Đẹp đúng không? Nay nhân dịp trời trở lạnh, tôi xin biên một bài về xe chiến trường, mà cụ thể là đệ nhị thế chiến , phục vụ bạn đọc.
Trong tất cả các quốc gia tham chiến, đức là nước chuộng mô tô nhất. Họ đi tiên phong trong việc ứng dụng rộng rãi mô tô vào các nhiệm vụ chiến trường. Mỗi sư đoàn thiết giáp Đức đều có một đơn vị lính mô tô làm nhiệm vụ dẫn đường, hỗ trợ chiến thuật đánh thọc sâu kết hợp cùng không quân. Sự cơ động của mô tô đã mang lại cho quân Đức nhiều lợi thế, giúp chiến thắng dễ dàng trong các cuộc đánh chiếm Ba Lan, Pháp, Bỉ…
Riêng tại chiến trường phía Đông, mỗi sư đoàn bộ binh sẽ có tối đa 452 mô tô, được chia làm nhiều chức năng hơn: trinh sát, liên lạc, sửa chữa kỹ thuật, hậu cần, chống tăng, súng máy… Trong thời kỳ đầu chiến tranh, xe Đức vượt trội hơn hẳn các quốc gia khác về công nghệ và năng lực vận hành, và do đó chúng cũng bị ăn cắp thiết kế nhiều nhất, tiêu biểu là người Nga và người Mỹ. Sau đây là ba hãng cung cấp xe chủ chốt cho quân Đức.
DKW
RT125 của DKW có dung tích xy lanh 125cc, nhỏ và nhẹ, chuyên dùng cho các nhiệm vụ do thám cần băng qua địa hình phức tạp. Kiểu dáng của DKW gần như đã được chuẩn hóa cho xe chiến trường: khung tam giác nối thẳng thanh đỡ bình xăng vào bánh sau; yên đơn có lò xo giảm xóc; vè chắn bùn lớn; tay lái cao…
Royal Enfield “Flying Flea” – Nặng 60kg.
DKW RT125.
Tuy nhiên, điều làm nên tên tuổi của RT125 là công nghệ máy. DKW là hãng xe tiên phong trong công nghệ tối ưu hóa quy trình đốt bằng pít tông đỉnh nghiêng và bố trí các cửa nạp – xả. Điều này tạo ra lợi thế đáng kể cho RT125 trên chiến trường nhờ hao tốn ít nhiên liệu và giảm tiếng ổn.
Chính vì những lợi thế đó, RT125 là mẫu xe bị ăn cắp thiết kế nhiều nhất của Đức. Bắt đầu từ năm 1938, Royal Enfield của Anh đã bắt chước RT125 và cho ra đời mẫu xe WD/RE “Flying Flea”, kiểu dáng y chang, nhưng lại không bắt chước được công nghệ xy lanh. Sau đó lần lượt đến người Nga, người Ba Lan, người Mỹ, người Nhật. Kết thúc chiến tranh, có khoảng 8 nhà sản xuất tại 6 quốc gia bị cho là sao chép RT125, bao gồm cả Minsk, BSA, Harley – Davidson và Yamaha.
Zundapp
Zundapp là nhà sản xuất xe chủ chốt cho quân đội Đức trước và trong Thế chiến. Cái tên sẽ không còn xa lạ nếu bạn biết rằng Porsche và Zundapp đã hợp tác với nhau làm ra thương hiệu Volkswagen. Thành lập từ năm 1917, đến năm 1938, Zundapp đã sản xuất trên 200 ngàn xe các loại. Trong khoảng thời gian 1940 – 1945, 18.695 chiếc sidecar KS750 đã được cung cấp cho quân đội Đức. Các mẫu xe nhỏ hơn đều là mô tô hai bánh bao gồm: DB200, DBK250, KS600, KS601.
Zundapp KS750.
Zundapp KS600 – Mạnh mẽ trên mọi địa hình.
KS750 có dung tích xy lanh 745cc, hộp truyền động 4 số, phanh thủy lực. Đây là mẫu xe chủ lực của quân Đức trên chiến trường phía Đông, được trang bị móc tời với sức kéo gần 1 tấn, trên thuyền gắn súng máy MG34 và 2 tiểu liên MP40.
KS750 trên đường hành quân.
Công nghệ của Zundapp được đánh giá là tốt nhất trong các hãng xe Đức. Nổi bật nhất là công nghệ dẫn động bánh sau, hệ thống phanh thủy lực và thiết kế lốp. Quân đội Đức sau thời gian thử nghiệm đã yêu cầu BMW đưa các thiết kế này vào xe của mình. Từ đó trở đi nhiều cấu phần trên xe của BMW và Zundapp sử dụng chung tiêu chuẩn, thuận tiện cho việc lắp lẫn.
