Sông Sài Gòn: Dòng sông luân lưu…
Xóa sổ thành Phụng (thành Gia Định) xong, Đề đốc Rigault de Genouilly – Tư lệnh quân viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha – đã có văn thư gửi Chính phủ Pháp nhận định: “Nếu sông Sài Gòn được khai trương để thuyền bè từ các nước châu Âu đến mua bán sẽ giúp Sài Gòn hình thành một trung tâm thương mại quan trọng. Phương này rất giàu sản vật, gạo, bông, đường, thuốc lá, cảnh trí lại rất đẹp nữa. Huống gì sông Sài Gòn có các nhánh ăn sâu vào bên trong đất liền nên nhờ đó có thể đưa nguồn hàng ra cảng để xuất đi nước ngoài bao nhiêu cũng được”. Văn thư viết ngày 14.3.1859. Chưa đầy một năm sau, vào ngày 2.2.1860, Chuẩn thủy sư đề đốc Page tuyên bố chính thức khai trương hoạt động của cảng Sài Gòn. Một tài liệu khác của Léopold Pallu cho biết thương cảng Sài Gòn mở cửa ngày 22.2.1860 và gần như ngay lập tức đã có sức cuốn hút nhiều tàu bè châu Âu cũng như Trung Hoa cập bến mua bán: “70 tàu và 100 ghe thuyền chỉ chuyên chở trong vòng bốn tháng 60.000 tấn gạo cho thị trường Hồng Kông và Singapore, đem đến một số lời khổng lồ cho ta (người Pháp)”(1). Từ đó về sau, cảng Sài Gòn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giao thương quốc nội và quốc tế.
Sông Sài Gòn
Về vai trò lịch sử, vị trí sông Sài Gòn và các sông liên đới được chép trong thư tịch Hán Nam cổ: “Ở ngã ba Tam Giang trên sông Nhà Bè là một giao thủy, phía Nam có nước ngọt sông Phước Long (tên gọi của sông Đồng Nai) và phía Bắc có nước lạt sông Tân Bình, tục danh là song Bến Nghé – dòng sông dài từ giao thủy Tam Giang ấy chảy đến tận nguồn Bương Đàm (Tây Ninh): dòng sông và những nhánh của nó đã đưa những lưu dân đến những vùng đất mới của xứ Gia Định – Sài Gòn khẩn hoang lập nghiệp; và theo thời gian, dòng sông này đã đưa các luồng giao lưu văn hóa từ bên ngoài vào cũng như lan tỏa ra các vùng đất xa xôi hơn, nhất là khi cái bến dưới sông đầy sấu lội này trở thành Bến Thành và các đoạn sông đào đã nối nó với Sài Gòn phố thị (Chợ Lớn) xuống tới đồng bằng sông Cửu Long: Làm trai cho đáng nên trai – Phú Xuân đã trải Đồng Nai cũng từng” (2)
Cùng sông Sài Gòn, những dòng sông ở Nam bộ đã chảy vào lòng người nhiều truyền thuyết và giai thoại lịch sử về sự có mặt của vua chúa nhà Nguyễn trên đường lập nghiệp – nhất là vị vua đầu triều: Gia Long (Nguyễn Ánh) – đã xuống thuyền vào mùa xuân Ất Mùi 1775, ngày 12.2, để “vượt biển về phía Nam, ngày 25 đến phủ Gia Định, đóng ở Bến Nghé” – theo Gia Định thành thông chí. Ông đã gắn bó đất phương Nam sâu đậm nhất với 25 năm trôi dạt và dựng nghiệp ở đó (1775 – 1801) dài hơn cả số năm ngồi trên ngai vàng (17 năm, từ 1802 – 1820). Khi thất thế, chạy ra Phú Quốc nhờ dân ở đó che chở, cung ứng vật dụng, nên khi lên ngôi nhà vua đã gia ân miễn thuế thân, thuyền đánh cá và thuyền buôn cũng được miễn như vậy.
Năm Quý Mão 1783, Nguyễn Huệ đánh chiếm Gia Định lần thứ tư (nếu kể thêm lần tiến quân của Nguyễn Lữ vào 1776, thì Tây Sơn đã 5 lần tiến đánh Sài Gòn – Gia Định) – đẩy Nguyễn Ánh trôi dạt trên biển, bấy giờ “nước ngọt hết cả, quân bị khát đã bảy ngày. Thế rồi bờ biển quang mù, trước thuyền sóng lặng, trông thấy trước mặt nước sắc xanh sắc trắng chia dòng, nước trong chảy ra, thử nếm thấy vị ngọt, quân nhờ thế được an toàn, bèn chạy về đảo Phú Quốc” – theo Gia Định thành thông chí. Xuất hiện trên sóng nước để “cứu giá” còn có loài vật nữa. Như sự tích Nguyễn Ánh chạy ra Hòn Rái, may nhờ hai con Rái cá chạy ra khỏa lấp dấu chân, do đó khi thắng lợi nhà Nguyễn phong tặng mỹ tự: Dũng Mẫu Nghiêm Dực Hằng Nghị Trừng Trạm chi thần. Người trên bờ cũng giúp phương tiện vượt sông nước cho Nguyễn Ánh. Tương truyền có một bà lão khá giả nhờ mua bán lúa gạo đã dâng những cuộn tơ tằm quý giá để làm quai chèo (khác với quai chèo thắt bằng gai, bằng đay) – có sức dẻo dai bền bỉ không thể đứt, giúp đủ sức vượt biển.
