Cậu bé Yamato mất tích vào ngày 28/5 vừa qua, sau khi bị cha mẹ phạt bỏ lại một mình trong rừng. Hi vọng tìm được Yamato đã trở nên mong manh hơn rất nhiều sau 6 ngày rà soát mà không có bất cứ dấu hiệu nào trong khi Yamato chỉ mặc quần áo mỏng và không có thức ăn lúc bị mất tích. Mọi nỗ lực tìm kiếm cậu bé tưởng chừng như tuyệt vọng và không đi đến hồi kết, thì phép màu đã xảy ra ngày hôm nay, bé Yamato Tanooka đã được tìm thấy và vẫn còn sống sót.
Yamato được một quân nhân tìm thấy tại tòa nhà trong khu huấn luyện quân sự ở thị trấn Shikabe, Hokkaido.
Tòa nhà này là một túp lều bằng gỗ một tầng, không có hệ thống sưởi ấm. Nó có hai cửa nhưng một cửa được mở khóa và cậu bé Yamato đã may mắn vào được trong ngôi nhà gỗ và sống tại độ một mình suốt 6 ngày.
Tòa nhà nơi cậu bé đã sống trong suốt 6 ngày bị mất tích.
Địa điểm này cách nơi Yamato bị bỏ lại 5 km đường chim bay và 7km nếu tính theo con đường mòn trong rừng. Khu rừng nơi Yamato bị bỏ lại đã có mưa to với nhiệt độ vào ban đêm là 7 độ C trong vài ngày gần đây. Theo đài NHK, tình trạng sức khỏe của cậu bé tương đối tốt và trước mắt không có tổn thương nào nghiêm trọng.
Trả lời cảnh sát, Yamato nói rằng em đã ở trong khu vực tập luyện của quân đội vài ngày sau khi đi một mình trong rừng. Tuy nhiên, một nguồn tin khác cho hay Yamato đã đi đến một trại trong khu vực quân đội và ở đó ngay cái ngày em mất tích. Dù không có thức ăn nhưng cậu vẫn sống sót nhờ tiếp cận được với nguồn nước.
Các bác sĩ kiểm tra sức khỏe của cậu bé cho biết tình trạng sức khỏe của Yamato vẫn ổn mặc dù không có thức ăn trong suốt 6 ngày. Cậu bé bị mất nước nhẹ, suy dinh dưỡng và bị trầy xước nhẹ trên cánh tay, chân của mình. Cậu bé đã được trực thăng y tế đưa đến bệnh viện Hakodate để theo dõi sức khỏe và đoàn tụ với bố mẹ của mình.
Qua câu chuyện này, cha mẹ cậu bé Yamato và những bậc phụ huynh khác đã có bài học cho riêng mình. Đặc biệt câu chuyện cũng khiến cho các bậc phụ huynh cần rút ra bài học sâu sắc về cách dạy con kỹ năng sống để khi rơi vào hoàn cảnh bị bỏ lại trong rừng sâu như bé Yamato, con bạn có thể tự tìm cách cứu mình.
5 kỹ năng sống cha mẹ Nhật dạy trẻ mà mọi người cần học tập
(Ảnh minh họa)
Ở Nhật không có SGK dạy riêng về kỹ năng sống, nhưng học sinh Nhật có một môn học Đạo đức ở trường cũng dạy những nội dung gần như bao hàm trong đó. Điều quan trọng hơn cả người Nhật quan niệm dạy kỹ năng sống cho trẻ không phải bắt đầu từ khi trẻ đi học, mà nó cần được dạy ngay từ khi trẻ mới sinh ra, và cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên và quan trọng nhất để dạy trẻ những kỹ năng ấy.
Giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi là giai đoạn đặt nền móng, nên người Nhật vô cùng coi trọng giai đoạn này. Kỹ năng đầu tiên mà người Nhật dạy con trẻ chính là:
1. Trải nghiệm cùng thiên nhiên để thích ứng với môi trường và học hỏi từ thế giới tự nhiên
- Có lẽ nhiều người Việt Nam sẽ thắc mắc khi biết rằng ở Nhật trẻ mới 2 tháng tuổi đã được bế đi dạo để cảm nhận khí trời buổi sớm, hay trẻ tầm 3-4 tháng trở đi mà cha mẹ cứ để bé đầu trần, được mẹ địu dưới cái nóng bức, dưới cái rét mùa đông, dưới cái mưa nhẹ mà chẳng cần mũ.
Họ không ngại con sẽ bị ốm nếu làm như thế, họ hiểu có trải qua môi trường như thế thì con trẻ mới được tôi luyện dần dần mà thích ứng. Và kết quả là họ nuôi dưỡng được những đứa trẻ khỏe mạnh, rắn rỏi, rất ít ốm và luôn thích hoạt động ngoài trời.
