Không có cuộc gặp gỡ định mệnh với Trịnh Công Sơn, chẳng ai biết đến Khánh Ly
“Tôi sinh ra ở Hà Nội, năm 1956 theo gia đình lên Đà Lạt lập nghiệp. Cuộc sống khó khăn, nhờ có giọng ca trời phú nên tôi bắt đầu đi hát ở các phòng trà. Năm 1964, ông Trịnh Công Sơn lên Lâm Đồng dạy học, không biết đường đời đưa đẩy thế nào ông lại đến phòng trà nghe tôi diễn để rồi có cuộc gặp gỡ định mệnh hơn nửa thế kỷ.
Lúc đó, tôi chỉ“chuyên trị” nhạc của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Phạm Duy và những bài hát nhạc Pháp... ông nghe tôi hát xong, hẹn tôi đến quán cà phê Tùng trò chuyện, hỏi han rồi sau đó còn nhiều lần mời tới nhà bạn để ông ngồi đánh đàn hướng dẫn tôi tập luyện. Vâng. Nếu không có cuộc gặp gỡ định mệnh đó, khán giả chẳng ai biết tới Khánh Ly bây giờ...". Danh ca Khánh Ly tâm sự.
PV: Nghe nói Khánh Ly là ca sĩ VN đầu tiên được xuất ngoại biểu diễn. Bà có thể kể lại chuyến đi này được không?
Ca sĩ Khánh Ly: Mỗi khi hát những tác phẩm của Trịnh Công Sơn tôi như bị mê hoặc và cảm thấy rất sung sướng. Vì không được đào tạo bài bản về âm nhạc nên tôi phải tự “thẩm thấu” nhạc của ông bằng cách của riêng mình. Giai điệu nhạc Trịnh hay, ca từ thì đẹp như thơ, mà tôi lại rất yêu mến thơ nên... vận luôn bài hát của ông vào người lúc nào không biết. Ngoài Trịnh Công Sơn, tôi còn “yêu” lắm nhạc Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Khánh, Văn Cao. Có những bài chỉ cần nghe 1 lần là gắn bó ở lại luôn và hình như tôi gặp được nhiều bài như thế ở nhạc Trịnh. Hồi đó, tôi đi hát tỉnh liên miên, vất vả lắm nhưng có tiền bạc gì đâu, đa phần là miễn phí. Khuya phải kê bàn ghế ở trường học để... ngủ chứ đâu có khách sạn sang trọng như ca sĩ bây giờ. Khi tên tuổi được khán giả biết đến, tôi nhận lời về hát ở các phòng trà, thu đĩa bán và từ đó bắt đầu làm ra tiền.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đệm đàn trong một đêm diễn của ca sĩ Khánh Ly |
Vừa qua, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phát biểu trên báo chí: “Tôi không có tiền mời Khánh Ly, mà nếu có tiền cũng không mời”... Bà suy nghĩ gì về điều này?
Trong quan hệ đồng nghiệp giữa ca sĩ và nhạc sĩ, chuyện gặp gỡ, quen biết, bất đồng quan điểm với nhau khi này khi khác là chuyện quá... bình thường. Đối với Nguyễn Ánh 9, tôi rất quý và trân trọng tài năng của ông nên khi đọc báo nghe ông... chê Khánh Ly, tôi chỉ cười xòa và chỉ nghĩ đơn giản là ông đùa thôi. Thật ra có thể hiểu ông ấy không mời tôi vì muốn dành cơ hội cho các ca sĩ trẻ. Còn giữa tôi và ông ấy không có xích mích gì cả. Mới hôm qua đây khi tôi ở Hà Nội bay vào SG, ông lại ngược ra thủ đô làm chương trình đêm nhạc Nguyễn Ánh 9, ông ấy gọi điện còn hóm hỉnh: “Tôi và Khánh Ly đã gặp nhau trên trời”.
Thưa bà, ở Việt Nam nhạc sĩ Phó Đức Phương là người nổi tiếng, tuy nhiên trong vụ “lùm xùm” với Trịnh Công Sơn, ông là người rất cương quyết để bảo vệ tác quyền cho nhạc sĩ. Bà đã từng gặp ông ấy chưa và câu hỏi hơi tò mò, bà có yêu thích nhạc của ông ấy không ?
Tôi yêu tác phẩm của nhiều người nổi tiếng: Phạm Duy, Vũ Thành An, Từ Công Phụng. Ngay như ông Phú Quang, tôi vẫn chưa biết ông ấy mặt mũi ra sao nhưng “mê” lắm. Đợt này vừa ra Hà Nội, tôi phải “đăng ký” gặp ông ấy để xin hát bài “Nỗi nhớ mùa Đông”. Hồi xưa, nhạc sĩ với ca sĩ ít gặp nhau lắm, như tôi hát bài “Tình lở" của nhạc sĩ Thanh Bình bốn mươi mấy năm có thấy mặt nhau đâu. Riêng ông Phó Đức Phương, phải nói rằng từ năm 1979 khi nghe sáng tác “Hồ trên núi” qua băng cassette tôi đã thích thú vô cùng. Sau này khi xảy ra sự cố tác quyền của Trịnh Công Sơn, tôi mới nhận ra ông ấy là tác giả của bài “Hồ trên núi” mà tôi mê như điếu đổ. Điều này không làm tôi ghét ông mà ngược lại càng cảm thấy thú vị. Mỗi lần về nước, tôi muốn có lời mời trân trọng ông đi... uống cà phê, nhất là một đêm Hà Nội nồng nàn như tháng 5 này, nhưng có dám mở lời ra với ông đâu (cười). Hy vọng qua bài báo này, ông có thể mở lòng nhận lời mời của Khánh Ly chăng?
Quan niệm của tôi, bất kỳ người nào tốt đều mong trở thành bạn. Nếu có lỗi thì dù người đó đáng tuổi con cháu tôi vẫn đứng ra xin nhận lỗi. Cuộc đời tôi quý nhất là tình nghĩa. Tiền bạc có làm ra rồi cũng tiêu hết. Nói ra nhiều người không tin, thực sự Khánh Ly chưa bao giờ xài đồ hiệu mà chỉ biết sử dụng hàng rẻ tiền. Tôi khá vô tư, không giận hờn ai mà cứ sống hồn nhiên như cây cỏ, nhờ vậy mà khán giả cứ khen trẻ hoài là vậy?
Mỗi lúc ngồi trong phòng một mình hay buồn chuyện gì, bà có nghe lại Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn để cho khuây khỏa nỗi lòng không? Trong những ca khúc của Trịnh, bài nào là “tủ” Khánh Ly nhất? Nghe ca sĩ Quang Thành nói, bà rất mê cải lương và thích xem kịch nói của NSND Kim Cương?
Ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn |
Theo tôi, các ca khúc của Trịnh Công Sơn, mỗi bài, mỗi giai đoạn có một cảm xúc khác nhau, nhưng tựu trung lại tất cả đều rất Việt Nam và tuôn nhắc nhở dù ở đâu, đi đâu, làm gì chăng nữa, chúng ta vẫn là người Việt Nam. Đừng bao giờ quên điều đó.
Xin “bật mí” thêm, tôi rất thích nghe nhạc viết về quê hương, bạn có tin không nếu muốn thấy Khánh Ly khóc, chỉ cần mở bài hát Quê hương (nhạc Giáp Văn Thạch, thơ: Đỗ Trung Quân) là tôi sẽ rơi nước mắt ngay...
Xin chân thành cám ơn bà. Kính chúc ca sĩ Khánh Ly sức khỏe và hạnh phúc.
Lê Công Sơn/ Tuổi trẻ & Đời sống