Ở Paris hoa lệ, có một ngôi nhà mái ngói đỏ âm dương, có bức tranh tả cảnh làng quê Hà Nội năm 1929, có một nét rất Huế với liễn đối, hoành phi, rồng chầu chữ thọ, cả đôi nghê án ngữ trước cổng vào ngôi nhà, đó chính là những chi tiết trang trí trong ngôi nhà Đông Dương, được xây dựng từ năm1930 với phong cách chủ đạo là những đường nét kiến trúc thuần Việt.
Đại học xá Paris nằm trên đường Jourdan thuộc quận 14 của Paris, đây là một khu nhà ở rất đẹp, tựa một ngôi làng của giới thượng lưu, trong đó bao gồm nhiều dịch vụ sinh hoạt dành cho sinh viên như nhà hàng, thư viện, các sân tập thể thao, công viên… Các toà nhà trong khu đại học xá ở đủ mọi phong cách kiến trúc khác nhau, từ cổ điển đến các nét đương đại, hoà trộn và đan xen giữa các mảng xanh của thiên nhiên trong khuôn viên rộng đến 34ha. Khu nhà ở ấy bao gồm 40 toà nhà dành cho hơn 12.000 sinh viên, nghiên cứu sinh, nghệ sĩ, giảng viên đến từ hơn 140 quốc gia trên thế giới đến sống, nghiên cứu và học tập tại đó. Và ngôi nhà Đông Dương, nay được đổi tên thành ngôi nhà Đông Nam Á là một toà kiến trúc đã trở nên rất quen thuộc trong tâm thức nhiều lưu học sinh Việt Nam học tập và sinh sống trên đất Pháp từ những năm 1930.
Chi tiết ngoại thất ở ngôi nhà Đông Dương mang nét Á Đông quen thuộc.
Đại học xá Paris hình thành từ những năm 1920 nhờ sự nỗ lực của ông André Honnorat và các mạnh thường quân nhằm giúp đỡ và hỗ trợ cho sinh viên thế giới có một nơi chốn ổn định để phục vụ cho việc học tập tại Paris. Khởi phát từ đó, các ngôi nhà trong khu đại học xá dành cho sinh viên quốc tế lần lượt ra đời.
Và vào năm 1930, ngôi nhà Đông Dương (Maison de l’Indochine) được hình thành trong khu đại học xá nhờ sự quyên góp và giúp đỡ của ông Raphael Fontaine cùng các thương gia người Pháp sống và kinh doanh tại các xứ thuộc địa trong vùng Đông Nam Á thời bấy giờ. Chính mối liên hệ Á – Âu đó đã hình thành nên một ý tưởng để thể hiện vào kiến trúc toà nhà, phải là sự kết hợp các phong cách kiến trúc tân thời của Pháp ở đầu thế kỷ 20 và nét truyền thống Á Đông của xứ thuộc địa vùng Đông Nam Á.
Ngói đỏ âm dương là chi tiết nổi bật của tổng thể ngôi nhà.
Pierre Martin và Maurice Vieu là hai kiến trúc sư được chọn để đưa ra đồ án xây dựng, thiết kế ban đầu gồm 100 phòng ở, với tổng thể là những đường nét mang đậm phong cách Á Đông, đặc biệt là Việt Nam, điều này dễ nhận ngay từ những nét trang trí kiến trúc ngoại thất của toà nhà như phần mái hiên, chóp mái, ngói âm dương.
Phần nội thất với các lối lên cầu thang dùng chất liệu gỗ được chạm trổ khá tinh xảo, đến phần sảnh đường là một không gian cung đình đậm chất Huế của người Việt, có hàng cột gỗ tròn để phân gian phỏng theo kiến trúc nhà rường, kết hợp cùng chi tiết trang trí cánh én, bao lam, vách gỗ đem lại một tổng thể đậm nét Á Đông không thể nhầm lẫn. Công trình ngôi nhà Đông Dương hoàn tất vào tháng 3.1930.
