Smarphone đang trở thành thị trường mà ai cũng có thể tham gia. Ảnh: Techchunks. |
Xét về các dòng điện thoại đa chức năng, phải nói đến Nhật Bản với sự thống lĩnh thị trường với hàng loạt những tính năng mới nhất từ cả phần mềm điện thoại lẫn dịch vụ của nhà mạng cung cấp. Chẳng hạn các dòng 905i chạy 3G (FOMA) của NTT DoCoMo từ những năm 2007 đã được tích hợp gần như đầy đủ các công nghệ mới nhất từ chụp ảnh chống rung, Internet băng rộng đến truyền hình mobile. Ngay cả ngày nay, các điện thoại Nhật Bản vẫn nổi tiếng là những thiết bị tích hợp công nghệ luôn đi trước thời đại.
Tuy nhiên giờ đây ngành công nghiệp điện thoại đã phát triển vô cùng nhanh chóng, không chỉ Nhật Bản mà đã bắt đầu trải sang Mỹ, Trung Quốc và khắp mọi nơi trên toàn thế giới.
Một trong những chất xúc tác là sự ra mắt một thế hệ điện thoại thông minh (smartphone) mới ứng dụng những công nghệ băng thông rộng như 3G chẳng hạn. Tại Mỹ, sau sự ra mắt của iPhone 3G, rất nhiều người dùng đã chuyển sang sử dụng công nghệ mới này. Rồi đến smartphone chạy hệ điều hành mã mở Android của Google. Tại Trung quốc, nhà mạng China Mobile cũng nhanh chóng ra mắt điện thoại thông minh nền Android OPhone của riêng mình nhằm thúc đẩy công nghệ 3G tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Với sự tăng trưởng không ngừng, smartphone đang thay đổi cả xu hướng thiết kế điện thoại cũng như thay đổi cả môi trường kinh doanh điện thoại truyền thống. Ngày càng nhiều nhà sản xuất nhảy vào thị trường này với các thiết bị mới liên tục ra mắt. Thế giới đang chứng kiến một kỷ nguyên cạnh tranh di động khốc liệt mới.
Những xu hướng smartphone thế hệ mới
Có 4 xu hướng chính trên thị trường smartphone. Ảnh: Engadget. |
Về đại thể, có thể thấy 4 xu hướng phát triển chính trong thị trường smartphone hiện nay. Thứ nhất là xu hướng phát triển trên cơ sở nền tảng sẵn có của mình. Thứ hai là xu hướng phát triển theo hướng tập trung vào các nhà mạng. Thứ ba là xu hướng là phát triển hệ điều hành mở và thứ tư là cũng phát triển theo hướng điều hành mở nhưng được chỉnh sửa, cải tiến thêm bằng những dịch vụ mở rộng của bản thân nhà mạng cung cấp.
Ví dụ điển hình cho xu hướng phát triển thứ nhất phải kể tới Apple với phiên bản iPhone đình đám của hãng. Hãng này đã tạo nên một nền tảng thống nhất từ phần mềm, máy tính tới điện thoại, cho phép đồng bộ hóa điện thoại và cài đặt các ứng dụng thông qua web dễ dàng. Một ví dụ khác có thể kể tới là các phiên bản nền Symbian S60 của Nokia.
Xu hướng thứ hai chủ yếu được sử dụng tại các điện thoại thị trường nội địa Nhật Bản. Theo đó nền tảng phần mềm cho điện thoại được phát triển dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà mạng và nhà sản xuất, vì thế mà mỗi điện thoại sẽ được tối ưu hóa với các hệ thống menu chuyên cho nhà cung cấp dịch vụ đó. Hay như một số nhà mạng Mỹ như Vodafone thậm chí còn yêu cầu phát triển những mẫu điện thoại hỗ trợ riêng những dịch vụ trực tuyến đặc trưng của hãng này.
Xu hướng thứ ba rõ rệt nhất là Google với hệ điều hành Android hay Microsoft với Windows Mobile. Về nguyên tắc, các nền tảng phần mềm này hoạt động trên cơ sở thiết kế sẵn, đồng thời vẫn cho phép người dùng có thể tùy biến một số tính năng như màn hình menu, các ứng dụng và một số chương trình khác. Xu hướng này khá gần gũi với nền tảng phần mềm máy tính thông thường.
Xu hướng cuối cùng thực ra cũng gần giống xu hướng thứ 3 nhưng được cải tiến đi một chút với nền tảng cơ bản là một hệ điều hành mở, sau đó được chỉnh sửa và mở rộng bởi nhà mạng mà đại diện không ai khác chính là nhà mạng Trung Quốc China Mobile Communications với nền tảng OPhone.
