Theo thạc sĩ - bác sĩ Đinh Thạc, nôn trớ là tình trạng sức khỏe rất thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trong giai đoạn còn bú. Khi nôn trớ, bé sẽ khó ăn uống và bú mẹ; có thể chậm tăng cân, gây suy giảm sức đề kháng, nguy hiểm hơn có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp nếu không may hít phải chất nôn ói vào phổi.
Hiểu rõ nguyên nhân gây nôn ói ở trẻ, cha mẹ sẽ biết cách cải thiện tình trạng này.
Ảnh minh họa: suckhoedoisong. |
1. Nôn ói liên quan đến vấn đề ăn uống
Nôn ói hay gặp ở trẻ nhỏ thường do nguyên nhân ép trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, bú bình, ngậm vú giả, pha sữa không đúng cách, không dung nạp sữa bò hoặc bắt đầu ăn bổ sung với thức ăn mới lạ... Nôn thường xuất hiện sớm, số lượng chất nôn ít, chủ yếu là thức ăn. Trong trường hợp này bé vẫn chơi bình thường, không ảnh hưởng nhiều đến tình trạng sức khỏe. Do vậy, chỉ cần điều chỉnh việc ăn uống sao cho hợp lý có thể giúp trẻ giảm bớt đáng kể tình trạng nôn ói.
Một số biện pháp khắc phục:
- Không ép ăn nhiều làm cho trẻ sợ hãi khi nhìn thấy thức ăn.
- Chia thức ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ số lượng cần thiết.
- Ở trẻ bú mẹ, sau khi bú xong nên bế từ 10 đến 15 phút rồi mới đặt nằm xuống.
- Pha sữa đúng công thức, tốt nhất nên cho trẻ ăn, uống bằng thìa hoặc muỗng.
- Khi cho trẻ bú bình với đầu vú cao su, cần nghiêng bình sữa sao cho sữa ngập cổ bình để tránh tình trạng bé nuốt không khí vào dạ dày quá nhiều gây đầy hơi, chướng bụng.
2. Nôn trớ do nguyên nhân bệnh lý
Triệu chứng thường gặp nhất là hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản. Nguyên nhân là do vòng van giữa thực quản và dạ dày không đủ mạnh để cản thức ăn trong dạ dày trào lên thực quản, đôi khi trào ra miệng. Tình trạng này gặp nhiều ở trẻ sơ sinh.
Dịch dạ dày là dịch axit, trong khi thực quản lại hơi kiềm nên dịch trào ngược lên sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thực quản, có thể làm viêm thực quản, bỏng rát thực quản, làm cho trẻ sợ hãi khi bú hoặc ăn. Dịch trào ngược lên miệng nhiều có thể khiến bé dễ bị hít sặc vào phổi gây viêm phổi hít.
Đôi khi, trẻ có thể bị tím tái do ọc sữa vì dịch dạ dày gây kích thích dây thần kinh dọc theo thực quản, làm ức chế hô hấp khiến bé ngưng thở. Do đó, trào ngược dạ dày thực quản rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Bệnh này sẽ khỏi khi được điều trị hoặc trẻ ăn thức ăn đặc hơn, các triệu chứng sẽ giảm dần rồi biến mất.
Biện pháp khắc phục:
- Sau khi cho trẻ bú xong, cần bế đứng lên và vỗ nhẹ phần lưng để bé có thể ợ hơi được. Mục đích của việc này làm giảm lượng hơi mà trẻ nuốt vào dạ dày, cũng là nguyên nhân gây nôn trớ.
- Khi trẻ nằm, cần kê cao đầu, đồng thởi luôn để thân mình phía trên cao hơn phía dưới để tránh hiện tượng trào ngược. Nếu trẻ bị ọc sữa nhiều, nên cho nằm nghiêng sang một bên để không bị hít chất nôn vào phổi. Tuyệt đối tránh bế xốc bé lên khi đang nôn trớ vì sẽ làm tăng nguy cơ trào dịch ói vào phổi.
- Cho trẻ bú chầm chậm, từng ít một và nhiều lần trong ngày nhằm tránh làm dạ dày căng quá mức. Có thể cho bé dùng thêm các loại sữa dễ đông đặc khi vào dạ dày, sẽ tránh được nguy cơ trào ngược.
- Sử dụng các thuốc chống trào ngược và bảo vệ thực quản thông dụng. Cần lưu ý, tuyệt đối tuân thủ theo sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Thi Trân