Dãy hành lang trong khu nhà Đông Dương và hình tượng nghê chầu ở lối vào chính của toà nhà.
Với bố cục phân tầng các toà kiến trúc trong khuôn viên đại học xá tương đồng nhau, nhưng nhìn từ xa, ngôi nhà Đông Dương là một điểm nhấn khá nổi bật, nhất là phần ngói đỏ âm dương, với diềm mái là ngói tráng men xanh có hình nổi chữ thọ, kết nối với các cánh đan cũng tráng men xanh tựa ngói lưu ly, với lối tạo hình giống cánh dơi. Đây chính là một chi tiết trang trí khá phổ biến trong kiến trúc truyền thống của người Á Đông và cả Việt Nam, với đồ hình con dơi – chữ thọ, hàm ý cầu mong phước lành, bình an cho ngôi nhà.
Dưới phần cổng vào chính là đôi nghê án ngữ. Hình tượng nghê ở Việt Nam, vốn xuất thân từ văn hoá Bắc bộ, với khởi hình của nghê là con chó, do vậy rất nhiều nghê tìm thấy qua các hiện vật từ Lý, Trần, Lê có dáng hình một con chó mang gương mặt sư tử, hoặc lai sang rồng. Con nghê chầu ở cổng ngôi nhà Đông Dương cũng mang dáng hình tựa một con chó nằm dọc theo lan can, đầu ngẩng cao oai vệ, với gương mặt đã ngả nhiều sang rồng, thân mang vảy – một dấu chỉ hoá linh trong hình tượng các linh vật được thờ cúng của người Việt, và cũng là biểu trưng cho sự chính trực, quyền uy.
Các chi tiết trang trí bằng gỗ trong nội thất được bố cục, xử lý rất hài hoà và tinh tế.
Ở phần trang trí nội thất, nếu như đôi nghê chầu đại diện cho nét văn hoá tâm linh thuần Việt, toà kiến trúc này còn sở hữu một báu vật rất có giá trị cả về mặt mỹ thuật lẫn độ quý hiếm của nền mỹ thuật Việt Nam, đó chính là bức bích hoạ khổng lồ của danh hoạ Lê Phổ tả cảnh người miền quê Bắc bộ vẽ năm 1929 tại Hà Nội. Đứng trước dãy hành lang dài, trước mặt là bức bích hoạ, trên vách tường là các liễn đối, đại tự, phần tả hữu của bức hoạ là đôi đỉnh xông trầm bằng đồng có kích thước lớn, được đúc từ Việt Nam với những đường nét cực kỳ tinh xảo và chi tiết, hẳn thật dễ tìm được cảm giác đang ở đâu đó trên đất Việt chứ không phải tận trời Tây xa xôi.
Hệ thống phòng ốc, thư viện, cả phòng ăn cũng được trang bị với đầy đủ tiện nghi để sinh viên tự nấu ăn, phòng học chung được bố trí rộng rãi phù hợp cho việc học riêng hoặc làm việc theo nhóm, hệ thống phòng riêng dành cho một người một phòng, tạo nên không gian sống và học tập lý tưởng cho các sinh viên lưu trú tại đây.
Tổng thể trang trí cho ngôi nhà Đông Dương mang đậm nét Việt.
Từ tháng 1.1972, ngôi nhà Đông Dương được đổi tên thành ngôi nhà Đông Nam Á. Năm 1998 ngôi nhà được sửa lại mái và phần mặt tiền, đến 2007 phần nội thất cũng được tu bổ lại và tăng thêm 22 phòng cho sinh viên, trước kia các dãy phòng phải dùng chung nhà tắm thì nay mỗi phòng đều có phòng vệ sinh riêng. Kể từ năm 2008 đại học xá Paris liên kết với học viện Khoa học và công nghệ Paris (ParisTech), mở ra những cơ hội lưu trú dành cho sinh viên đến từ các quốc gia trên thế giới đang theo học các chuyên ngành về khoa học, kỹ thuật và quản trị của 12 trường đại học thành viên thuộc ParisTech.