Khi trẻ lớn dần lên chút nữa là cho trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên, quan sát nhiên nhiên để học hỏi.
- Cho tập luyện các mộn thể thao ngoài trời dù nắng hay mưa hay tuyết để tôi rèn nghị lực cho bản thân, yêu thích thể thao và nâng cao sức khỏe.
- Gần đây rất nhiều các nhà giáo dục đã vận động trào lưu cho trẻ trải nghiệm với nông nghiệp thông qua việc tự trồng trọt và thu hoạch nông sản: trồng lúa - gặt lúa, trồng rau – thu hoạch rau mà không dùng phân hóa học. Thông qua trải nghiệm ấy trẻ học hỏi được rất nhiều kỹ năng sống cho mình
2. Để trẻ tự do thể hiện ý chí của mình thay vì áp đặt
Dạy trẻ tự lập theo độ tuổi rất được cha mẹ Nhật chú trọng rèn cho con. Đầu tiên là thói quen ngủ sớm dậy sớm, thói quen ăn uống tốt. 1 tuổi rưỡi khi bé bắt đầu muốn tự xúc sẽ để bé tập xúc, khi ăn không xem tivi, không đi rong. Cho đến 3 tuổi sẽ tự biết làm những việc liên quan đến vệ sinh cá nhân, thay đồ, biết dọn dẹp đồ mình bày ra.
Trẻ tầm 3 tuổi, họ sẽ tích cực dạy trẻ giúp việc nhà phù hợp với khả năng. Bởi vì thông qua từng việc nhỏ ấy sẽ nuôi dưỡng cho trẻ sự tự tin, tinh thần tự chủ và yêu lao động, suy nghĩ tích cực, đồng thời trẻ sẽ học hỏi cho mình cách giải quyết vấn đề. Chính việc cho trẻ tự làm việc nhà, tôn trọng mong muốn của trẻ chính là cơ hội tuyệt vời rèn luyện kỹ năng sống tích cực cho trẻ.
3. Coi trọng việc giáo dục đạo đức trong gia đình, vun đắp kỹ năng giao tiếp với mọi người
Cha mẹ Nhật rất coi trọng việc quan sát và không can thiệp vào cuộc cãi nhau của con khi chơi với bạn bè, để con học hỏi kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn. Họ sẽ không nhìn vào kết quả hành động của con để đánh giá, phán đoán mà sẽ nhìn vào mặt sau để đặt câu hỏi vì lí do gì con làm như thế, dù con có làm sai cũng tiếp nhận con trước cho con thấy mình là bờ vai tin cậy của con trước khi đưa ra lời khuyên bảo con.
Bên cạnh đó, thói quen đọc ehon cho trẻ ngay từ khi 0 tuổi với những câu chuyện gần gũi, các bài học giàu tính nhân văn được lồng ghép khéo léo giúp bé hình thành nhân cách: đó tình yêu gia đình, trung thực, bao dung, biết quan tâm tới mọi người, lễ phép… Đạo đức của con trẻ chính là từ những việc làm của cha mẹ và mọi người xung quanh mà hình thành. Hoặc nó là những ấn tượng khó phai về một câu chuyện cảm động nào đó mà trẻ được đọc hay chứng kiến.
4. Kiên nhẫn để lắng nghe và trò chuyện cùng con khi con phản kháng
Đây là một kỹ năng quan trọng nhất mà người Nhật dùng nó để giao tiếp cùng con. Không chặn họng khi con đang nói, không gạt phăng đi phản đối hay quát mắng khi con vừa mới nói ra ý kiến của mình. Thay vào đó hãy học cách kiềm chế bằng cách im lặng trong 6 giây đầu tiên để kìm nén cơn giận, sau đó mở rộng cách nhìn nhận để thừa nhận mong muốn và chủ kiến của con trước khi đưa ra ý kiến phản đối hoặc lời khuyên của mình cho con.
Với cách giải quyết như thế đã giúp xua tan đi xung đột không đáng có giữa cha mẹ và con cái. Trẻ em Nhật học được từ gia đình mình cách ứng xử như này nên ra ngoài xã hội họ cũng đối xử với nhau nhẹ nhàng như vậy, tạo nên nét ứng xử tinh tế của riêng họ.
5. Chơi cùng con
Cha mẹ Nhật rất chịu khó chơi cùng con cái, nhất là những môn cần đến vận động như leo trèo, đẹp xe, chơi bóng. Chơi cùng con chính là một cơ hội tuyệt vời để họ dạy các kỹ năng mềm cho con.
Nếu như nhiều cha mẹ Việt coi vệc rèn luyện kỹ năng sống cho con là trách nhiệm của nhà trường, thì người Nhật coi nó là vai trò của cha mẹ rồi mới đến nhà trường.