Cây lưỡi hổ nhìn bề ngoài có vẻ sắc nhọn và nguy hiểm nhưng thực chất thân cây rất mềm, lá mọng nước và không thể làm đứt tay khi chạm vào. Loại cây này rất đa dạng về chủng loại, nhưng phổ biến nhất hiện nay là lưỡi hổ Thái và lưỡi hổ cọp.
Nhiều người chọn lưỡi hổ làm cây cảnh đặt trong nhà, phần vì loại cây rất dễ trồng và chăm sóc, phần vì ý nghĩa phong thủy của nó. Cụ thể, trong phong thủy cây lưỡi hổ có tác dụng xua đuổi ma quỷ, đẩy lùi những điềm xấu và mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ.
Không chỉ vậy, lưỡi hổ còn được ví là máy lọc không khí, vì nó có chức năng hấp thụ CO2 và thải ra O2 ngay cả ban đêm. Lá cây có khả năng hút bụi bẩn nên không khí trong nhà sẽ luôn luôn trong lành.
Mùa xuân và mùa thu là thời điểm cây lưỡi hổ phát triển mạnh mẽ, chỉ cần được chăm sóc tốt thì cây có thể mọc ra rất nhiều chồi mới, trông đầy sức sống. Tuy nhiên, nhiều người nói rằng họ không thể bảo dưỡng cây lưỡi hổ tốt được nên gặp phải nhiều vấn đề khác nhau chẳng hạn như cây gầy, lá vàng và rũ xuống, không thể mọc chồi mới,…
Nếu đang gặp phải tình trạng này, bạn hãy kiểm tra xem quá trình bảo dưỡng có gặp phải những sai lầm nào dưới đây hay không. Bởi lẽ, cây lưỡi hổ luôn có 3 “nỗi sợ” này.
1. Sợ môi trường khó chịu
Cây lưỡi hổ ưa môi trường thông thoáng, ở trong môi trường kém thoáng khí lâu ngày cây sẽ bị tích nước, thối rễ. Nhu cầu ánh sáng của cây cũng không khắt khe lắm, nó có thể sống ở nơi thiếu ánh sáng. Tuy nhiên, nếu không đủ ánh sáng trong thời gian dài thì cây bị khẳng khiu, hoa văn trên lá không đẹp.
Vì vậy tốt nhất bạn nên đặt cây ở nơi có ánh sáng vừa đủ, hoặc nếu để trong phòng thiếu ánh sáng thì thỉnh thoảng bạn nên đưa cây ra ngoài để tắm nắng, hóng gió. Ánh sáng hợp lý sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình sinh trưởng của cây lưỡi hổ.
Để chăm sóc cây lưỡi hổ, bạn cũng không nên tưới nước thường xuyên. Nguyên nhân do đây là cây mọng nước, chịu hạn rất tốt và không cần nhiều nước, nếu tưới quá nhiều nước sẽ gây tích nước và thối rễ. Nếu thấy bụi tích tụ trên lá, bạn chỉ cần lau sạch bằng khăn ẩm là được.
2. Sợ đất nén chặt
Bộ rễ của cây lưỡi hổ rất mỏng manh, cần trồng trong đất tơi xốp, thoáng khí và giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, sau một thời gian trồng trong chậu, đất trồng sẽ không còn chất dinh dưỡng nữa hoặc nén chặt. Lúc này cây lưỡi hổ sẽ ngừng phát triển.
Để duy trì cây lưỡi hổ, bạn cần thay chậu và đất mỗi năm một lần để bộ rễ phát triển tốt. Khi thay chậu, bạn có thể trộn thêm một ít phân hữu cơ vào trong đất làm phân bón gốc, nếu hấp thụ tốt cây sẽ sinh trưởng mạnh.
3. Sợ trồng quá sâu
Bộ rễ của cây lưỡi hổ tương đối mỏng manh, phát triển theo chiều ngang nên bạn không nên trồng quá sâu. Bởi lẽ nếu trồng quá sâu thì chồi mới sẽ mọc chậm hoặc không thể mọc được.
Hơn nữa khi trồng quá sâu, sau khi tưới nước độ ẩm trong đất sẽ giữ lâu hơn, dễ gây tích nước khiến cây lưỡi hổ bị thối rể. Vì vậy, tốt hơn hết bạn nên trồng cạn, không nên vùi cây lưỡi hổ vào chậu quá sâu. Còn nếu chọn chậu to, dài để trồng lưỡi hổ, bạn nên cho một ít đất dạng hạt vào dưới đáy chậu để tránh đọng nước sau khi tưới.
Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/mua-thu-cay-luoi-ho-co-3-noi-so-pham-phai-la-se-vang-cay-k...Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/mua-thu-cay-luoi-ho-co-3-noi-so-pham-phai-la-se-vang-cay-khong-moc-choi-moi-c59a13002.html
Nhà - Vườn