Trẻ bị tước đoạt tuổi thơ
Theo một nghiên cứu ở Anh, hơn 70% số người lớn hiện nay đều có một tuổi thơ lý thú, được vui chơi thoải mái ở ngoài trời, thỏa sức khám phá những trò chơi hấp dẫn. Trong khi đó, chỉ 29% trẻ em thời hiện đại có được may mắn đó. Phần lớn trẻ bị nhốt trong nhà hoặc chỉ được chơi loanh quanh ngoài gõ.
Không những vậy, các phụ huynh cũng ra sức ngăn cấm bọn trẻ được chơi những trò chơi mà họ cho rằng sẽ có nguy cơ gây thương tích cho cục cưng của mình, kể cả các trò trốn tìm, đuổi bắt, thậm chí chỉ đơn giản là chạy nhảy đùa nghịch cũng không được vì sợ trẻ… ngã!
Nguyên nhân là vì các bậc cha mẹ dường như không bao giờ yên tâm về con cái. Họ luôn lo ngại rằng nếu thoát khỏi vòng tay bao bọc của mình, những đứa trẻ bé bỏng sẽ bị sơ sẩy, ngã đau, xây xát, hoặc bị bắt cóc, bị lạc… Vì vậy cách tốt nhất để họ bảo vệ con đó chính là nhốt chúng trong nhà và chăm lo từng li từng tí.
Không chỉ gia đình mà nhà trường cũng lo ngại đến sự an toàn và sức khỏe của trẻ một cách thái quá. Vì sợ phụ huynh kiện nếu con em họ gặp thương tích gì trong quá trình vui chơi tại trường, nhiều thầy cô giáo chỉ muốn các bé ngồi ngoan một chỗ hoặc chơi những trò nhẹ nhàng như bày đồ hàng, xếp hình… Chỉ cần trẻ, chạy nhảy, đuổi nhau, hoặc trót leo lên bàn ghế là sẽ bị nhắc nhở ngay lập tức.
Trẻ trở nên rụt rè khi không được giao tiếp xã hội nhiều. (Ảnh minh họa).
Không được thoải mái vui chơi, trẻ sẽ chỉ loanh quanh trong bốn bức tường hay ngồi lì một chỗ, dán mặt vào ti vi, máy tính. Hậu quả nhãn tiền của việc này chính là bệnh béo phì, cận thị đang ngày phổ biến đối với trẻ nhỏ.
Theo quan sát của những chuyên gia tâm lý, vì không được chơi cùng bạn bè, thế hệ những đứa trẻ được nâng niu, chiều chuộng thường trở nên đơn độc, lẻ loi, buồn phiền, rất dễ bị trầm cảm, tự kỷ. Điều đó khiến cảm xúc và tính xã hội của trẻ bị cằn cỗi, ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý. Dần dần trẻ sẽ mất khả năng giao tiếp xã hội, không hòa đồng với người khác và thu lại trong vỏ ốc của mình.
Bên cạnh đó, những đứa trẻ không được tiếp xúc nhiều với thế giới xung quanh sẽ còn gặp rủi ro lớn hơn khi ra ngoài xã hội, đó là rất dễ gây gổ, không có khả năng tự chủ, kiềm chế được bản thân, luôn đi ngược lại xã hội, phản xã hội, nguy cơ phạm tội cao…
Như vậy, việc bao bọc trẻ trong bốn bức tường thực chất là đang gây hại cho sự phát triển của trẻ, khiến trẻ không có cơ hội học hỏi, khám phá cuộc sống và rèn luyện bản thân. Trẻ càng được bao bọc khi nhỏ, thì lớn lên, chúng càng gặp những khó khăn và thất bại khi phải đối mặt với những rắc rối, thử thách của cuộc sống.
An toàn là một điều cần thiết, nhưng không phải càng an toàn càng tốt. Bởi vậy, cha mẹ không nên yêu cầu con chơi đùa một cách… quá an toàn. Hãy khuyến khích trẻ tham gia những trò chơi mang tính mạo hiểm một chút, để chúng có cơ hội được cọ xát, thử sức mình, nâng cao sức bền và tính kiên cường.