Google với hệ điều hành mở
Android với hệ điều hành nguồn mở. Ảnh: Gizmodo. |
Nhớ lại trong buổi ra mắt phiên bản di động đầu tiên của hãng đầu năm nay, Google Nexus One, đại diện Google đã phát biểu tại cuộc họp báo rằng đây không phải là điện thoại thông minh (smartphone), mà đây là một "siêu điện thoại" (superphone).
Phiên bản này được phát triển trên nền tảng hệ điều hành Android 2.1 mới nhất của hãng. Toàn bộ phần kế hoạch sản phẩm, phát triển phần mềm và bán hàng sẽ do Google đảm nhiệm, còn công việc thiết kế và sản xuất sẽ do công ty HTC (High Tech Computer) đảm nhiệm.
Vấn đề của sự kiện này nằm ở chỗ Google vốn là một công ty phần mềm, giờ đây lại có thể ra mắt được một chiếc "siêu điện thoại" với các tính năng cao cấp dưới tên riêng của mình. Sự kiện này đã mở đầu một thời đại mới và sẽ làm thay đổi thị trường điện thoại di động. Đó là thời đại liên kết ngang hàng, theo đó các phiên bản điện thoại thông minh sớm muộn gì cũng sẽ được chuẩn hóa công nghiệp và được sản xuất hàng loạt theo nhu cầu của bất kỳ nhà đặt hàng nào.
iPhone
iPhone dẫn dắt thị trường. |
Không thể phủ nhận sự ra mắt iPhone đã làm bùng lên thị trường điện thoại kể từ phiên bản đầu tiên ra mắt hồi tháng 6/2007 cho đến phiên bản thế hệ 3 vào tháng 6/2009.
Apple đã cách mạng hóa theo cách riêng của mình. Hãng bán điện thoại dưới tên riêng, đồng thời phát triển việc bán nội dung và các ứng dụng trực tuyến khác cho điện thoại đó thông qua trang web của mình. Linh kiện phần cứng ở tất cả các nước là như nhau, việc tùy biến điện thoại theo nhu cầu của từng nhà mạng được thực hiện sao cho việc can thiệp phần mềm là ít nhất. Phương thức này rất giống với phương thức kinh doanh máy tính mà hãng đã thực hiện và đã rất thành công từ trước tới nay. Toàn bộ quy trình tạo thế mạnh đã được lên kế hoạch một cách chặt chẽ, từ phương thức bán hàng tới cách thức bán nội dung và phần mềm trực tuyến.
Khi iPhone lần đầu ra mắt, rất nhiều người dùng tại Nhật nghĩ rằng phiên bản khó mà có thể được ưa chuộng tại thị trường Nhật, nơi mà các thế hệ điện thoại thông minh đã được sử dụng từ lâu. Nhưng sự thật đã chứng minh ngược lại. Chủ tịch và giám đốc điều hành hãng Softbank, Masayoshi Son cho biết doanh số bán phiên bản iPhone 3G đã vượt quá cả ước tính của hãng. iPhone rõ ràng đã chứng tỏ rằng điện thoại thông minh vẫn luôn được chấp nhận rộng rãi nếu như biết đi đúng đường.
Xu hướng smartphone từ các nhà mạng
Điện thoại mang thương hiệu các nhà mạng. Ảnh: Slipperybrick. |
Doanh số điện thoại thông minh được dự đoán sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng. Tập đoàn Gartner dự báo năm 2013 khoảng 38% doanh số điện thoại bán ra sẽ là điện thoại thông minh với sản lượng mỗi năm sẽ vượt quá 500.000 đơn vị. Nhu cầu điện thoại thông minh ngày nay không chỉ giới hạn ở những quốc gia phát triển như Mỹ, Châu Âu hay Nhật mà đang nhanh chóng mở rộng ra các thị trường đang phát triển như Ấn Độ và Trung Quốc.
Chẳng hạn như Nhà mạng Tata Teleservices của Ấn Độ đã chính thức ra mắt các dịch vụ điện thoại 3G với tên Tata DoCoMo (tương tự như NTT DoCoMo) thông qua phiên bản Samsung Galaxy chạy Android. Còn nhà mạng China Mobile cũng không kém với việc tung ra tới 7 mẫu trong năm 2009 chạy hệ điều hành OPhone và sẽ tiếp tục tung ra thêm khoảng 20 phiên bản nữa trong năm nay. Bản thân Dell, một trong các nhà cung cấp máy OPhone cũng đang dự định sẽ bán những phiên bản này cho các nhà mạng khác tại các thị trường như Brazil và Bắc Mỹ.
Phần II: Môi trường cạnh tranh gay gắt
Nguyễn Hà