BMW
BMW thời đó không lớn, nhưng mẫu sidecar huyền thoại R75 lại được đặc biệt ưa chuộng trên địa hình sa mạc, phục vụ đắc lực cho Quân đoàn Phi châu của Erwin Rommel.
BMW R75, bản 1943. Được trang bị các công nghệ vượt địa hình sa mạc và nước sơn màu cát, R75 là vũ khí đắc dụng của Quân đoàn Phi Châu.
Thuyền của R75 có bánh xe được nối đồng trục với bánh sau xe chính, việc dẫn động trở nên linh hoạt hơn.
Như đã nói, thiết kế mô tô chiến trường của Đức thời kỳ đó vượt xa các quốc gia khác. Công nghệ hàn hồ quang điện của người Đức cho phép làm ra những bộ khung chắc chắn cho nhiệm vụ nặng: chở được 3 người, kèm súng, hộp đạn, hộp bộ đàm và kéo thêm rơ – moóc.
Hãy so sánh cả phuộc của xe BMW và xe Harley. Trong khi xe Harley thời kỳ đó vẫn đang dùng loại phuộc lò xo không ống giảm chấn thì BMW và các hãng xe Đức khác đã kịp chuẩn hóa phuộc lồng (món này vẫn được dùng trên hầu hết xe ngày nay). Phuộc lồng cho phép chặn cát, bụi, nước vào bên trong giảm xóc và tạo ra độ ổn định cao hơn khi vận động địa hình xấu.
Phuộc lồng trên BMW R12.
Bên trái là BMW R12 với phuộc lồng. Bên phải là Harley – Davidson WLA với phuộc lò xo không ống giảm chấn.
Thêm một bước đi trước thời đại của người Đức nữa là công nghệ dẫn động trục (gần giống trên ô tô) thay cho dẫn động xích (như hầu hết xe máy xe đạp thời nay). Bánh sau của R75 và R12 được dẫn động thông qua một thanh xoay nối từ hộp số, chuyển động thông qua khớp bánh răng. Dẫn động trục giúp cho xe tránh được các rắc rối như trật xích, kẹt cát, việc bảo dưỡng cũng dễ dàng hơn.
Phải nói thêm rằng, các công nghệ như phuộc lồng hay dẫn động trục vào thời đó mới chỉ là lý thuyết. Các nhà khoa học có thể tưởng tượng ra cách chúng hoạt động nhưng lại không biết hiện thực hóa thế nào. Thế nào mà người Đức lại làm được, tài tình thay.
Tất nhiên, như mọi khi, các đối thủ sẽ tìm cách bắt chước công nghệ nhanh nhất có thể. Khi phe Đồng minh tóm được những chiếc BMW hay Zundapp đầu tiên, họ gửi chúng về hậu phương để các kỹ sư nghiên cứu. Người Mỹ mổ xẻ chiếc R12, đo đạc và chuẩn hóa thông số, sau đó giao lại cho Harley – Davidson việc chế tạo một mẫu y hệt. Harley – Davidson XA ra đời từ ngày đó.
Harley – Davidson XA.
Một điều đáng buồn là chúng không bao giờ được gửi sang chiến trường Bắc Phi, nơi các công nghệ này mới thực sự phát huy hiệu quả. Số lượng 1000 chiếc XA được sản xuất vào thời điểm đó, ngược với kỳ vọng, lại trở thành tâm điểm phê phán vì sự lãng phí tài nguyên và vô dụng trong chiến thuật phối hợp thiết giáp với các đơn vị xe jeep của quân Mỹ.
Có thể nói, Đức là điểm khởi đầu cho ngành công nghiệp mô tô quân sự thế giới. Nhờ những thiết kế cùng những công nghệ vượt thời đại của người Đức mà sau này chúng ta có được Royal Enfield, Minsk, Ural, Harley – Davidson, Sokot, Idian… Cảm hứng từ sự mạnh mẽ mà thực dụng của xe chiến trường Đức ngày nay vẫn lan tỏa trong thế giới xe, trở thành một trào lưu đầy mê hoặc cả với những kẻ chưa từng biết đến mùi chiến trận nhưng có sẵn trong mình khí khái và bản sắc của người lính. (Còn Tiếp).
Các bạn xem phần cuối tại đây: http://www.2banh.vn/threads/xe-chien-truong-duc-co-the-ban-chua-biet-phan-cuoi.5338/
Nguyễn Hoàng Duy.
Có thể bạn quan tâm: