Nước mắt Cá Sấu
Một buổi trưa mùa hè nóng nực. Đang lúc hạn hán kéo dài, có một bác nông dân kéo một chiếc xe chở đồ đi qua ven rừng. Lúc đó, Cá Sấu đang nằm thoi thóp bên đường, tưởng như sắp chết khô đến nơi mất!
Trông thấy bác nông dân đi tới, Cá Sấu liền giả bộ khóc lóc van xin:
– Ối ông ơi, xin ông rủ lòng thương cứu con với! Cánh đầm ven rừng này khô cạn từ lâu rồi. Ông hãy làm phúc chở giùm con đến cánh đầm sâu ở bên kia núi.
Bác nông dân đáp:
– Làm sao ta mang chú đi được! Chú kềnh cành thế kia cơ mà! Ta chịu thôi!
Cá Sấu lại giả tảng, lã chã giọt ngắn giọt dài:
– Ối ông ơi, ông hữu cứu con làm phúc! Ông cứ đặt con lên xe, rồi chở con đi thôi mà!
Bác nông dân lắc đầu:
– Ta không bê nổi chú lên xe, chú nặng lắm! Vả lại xe ta đã chất đầy các thứ rồi!
Cá Sấu khẩn khoản:
– Hay ông cột chặt con vào gầm xe mà kéo đi vậy? Khi nào đến cánh đầm kia chân núi, ông cởi chão ra cho con!
Bác nông dân động lòng thương con vật khốn khổ, bèn lấy một cuộn chão to tướng cột chặt Cá Sấu vào gầm xe, rồi kéo chiếc xe lặc lè nặng gấp đôi lúc trước và đi tiếp.
Khi đến khu đầm sâu, mồ hôi nhễ nhại, bác ta cởi dây buộc Cá Sấu ra. Gã Cá Sấu liền há mõm nhe rặng chặn ngay bác nông dân lại và trở mặt:
– Này ông, ông hãy để lại xác ở đây cho ta ăn thịt, ta căm giận ông lắm!
Bác nông dân sửng sốt:
– Sao chú lại căm giân ta và muốn trả ơn ta bằng cách đó?
Cá Sấu lên giọng:
– Ông đã trói ta chặt quá làm cho suốt quãng đường dài ta nhức nhối khắp cả mình mẩy. Ta phải ăn thịt ông bạn cho bõ giận. Vả lại đã mấy ngày liền ta nằm khô, chẳng kiếm được con mồi nào cả…
Vừa lúc đó, Thỏ Rừng ở đâu chọt đi tới, thoáng nghe cậu chuyện, liền hỏi Cá Sấu:
– Sao, ông bạn chuyến này lại muốn ăn thịt cả người nữa cơ à?
Cá Sấu vênh váo trả lời:
– Ừ, tớ nhờ cái nhà bác này chở tớ từ cánh đầm khô cạn bên kia chân núi sang cánh đầm bên này để kiếm ăn. Bác ta đã không thương thì chớ, lại trói chặt tớ vào gầm xe đến gãy hết cả xương và suýt nữa thì tắc thở. Tớ phải trả thù!
Thỏ Rừng lại hỏi:
– Bác ta đã trói ông bạn như thế nào? Lại đây tớ xem thử! Là người giữa, tớ sẽ phân rõ phải trái cho cả hai bên!
Thỏ Rừng nói luôn với bác nông dân:
– Bác câm lấy cuộn chão và thử trói lại anh bạn này vào gầm xe như ban nãy cho tôi xem có đúng như anh ta kể tội bác không?
Ảnh minh họa.
Bác nông dân lại trói chặt Cá Sấu vào gầm xe. Thỏ Rừng giả vờ giật thử sợi dây, rồi hỏi Cá Sấu:
– Có phải ban nãy bác ta đã trói ông bạn như thế này không? Ồ, thế này thì đã chặt gì lắm đâu!
Cá Sấu hấp tấp phân bua:
– Không, không! Nếu chỉ trói như thế này thôi thì tớ nổi giận làm sao được cơ chứ!