“Ngũ hổ long thần” trấn mạch ở phương Nam
Nhắc đến lịch sử Sài Gòn TP.HCM luôn phải nhắc đến sự hiện diện đầy “định mệnh” của Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh. Ông đã theo lệnh của chúa Nguyễn Phúc Chu vào kinh lược đất phương Nam và lần đầu tiên đứng ra hoạch định địa giới hành chính và cơ chế quản lý vùng này, lấy đất Nông Nại đặt phủ Gia Định, lấy đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Sự kiện ấy (1698) được lấy làm năm khai sinh để tính tuổi Sài Gòn xưa, TP.HCM ngày nay (2013), là 315 năm hình thành và phát triển. Ông là vị tướng có tài, biệt danh Hắc Hổ (sinh năm Canh Dần 1650), từng dẫn quân chinh phạt Chiêm thành bắt sống vua Bà Tranh.
Đến tháng 11 năm Kỷ Mão 1699, ông lại cầm quân tiến đánh Nam Vang vì vua Chân Lạp là Nặc Ông Thu muốn quấy động. Khoảng 4 tháng sau (tháng 3 Canh Thìn 1700), ông đứng trên mũi thuyền phát súng lệnh và đốc thúc binh sĩ tiến lên, khiến quân Cao Mên khiếp sợ tan vỡ, vua Nặc Ông Thu bỏ chạy. Nhưng chưa đầy một tháng sau Nặc Ông Thu ra hàng, xin chịu tội. Ông an ủi, tha cho về La Bích để chiêu tập lưu dân. Rồi đó, ông kéo quân về bãi Cây Sao (tức Ông Chưởng bây giờ) để đóng quân, báo tin thắng trận và đợi mệnh lệnh mới.
Tượng Nguyễn Hữu Cảnh tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Cù lao phố, Biên Hoà
Đến nửa đêm 26.4 năm ấy, trời bỗng dưng nổi cuồng phong dữ dội, mưa trút điên cuồng, chốc đã làm sụt lở nặng nề một vạt lớn của bãi Ông Chưởng kèm theo tiếng vỡ to như sấm. Lúc ấy ông nằm ngủ trong thuyền mộng thấy một thần nhân râu dài bạc trắng, thân hình vạm vỡ, mặc áo gấm đến báo ông rằng: “đừng nấn ná ở hung địa này nữa, hãy mau sớm về!”. Khi tỉnh dậy, ông không được vui, vì việc chưa xong nên còn tạm nán lại, rồi bị cảm gió, ốm nặng, liền rút quân về, nhưng đến ngang Rạch Gầm thì qua đời ngày 14.4 năm ấy, thọ 51 tuổi. Như vậy ông mất trên dòng sông Cửu Long, chở quan tài về đến dinh Trấn Biên lập miếu thờ, sau đó chuyển về an táng tại vùng đất phong thủy ở nơi ông sinh ra (tỉnh Quảng Bình). Vùng đất này nhà văn Sơn Nam lúc sinh thời đã đến tham quan, thắp hương lễ bái và ghi nhận như sau: “Dòng họ Nguyễn Hữu Cảnh đã chọn cuộc đất phong thủy “thượng An Mã, hạ Đùng Đùng” mộ phía trên day về núi An Mã, phía dưới giáp phá Hạc Hải (nôm na là phá Đùng Đùng). Nhớ lại ở Nam bộ, đặc biệt phía đồng bằng “chung sống với lũ” làm sao tìm ra núi đồi để làm chuẩn cho chọn huyệt mã? Mạc Cửu may ra gặp được núi Bình Sơn, ven biển, đặt mộ phần cho dòng họ. Phía Biên Hòa, có sông núi, gia đình của Hui Bon Hoa chọn vùng đất an nghỉ phía sông Đồng Nai, sẵn núi Châu Thới hoặc Bửu Long. Ngoài ra, hễ gặp gò đất cao thì tạm gọi là núi. Lăng lê Văn Duyệt đặt ở gò Kim Qui. Gặp đất giồng cao ráo, hơn mặt biển chừng năm ba mét thì đặt tên làng tên đất là Sơn, như gò Cây Mai là Mai Sơn. Phía Phú Thọ, tuy chôn ở đất thấp, người Hoa thường đặt hai trụ đá bên cạnh mộ, ghi “Thanh Sơn, Tú thủy” để tượng trưng. Vậy là đủ. Phía đồng bằng sông Cửu Long, phong thủy tốt nhất – nơi khoâng đồi núi – là chốn “thông lưu quán khái”, gọi nôm na “sông sâu nước chảy”; nước chảy lưu thông, không tù đọng, giao lưu dễ dàng với các vùng lân cận để trao đổi hàng hóa…. Vùng nước lụt, khu Tứ Giác Long Xuyên hoặc vùng Đồng Tháp Mười, đất quá thấp, chỗ nào đất cao tương đối thì là phong thủy tốt” (…) Vùng Hạc Hải nhiều lát (cây cói) nằm trong vị trí phong thủy phần mộ Nguyễn Hữu Cảnh. Hỏi “thượng An Mã, hạ Đùng Đùng, một bô lão bảo núi An Mã là yên con ngựa, còn Đùng Đùng có lẽ là thứ cây tạp, cỏ dại”(3).
