Đồng thời, công trình cũng mang lại cho nhóm ATEK (gồm kiến trúc sư nguyễn tuấn anh , Phan Duy Đông, Vũ Sỹ Lợi, Nguyễn Huy Hải, Nguyễn Chí Công) giải Kiến trúc sư trẻ.
Mặt trước của ngôi trường như trung tâm hội nghị. Sau hơn hai năm xây dựng trường Hà Nội – Amsterdam đã hoàn tất có quy mô 45 lớp học, với 1.800 học sinh chuyên hệ THPT và THCS. |
Trường PTTH Hà Nội - Amsterdam nằm trên đường Hoàng Minh Giám, quận Cầu Giấy, Hà Nội với tổng diện tích khoảng 5 ha, kinh phí xây dựng trên 400 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Do đó, ngay từ đầu, lãnh đạo thành phố đã có chủ trương ngôi trường phải mang hơi thở Hà Nội, do người Hà Nội thiết kế, thi công và quản lý.
Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh, trưởng nhóm atek chia sẻ, bản sắc Hà Nội là một khái niệm trừu tượng, không dễ khái quát trong ngôn ngữ kiến trúc. Nổi bật lên trong tính cách của người Hà Nội là sự hài hòa, tinh tế, sâu lắng và không phô trương ồn ào. "Trong ngôi trường với nhiều hạng mục và công năng đa dạng như thế này, cần phải kiểm soát được nó trong một nhịp điệu của sự hài hòa và tinh tế. Đó chính là Hà Nội. Chúng tôi không đưa vào các yếu tố cụ thể nhưng phảng phất trong nét kiến trúc hiện đại ấy, người Hà Nội sẽ vẫn nhìn ra chất thủ đô trong nhịp thở của mái trường", anh Tuấn Anh cho biết thêm.
Mặt bằng tầng 1. |
Bên cạnh chất Hà Nội, thiết kế mới cũng thể hiện đậm nét cá tính trường Amsterdam: tự do, sáng tạo, cởi mở và năng động. Ngay sau khi khánh thành, nó được coi là ngôi trường hiện đại nhất Việt Nam, ngang tầm khu vực. Trường có 3 khối học (45 lớp), nhà thi đấu quy mô lớn, bể bơi nước nóng sử dụng vào mùa đông, khán phòng lớn 700 chỗ, khu vực căn tin rộng rãi, hệ thống bãi đỗ xe và các sân thể thao tiêu chuẩn... Thiết lập một môi trường xanh, sạch, tri thức là 3 yếu tố then chốt tạo nên ngôi trường.
Khu thể chất, sân bóng đá và sân tennis nơi học sinh tập luyện thể chất hàng ngày cũng như là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa thể thao của trường. |
Công trình được thiết kế với bố cục lấy trục không gian đa năng (không gian sinh họat công cộng của học sinh) làm trọng tâm, tạo tuyến không gian xương sống. Những khoảng không gian rộng mở này sẽ giúp học sinh tránh cảm giác bị trường lớp bao vây đồng thời kích thích sự sáng tạo. Kiến trúc ngôi trường đã phá vỡ triết lý giáo dục khô cứng, luôn áp đặt con người trong những khuôn khổ của cái đã biết. Trong đó, học sinh là chủ thể sáng tạo chính chứ không phải các lớp học. Học sinh ở đâu, ở đó chính là lớp học.
Bên cạnh đó, các khối công năng khác như chiếc lá, cành cây vươn ra tạo tổng thể theo kiểu tổ hợp phân tán. Trục xuyên suốt đã gắn kết được ý tưởng tổng thể hài hòa với công nghệ giáo dục tiên tiến. Các lớp, khối học không còn tách lẻ, riêng rẽ mà gắn kết, cùng chia sẻ cho nhau. Ngoài việc tụ tập ở sân trường, học sinh có thể vui chơi ngay khi bước ra lớp mà không lo mưa nắng. Không gian đặc biệt này sẽ tạo thêm cho học sinh nhiều chỗ thể hiện bản thân và văn hóa trường. Nó cũng đủ rộng để các em tổ chức các hoạt động ngoại khóa như nhảy hip hop, ca nhạc...
Việc bố trí tổ hợp các khối công trình chú trọng hạn chế ảnh hưởng các kiến trúc xung quanh. Các phía tiếp giáp với mặt đường đều hạn chế các diện kiến trúc lớn hoặc sử dụng cây xanh, khoảng thoáng kết hợp. Đặc biệt, nét độc đáo của đồ án còn thể hiện ở việc tổ chức một tháp biểu tượng cao khoảng 35 m, nơi đặt các logo, biểu trưng của nhà trường. Vị trí và chiều cao của tháp như một nét chấm phá, tạo nhịp điệu trong quy hoạch chiều cao của tổ hợp kiến trúc.
Kết quả chi tiết giải thưởng kiến trúc quốc gia 2010 |
Phương Thảo