Thỏ Rừng liền giúp bác nông dân siết chặt sợi dây chão hơn nữa, rồi lại hỏi Cá Sấu:
– Thế này đã đúng chưa?
Cá Sấu nhăn mặt xuýt xoa, gật đầu lia lịa:
– Đúng! Đúng như thế đấy! Tớ không tài nào cựa nổi mình nữa! Có thế tớ mới nổi giận và phải trả thù chứ!
Thỏ Rừng quay lại nói với bác nông dân:
– Bây giờ hắn đã bị trói không cựa nổi mình nữa thì bác còn đợi gì nào? Liệu cái giống bất nhân bất nghĩa này có tha cái mạng cho bác không, nếu bác lại thương hại hắn như ban nãy?
Như sực tỉnh, lập tức bác nông dân vác luôn một tảng đá to tướng nhặt ở ven đầm, vừa đập Cá Sấu vừa hét:
– Nước mắt cá sấu này!… Nước mắt cá sấu này!…
Thế là con Cá Sấu vô ơn, lật lọng đã bị trừng trị đích đáng.
Lọ nước thần
Ngày xưa, có một chàng trai trẻ tuổi chưa có vợ, sống bằng nghề làm ruộng. Vào một ngày nọ, anh xách búa lên rừng đốn củi. Trong khi đang lúi húi chặt cây, anh trông thấy một con quạ tha một con chim sẻ tới đậu trên một phiến đá ở gần chỗ mình đang làm việc.
Nhìn thấy thế, anh bỗng động lòng thương con chim bé bỏng sắp sửa lọt vào miệng loài ác điểu. Anh bèn nhặt hòn đá ném con quạ. Quạ giật mình bỏ mồi vỗ cánh bay lên. Tức mình vì hỏng ăn, quạ chửi rủa om sòm. Anh nhặt đá ném thêm và mắng:
– Đồ chim dữ, hãy cút ngay!
Quạ hậm hực bay đi, miệng còn đe dọa sẽ báo thù.
Anh chàng chạy lại nhặt con chim sẻ đang thoi thóp, cố tìm cách ủ cho nó sống lại. Quả nhiên, chỉ chừng một lát sau, con chim sẻ đã hồi tỉnh và bay được. Nó cảm ơn anh và bảo anh ngồi chờ đấy, để nó đưa biếu một vật. Một lát sau, con chim đã bay trở lại, miệng ngậm một cái lọ bé xíu, đặt xuống bên cạnh và nói:
– Đây là lọ nước thần, có phép làm cho người già thì trẻ lại, vật nhỏ thì lớn thêm, trần gian không ai có.
Nói rồi nó vỗ cánh bay đi. Anh ngồi lại tần ngần mở nút ra xem, thì thấy đầy một lọ nước, mùi thơm ngạt ngào. Anh nghĩ bụng:
– Những thứ này chỉ để cho các bà quan làm đỏm, có đâu để hạng chúng ta dùng.Rồi anh nút lọ lại cẩn thận, khi gánh củi về, treo lọ lên kèo nhà. Và rồi thời gian trôi qua, vì bận công việc làm ăn, anh cũng quên đi, không nghĩ tới cái lọ ấy nữa.
Ít năm sau đó, chật vật mãi anh chàng mới cưới được vợ. Vợ anh cũng con nhà nông, quanh năm chân lấm tay bùn, nên đen đủi, xấu xí. Nhưng được cái, hai vợ chồng thương yêu nhau rất mực.
Một hôm, chồng đi cày vắng, vợ ở nhà quét dọn khắp nơi. Thấy một cái lọ con treo trên kèo nhà, chị bèn bắc ghế lấy xuống, rồi mở nút ra xem. Khi ngửi thấy mùi thơm, chị ta thầm nghĩ đây là dầu thơm gội đầu. Lát sau, chị nấu nước tắm gội, rồi tiện tay đổ lọ nước ra, bôi khắp tóc tai mình mẩy.
