhờ đón giúp, về nhà bé vùng vằng, nằm ra giữa nhà khóc toáng lên, nói không muốn đi học nữa, muốn được mẹ đón mỗi ngày. Rồi mẹ đi đến đâu, bé chạy theo đến đó, lúc nào cũng luôn miệng hỏi: "Mẹ còn yêu Linh Lan nữa không? Con yêu mẹ lắm".
Chuyên gia tâm lý Trần Thu Trang, công tác tại một trung tâm can thiệp sớm tâm lý của trẻ ở Hà Nội, cho biết đây là những biểu hiện tâm lý rất bình thường ở trẻ. Trong gia đình, trẻ là trung tâm của mọi sự chú ý, được bố mẹ quan tâm và chăm sóc, biết được vị trí của mình và những đặc quyền mà chúng có. Tuy nhiên khi xuất hiện thêm một em bé mới, thế giới của trẻ bị thay đổi, sự chăm chút của gia đình không còn nhiều như trước, trẻ rơi vào trạng thái lo bị bố mẹ bỏ rơi và thường xuyên ghen tị với em.
Trong giai đoạn này, bố mẹ cần đặc biệt quan tâm đến những biến đổi tâm lý của trẻ, từ lời nói, hành động bên ngoài để có sự chấn chỉnh hợp lý. Nếu không nắm bắt và hiểu con, trẻ dễ dàng hình thành nhiều thói quen xấu, tính nết cục cằn, khó chịu, nhiều trẻ có khả năng bị tự kỷ.
Bố mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi em bé mới chào đời bằng cách thông báo về việc sắp có em, sắp có người để chơi, người làm bạn... Nói cho trẻ hiểu về em bé, em còn nhỏ nên cần được chăm sóc nhiều để mau lớn, để em ngoan như con. Thường xuyên thể hiện tình yêu với trẻ để trẻ cảm nhận thấy vẫn được bố mẹ chăm sóc, chiều chuộng, không có cảm giác bị bỏ rơi... Hãy kéo trẻ vào công việc chăm sóc em bằng những việc nhỏ nhặt như nhờ đẩy xe, lấy quần áo cho em, tạo tâm lý thoải mái, khiến trẻ gắn kết và yêu thương em bé hơn.
Khi trẻ có những hành động xấu như cấu, đánh trộm em, hãy ngăn chặn từng chút một. Không nên đánh đòn vì làm vậy trẻ có thể tiếp tục "trả thù" em khi không có ai. Cách tốt nhất là nên nói cho chúng hiểu làm như vậy là không đúng, em bé còn quá nhỏ, con lớn hơn phải yêu thương và bảo vệ em. Hãy cho bé thời gian để suy nghĩ về hành động của mình. Và đặc biệt, đừng bao giờ nên so sánh hai đứa trẻ với nhau, thay vào đó nên thể hiện sự công bằng và khen ngợi mỗi khi chúng làm đúng.
Lê Anh