Samsung đã mua hơn hai phần ba số trái phiếu kỳ hạn 2 năm (gần 300 triệu USD) của Kookmin Bank - thuộc Tập đoàn tài chính KB Financial. Đây là ngân hàng thương mại lớn nhất nước này về giá trị tài sản. Hãng cũng đã mua gần 300 tỷ won (hơn 290 triệu USD) trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 năm cuối tháng trước. Các khoản đầu tư của nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới cho thấy hãng đang gặp rắc rối trong việc quản lý khối dự trữ khổng lồ ngày một phình lên.
Dù mua trái phiếu chẳng phải việc bất thường, theo giới phân tích, Samsung lại thường mua trái phiếu phát hành bởi các công ty tài chính được Chính phủ bảo đảm, như Korea Development Bank hay Korea Finance Corp. "Tôi cho rằng Samsung đang đa dạng hóa đầu tư. Gửi tiền vào ngân hàng thường không có lãi suất và kỳ hạn như ý, nên có vẻ họ đang chuyển hướng sang thị trường trái phiếu", Kong Dong-rak tại công ty chứng khoán Hanwha cho biết trên Reuters.
Samsung đang tìm cách giải quyết núi tiền mặt sẽ lên hơn 70 tỷ USD cuối năm nay. Ảnh: Bloomberg
Samsung không thường xuyên thực hiện mua bán - sáp nhập lớn, và cũng ngần ngại chia cổ tức khủng hay mua lại cổ phiếu. Vì thế, núi tiền của hãng ngày một nhiều lên. Theo ông Lee Seung-woo – nhà phân tích tại công ty chứng khoán IBK, cuối năm nay, núi tiền mặt của Samsung sẽ lên tới 75.000 tỷ won (73,4 tỷ USD).
Đối thủ của hãng - Apple cũng thường xuyên chịu sức ép từ cổ đông và đã phải chia cổ tức, mua cổ phiếu. Dù vậy, quý gần nhất, núi tiền mặt của hãng mới chỉ vơi đi gần 8 tỷ USD, xuống 150 tỷ USD. Cổ tức của Apple chỉ hơn 2%. Nhưng dù sao cũng đã gấp đôi Samsung.
Núi tiền mặt của Samsung có thể là một phần trong chiến dịch tái cấu trúc Tập đoàn mẹ - Samsung. "Samsung Electronics có thể mua cổ phiếu của các công ty liên kết, để bơm tiền cho các công ty cùng tập đoàn. Số tiền này sau đó có thể được các Samsung khác dùng để đầu tư mới hoặc cải tổ", Lee Min-hee - nhà phân tích tại IM Investment cho biết.
Một quan chức ngân hàng Hàn Quốc cho biết động thái mua trái phiếu của Samsung xuất phát một phần từ sự lưỡng lự của ngân hàng khi phải nhận quá nhiều tiền gửi từ hãng này. Số tiền này thường là ngắn hạn và có thể gây khó khăn trong việc quản trị nợ của nhà băng khi bị rút ra. "Từ quan điểm của các ngân hàng trong nước, nhận quá nhiều tiền gửi từ một công ty là việc rất rủi ro", ông nói.
Một lãnh đạo tổ chức tài chính khác thì cho biết: "Samsung thường gửi tiền kỳ hạn ngắn và sau khi đáo hạn lại tiếp tục gửi. Nhưng từ nửa cuối năm ngoái, các ngân hàng bắt đầu áp lãi suất rất thấp, để tỏ thái độ sẽ không nhận tiền nữa".
Động thái của Samsung đã giúp nâng giá các trái phiếu ngắn hạn địa phương, đặc biệt là loại kỳ hạn 2 năm và 3 năm. "Người ta từng lo ngại liệu thị trường có thể hấp thụ được nguồn cung trái phiếu lớn như vậy từ các ngân hàng hay không. Nhưng nỗi lo đó đã tan biến khi Samsung vào cuộc", một quan chức ngân hàng khác nhận xét.
Hà Thu
vnexpress.net