Không ngờ sau khi bôi xong, chị ta tự nhiên trở nên xinh đẹp, trắng trẻo, nhan sắc mỹ miều ít ai sánh kịp. Nước thần trôi xuống mấy luống hành bên cạnh giếng, khiến cho những cây hành cũng tự nhiên lớn phổng lên một cách lạ thường: củ to như bình vôi, dọc dài bằng đòn gánh.
Ảnh minh họa.
Khi người chồng đi cày về, nhìn mặt vợ thì ngẩn cả người, cứ tưởng là tiên sa xuống cõi trần. Nếu không có tiếng nói thì cơ hồ anh không nhận ra là vợ mình nữa.
Nghe vợ nhắc đến lọ nước thơm, anh mới sực nhớ tới chuyện báo đền của con chim sẻ ba năm về trước. Nỗi mừng biết lấy chi cân, anh ngắm vợ mãi không chán mắt, rồi kể lại câu chuyện lọ nước thần mà con chim đã tặng cho vợ nghe.
Từ đấy, anh cứ quấn quýt lấy vợ không rời. Công việc đồng áng vì thế cũng mười phần bê trễ. Nhưng cứ ở nhà mãi thì đói mất nên anh đành phải đi làm. Để khỏi nhớ, anh thuê thợ vẽ hình vợ. Mỗi khi ra đồng làm việc, anh lại treo bức tranh ở bờ ruộng để nhìn cho thỏa.
Một hôm anh đang cày ruộng, bức tranh được treo lên một cái cọc cắm ở trên bờ. Vừa cày được mươi luống, tự nhiên con quạ năm xưa ở đâu sà xuống, quắp lấy bức tranh mang đi. Anh chàng ở bên kia bờ thấy vậy bèn hò hét đuổi theo nhưng không kịp nữa.
Quạ đã cất cánh bay cao và bay đi rất xa, chỉ một loáng đã mất hút. Báo thù việc anh ném đá giành mồi của nó ngày xưa, quạ mang bức tranh vào đến tận kinh đô, thả xuống ở sân rồng.
Bọn lính thị vệ thấy sự lạ lùng, bèn nhặt lên đem trình vua. Cầm lấy bức tranh vẽ, vua ngắm nghía mãi không chán mắt, bụng bảo dạ:
– Trong ba cung sáu viện của ta đã có nhiều người đẹp, nhưng chưa có người nào đẹp bằng người đàn bà trong bức tranh này. Hẳn là trời sai con quạ đến mách cho ta đây!
Lập tức vua ra lệnh cho một quan đại thần và một trăm thị vệ phải tìm cho được người đàn bà như đã vẽ trong tranh mang về. Quan đại thần cho người về các địa phương sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm.
Để việc tìm tòi có hiệu quả, chúng bày ra trò mở hội ở các vùng chúng đến để cho mọi người đổ về xem. Mỗi lần thấy dân tập hợp đông đúc, chúng đưa bức tranh ra giả vờ nói là tình cờ bắt được, người nào mất thì đến mà nhận.
Một hôm, chúng tới vùng quê hai vợ chồng anh chàng có lọ nước thần, và cũng bày trò mở hội ba ngày ba đêm. Quả nhiên anh chàng sa vào mưu gian. Khi nhìn thấy bức tranh, anh không đắn đo gì cả, lật đật bước tới để nhận.
Nhưng anh không ngờ bọn lính chộp lấy anh như chộp con mồi. Chúng theo anh về nhà và tìm thấy ngay người đàn bà trong tranh. Mừng quá, chúng vội đưa kiệu rước nàng về kinh đô, mặc kệ cho người chồng vật mình than khóc.
Sau khi bị bắt vào cung, người đàn bà không cười, không nói, áo đẹp không mặc, đầu không chải và không cho một ai đến gần. Đem được người đẹp về cung, nhà vua hết sức mừng rỡ, nhưng cũng hết sức buồn phiền, vì mọi thứ dỗ dành, dọa nạt đều không thể làm cho người ngọc nở một nụ cười hoặc nói lên một tiếng.