Bạn đừng nên chỉ nhìn vào những vết thâm tím hay xây xát mà cần thấy được trẻ học được gì qua những lần như thế. Dũng cảm để trẻ đối mặt với rủi ro, cha mẹ sẽ giúp con có khả năng tự đứng dậy và trưởng thành hơn rất nhiều.
Bao bọc hay lười nhác?
Việc “nhốt” con ở trong nhà không chỉ là hệ quả của việc bao bọc con quá mức mà nguyên nhân đôi khi còn vì tâm lý e ngại, lười nhác của cha mẹ. Không thể phủ nhận rằng phụ huynh thời hiện đại quá bận rộn với công việc của mình. Chưa kể, tại các thành phố lớn, tìm một khu vui chơi ngoài trời cho con là điều không hề dễ dàng.
Bởi vậy, sau một ngày làm việc mệt mỏi, nhiều người chỉ muốn về nhà nghỉ ngơi, ngại đưa con ra ngoài. Vào dịp cuối tuần thì cha mẹ cũng thường lựa chọn những khu trung tâm mua sắm, giải trí hiện đại trong nhà, hơn là đưa con ra công viên… nghịch đất.
Hãy để các bé có một tuổi thơ thật đẹp . (Ảnh minh họa).
Chị Lê Thu Hằng (Q.3. TP. HCM) có hai đứa con, cậu lớn 6 tuổi, cậu bé 3 tuổi. Chị chia sẻ: “Chúng tôi thường bận rộn suốt, chồng tôi lại hay phải đi công tác xa nên cũng không thường xuyên cho con ra ngoài chơi được, đặc biệt là bé thứ hai.
Đây là một thiệt thòi lớn của cháu. Nhưng từ khi nhận thấy cậu con nhỏ của mình có vẻ nhút nhát hơn hẳn so với thằng anh, cứ khi có thời gian rảnh là chúng tôi lại cho các cháu ra ngoài chơi. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ lựa chọn các khu vui chơi trong nhà là chủ yếu, vì lo ngại bãi chơi ở các công viên không được sạch”.
Trong khi đó, anh Hoàng Văn Nam (Kim Liên – Hà Nội) lại rất chịu khó đi nghịch cát cùng con.
Anh kể: “Nhà gần công viên thống nhất nên chiều chiều, trong lúc mẹ chuẩn bị cơm thì bố con tôi thường ra công viên nghịch cát. Nhiều hôm đi làm về mệt, cũng lười đi lắm, nhưng thấy con háo hức mình lại không nỡ từ chối. Tôi muốn để con mình phát triển khả năng tự lập.
Nếu cứ để cháu chơi ở nhà với ông bà, cha mẹ thôi thì nó sẽ có cảm giác mình luôn là người quan trọng nhất nên sẽ sinh ra tính ỷ lại. Vì vậy tôi đưa cháu ra đây chơi, không chỉ để cho cháu được tiếp xúc với môi trường thiên nhiên mà còn để cháu giao tiếp với bạn bè”.
Được biết, dù con anh là con gái, nhưng anh vẫn khuyến khích bé tham gia các trò chơi vận động. Có lần nghịch cát xong, anh bảo con chơi đu quay. Nhưng con nũng nịu nói là sợ trượt ngã, không chịu. Tuy nhiên, sau khi được bố động viên, dỗ dành, cháu đã chơi rất tự tin.
Anh còn tiết lộ anh có một người chị họ, vì chăm con quá mức, bây giờ cậu bé đã học lớp 1 mà vẫn chẳng tự làm được gì. Ngay cả việc ăn cơm, bố mẹ cũng phải thuê cô giáo và một bạn trong lớp đút cho ăn.
Và ông bố trẻ nhận xét: “Hiện nay nhiều người lớn cứ nghĩ rằng bên ngoài cuộc sống có nhiều cạm bẫy, mà đặc biệt là môi trường thành phố lại càng phức tạp. Thế nên họ ngại cho trẻ giao tiếp, va chạm mà cứ bao bọc trẻ trong môi trường gia đình. Chính điều đó sẽ khiến trẻ dễ bị cuộc sống đào thải”.