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Cù lao phố, Biên Hoà
Mộ ông an táng ở đất phong thủy vùng Quảng Bình và cũng được thờ ở nhiều ngôi đình tại Nam bộ như đình Phú Lạc (Bình Chánh, TP.HCM), đình Bình Kính và Bình Thành (Biên Hòa), đình An Hòa và Vĩnh Kim (Mỹ Tho) và nhiều nơi ở Châu Đốc cũng như ở Nam Vang. Người Hoa gốc Minh Hương xem ông là Tiền hiền và Phúc thần của họ, thờ tại đình Minh Hương Gia Thạnh ở quận 5 TP.HCM. Nhân đây cũng cần nhắc đến đặc điểm các ngôi đình Nam bộ với nhiều đối tượng thờ tự – trong đó có Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh – gắn liền với niềm tin phong thủy của dân gian về các vị thần trấn địa gọi là “ngũ thổ long thần” gồm (tóm lược):
1. Thổ Công: là “vị thần long mạch khu vực nền nhà” thường được thờ bên hông đình với câu khẩu truyền: “trong vườn có Thổ chủ, ngoài miến có Thổ công, ở dưới sông có Hà bá”.
2. Thổ Địa: thần long mạch ở cửa cái là vị thần “bảo hộ cho cả dân làng” cũng được thờ trên án bên vách hông của đình. Ở đất phương Nam thần Thổ Địa được nhân cách hóa thành hình tượng và được thờ song song với thần tài (môn khẩu Thổ Địa tiếp dẫn Tài thần). Cũng ở Nam Bộ, nhiều ngôi đình có “thờ bài vị Thổ Địa” và “được tùng tự một bên thần Thành hoàng”.
3. Thổ Thần hay Thổ Chủ là “thần long mạch ở khu thổ cư”. Thổ thần là “tín ngưỡng đặc biệt của những người làm vườn” được thờ phổ biến vùng Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ và được “thờ trước sân đình” phổ biến vùng Biên Hòa.
4. Thổ Phủ là thần long mạch khu vực chợ búa được “thờ trong một ngôi miếu gần chợ”
5. Thổ Kỳ hay Địa Kỳ , Hậu Thổ là “thần long mạch của toàn cõi đất”.
Còn thờ Thanh long (Rồng xanh) và Bạch hổ (Cọp trắng) hai bên tả hữu ngôi đình theo cách tả Thanh long, hữu Bạch hổ và “nguyên thủy đây là ý niệm của phong thủy”(4). Hai tiếng “Phong” và “Thủy” trên, ứng rộng ra, sẽ bao quát cả mối luân chuyển không ngừng của sông Sài Gòn, và các dòng sông Nam bộ, cùng đình miếu dựng lên trên đất địa đôi bờ, đã ẩn hiện phần nào qua câu hơ truyền khẩu: Gió thổi tung cao cờ hiển thánh (Phong/ Nước còn muôn thuở với thiên thanh (Thủy)
Chú thích:
(1) Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861 (Histoire de l’Expédition de Cochinchine en 1861) Hoàng Phong dịch, NXB Phương Nam 2008, tr. 45.
(2) Huỳnh Ngọc Trảng, Bến Nghé – Sài Gòn dòng sông thời gian, xem Nam bộ – Đất và người, NXB Trẻ 2002, tr. 69.
(3) Sơn Nam, Sài Gòn xưa – ấn tượng 300 năm, NXB Trẻ 2008, tr. 113
(4) Xem Huỳnh Ngọc Trảng – Trương Ngọc Tường – Đình Nam bộ xưa và nay, NXB Đồng Nai 1999, tr. 118-119.
Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam – Bài: Giao Hưởng – Ảnh: Nguyên Trương, Tư liệu