Vua bèn hạ lệnh, cho rao trong dân chúng, hễ ai có cách gì làm cho nàng cười nói lên được, thì sẽ ban thưởng cho quan cao lộc hậu.
Nghe tin này, có nhiều người, từ những vai hề nổi tiếng, những ông trạng cười cho đến các bậc lương y, các pháp sư, phù thủy, v.v… đua nhau đổ về kinh, hy vọng dùng tài phép của mình làm cho người đàn bà xinh đẹp ấy phải buột miệng nói cười để mong ân thưởng. Nhưng cho dù họ có cố gắng bao nhiêu cách đi nữa, thì kết quả vẫn không hề thay đổi.
Ai mua hành tôiLại nói chuyện anh chồng, từ khi vợ bị quan quân bắt đi thì không còn thiết làm ăn gì nữa. Khi nghe tin loan báo ai làm cho người đẹp trong cung nói cười được thì vua sẽ ban thưởng. Anh biết là vợ mình đang ở cung vua, bèn quyết vào kinh tìm vợ.
Trước khi đi, anh nhổ mấy củ hành ở cạnh giếng buộc làm một gánh, quẩy theo. Đến kinh đô, anh quảy gánh của mình đi lại trước cửa hoàng cung, rao to lên những câu:
Dọc bằng đòn gánh,
Củ bằng bình vôi,
Ai mua hành tôi,
Thì thương tôi với!
Tiếng rao của anh vọng vào cung mỗi lúc mỗi lớn. Nét mặt của vợ anh tự nhiên cũng mỗi lúc mỗi tươi. Cuối cùng, nàng quay lại bảo thị nữ:
– Hãy gọi người bán hành vào cho ta!
Khi nhìn thấy mặt chồng, vợ anh cười lên một tiếng. Thấy người đàn bà lần đầu tiên cười nói, vua sung sướng như mở cờ trong bụng. Lại thấy những cây hành to lớn lạ thường thì lấy làm kinh ngạc quá đỗi. Vua ngỡ là nhờ những cây hành kỳ lạ này mà người đẹp nói cười. Vua liền nảy ra ý nghĩ, muốn tự mình cải trang gánh hành để làm vui lòng người đẹp. Vua bảo anh chồng:
– Hãy đặt gánh hành lại đó và cởi áo ra mau!
Vui cởi áo long bào ra và mặc áo của anh vào. Vua còn bắt anh bày cho mình học thuộc câu rao, rồi quẩy gánh hành qua lại trước mặt người đàn bà, cất tiếng rao mới học được:
Dọc bằng đòn gánh,
Củ bằng bình vôi,
Ai mua hành tôi,
Thì thương tôi với!
Thấy vậy, vợ anh hàng hành cười ngặt nghẽo. Vua thích thú lại càng làm nhiều hơn. Nhưng đột nhiên, người đàn bà bảo thị nữ thả đàn chó ra. Chó thấy vua ngỡ là người lạ, liền nhảy xổ tới cắn chết.
Người đàn bà vội giục chồng:
– Mình hãy mau mau mặc long bào lại, rồi trèo lên ngai vàng đi!
Anh chồng mặc xong long bào và lật đật trèo lên ngai vàng, đúng lúc ấy trăm quan và cung nữ vào triều rập đầu bái mạng. Kể từ đó, anh trở thành vua và ở bên người vợ xinh đẹp của mình đến trọn đời.
Sự tích con Muỗi
Có hai vợ chồng nhà nọ yêu nhau rất mực. Ngày mới lấy nhau, họ đã từng ăn thề hẹn không bỏ nhau. Nếu không may một trong hai người chết đi thì người kia sẽ chết theo để xuống âm ty cho có bạn.
Sau đó không bao lâu, người vợ trẻ tự nhiên bị chết mang đi một cách đột ngột. Không ai có thẻ tả được hết tình cảnh đau thương của người chồng. Anh chàng đã mấy lần toan tự tử, nhưng bị người nhà ngăn trở và canh phòng ráo riết.
Hôm sắp sửa cất đám, bỗng có một đạo sĩ đến bày cho chàng phép lạ có thể cải tử hoàn sinh mà theo lời ông ta, đã từng có nhiều người dùng phép đó cứu được người chết sống lại. Phép của ông ta rất giảm dị, chỉ cần người sống gan dạ và kiên trì một chút là được. Nghĩa là người sống mỗi ngày ba lần ôm ấp và truyền hơi ấm của mình vào cho tử thi. Làm luôn như thế không nghỉ ngày nào thì chỉ trong khoảng ba tháng mười ngày là người chết sẽ sống lại.
Người chồng cảm ơn đạo sĩ và làm đúng như lời dặn, hy vọng đưa người yêu trở lại cõi thế. Ngày ngày chàng ôm ấp vợ, truyền sức nóng, hơi thở của mình vào cái xác đã lạnh toát.
Nhưng sau đó ba ngày, mùi thối của tử thi bay ra khắp xóm làm cho mọi người không chịu được. Họ kéo nhau đến nhà bắt chàng phải chôn lập tức.
Bất đắc dĩ, người chông nhờ xóm giềng chặt nứa làm giúp một cái bè để mình đưa xác vợ đi một nơi khác. Nhiều người vui lòng giúp anh chàng trong việc này. Chỉ trong nửa ngày, chàng trai đã chở xác người vợ đi biệt.
Chiếc bè theo dòng nước trôi mãi. Người chồng vẫn ngày ngày ấp ủ vợ không thôi. Cái tử thi đó trông vẫn như người nằm ngủ. Lòng anh chàng tràn trề hy vọng. Đến một nơi kia, hắn cắm bè lại kề một bãi cỏ rộng, lên bộ nấu ăn.
Tình cờ trong khi đi nhặt củi chàng ta gặp một cụ già. Nhìn thấy ông cụ chống gậy đi một mình giữa cảnh trời nước hoang vu, lại râu tóc trắng xóa, hình dung không có gì là lam lũ, chàng trẻ tuổi lấy làm ngạc nhiên.
Chàng còn đang suy nghĩ thì thoáng một cái ông cụ đã đứng trước mặt. Hiểu ngay đó là bậc Tiên Phật, chàng trai vội phục xuống chân cụ già rồi kể lể sự tình, cuối cùng không quên cầu khẩn ông cụ sinh phúc giúp cho vợ mình sống lại.
Cụ già đó chính là đức Phật, thấy anh chàng nài nỉ hết sức, bèn thương tình, đi theo xuống bè, bảo chàng trai chích máu ngón tay, nhỏ ba giọt vào miệng vợ. Tự nhiên người đàn bà mấp máy môi rồi từ từ ngồi dậy như vừa tỉnh một giấc mơ.
Trước khi ra về đức Phật có hỏi người vợ:
– Anh chàng này cho vay ba giọt máu để ngươi được hồi sinh. Vậy nhà người có yêu anh ta chăng?
Trước câu thề thốt chắc nịch của người đàn bà, đức Phật bảo:
– Không can gì. Nếu không yêu nữa thì chỉ việc trả lại ba giọt máu cho anh ta thôi!
Ảnh minh họa.
Thấy bọn họ nóng lòng muốn trở về quê hương, đức Phật gọi một con cá sấu khổng lồ từ vực sâu lên, bảo cá sấu chở họ đi.
Cá sấu vượt sông được nửa ngày đường thì bụng đã đói. Nó bảo hai vợ chồng lên bộ nghỉ ngơi để cho nó đi tìm cái ăn. Hai vợ chồng dắt nhau vào quán cơm. Trong quán hôm đó có một người khách thương sang trọng. Hắn ta thấy nhan sắc người vợ diễm lệ, ít ai sánh kịp thì bỗng nảy tà dâm, mưu toan chiếm đoạt.
Hắn lân la lại gần, đưa các mẫu hàng tơ lụa và đồ trang sức ra vờ chào khách, kỳ thực là để tán tỉnh người đàn bà đẹp. Hắn nói trong thuyền hắn đậu ở gần đấy còn có nhiều món hàng nữa rất quý và rẻ, muốn mời họ xuống xem.
Nhưng người chồng thì chẳng thiết một tí nào. Cơm nước xong, bỏ mặc người khách thương, dắt vợ ra bến vắng, ở chỗ hẹn với cá sấu, ngồi đợi. Họ ngồi dưới bóng cây trò chuyện một chốc rồi vì mệt quá, ngủ quên lúc nào không biết. Họ cũng chẳng ngờ sau lưng họ, người khách thương kia vẫn theo hút không rời.
Khi thấy hai người nằm ngủ, hắn đi nhẹ đến thức riêng người vợ dậy, mời nàng xuống thuyền đậu kề đó để hắn biếu một món trang sức:
– Thuyền của tôi chỉ cách đây mươi bước. Bà không phải đợi lâu đâu!
Nghe nói thế, lòng người đàn bà bỗng thấy lay chuyển. Nàng đứng lên, đi theo người khách thương xuống thuyền. Chỉ trong nháy mắt, theo ám hiệu của chủ, bọn thủy thủ chiếc thuyền buôn nhổ neo và giong buồm cho thuyền chạy mất.
Lại nói chuyện cá sấu lúc ngoi lên chỗ hẹn thì thấy chỉ có một mình người chồng, bấy giờ vẫn đang ngủ say. Cá sấu thức chàng dậy hỏi chuyện. Anh ta ngơ ngác không hiểu thế nào.
Một mất mười ngờ, hắn đổ tội cho cá sấu đã ăn thịt mất vợ. Để giải mối ngờ, cá sấu mới bảo hắn kiếm cây luồn qua miệng mình, khua trong dạ dày xem thử cho biết. Anh chàng làm theo, chỉ thấy trong bụng cá sấu toàn là xương cá và đá cuội, mới biết mình ngờ sai.
Tìm khắp mọi nơi chẳng thấy vợ, hắn trở về bến, ôm đầu kêu khóc rất thảm thiết. Cá sấu thương tình bèn bảo hắn cưỡi lên lưng rồi phóng đi, đuổi theo những chiếc thuyền vừa qua lại để dò tìm tung tích.
Sau mấy lần dò hỏi, người ta cho biết một chiếc thuyền buôn vừa đi qua, trong đó có một người đàn bà trẻ và đẹp. Họ tả nét mặt và hình dạng thì đúng là vợ chàng. Cá sấu bèn cố công đuổi riết.
Khi nhìn thấy vợ ngồi trong thuyền khách thương, người chồng nói với vào:
– Nàng cứ nhảy ra đây… Tôi không thể sống xa nàng được… Tôi sẽ làm cho nàng sung sướng…
Nhưng người vợ trả lời chồng:
– Chàng về đi! Em đành phụ chàng. Chàng tha thứ cho em vậy.
Rồi đưa cho chồng một gói vàng:
– Chàng hãy nhận lấy vật này và coi như em đã chết từ hôm nào rồi.
Vừa bực tức vừa thất vọng, chồng ném gói vàng xuống nước rồi nhờ cá sấu đưa mình trở lại tìm đức Phật. Khi đức Phật gặp bọn họ, liền giục cá sấu hối hả rượt theo chiếc thuyền khách thương để cho anh chàng thất tình đòi lại ba giọt máu của mình.
Lại nói chuyện người đàn bà sau khi chích máu ở tay để lấy ra ba giọt trả nợ cho chồng thì ngã vật xuống chết ngay. Người khách thương hết sức chữa chạy nhưng vô hiệu.
Rồi sau đó hắn ném xác nàng xuống biển. Nhưng do phép màu của đức Phật, người đàn bà ấy hóa thành con Muỗi. Vì thiếu máu, nên lúc nào muỗi cũng lén lút đi chích trộm của mỗi người một tý để sống.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Những câu chuyện cổ tích ca ngợi đức tính đẹp của con người, cũng như bài học cảnh giác trước cái xấu.