Trong năm 2017, trong khi thế giới bùng phát những xu thế mới từ nhỏ bé như chiếc smartphone đến tàu không gian, việt nam chúng ta cũng không ngừng tiến bộ với nhiều sự kiện nổi bật. Hãy cùng Kul.vn nhìn lại năm qua với 10 sự kiện nổi bật ghi đậm dấu ấn trong làng công nghệ Việt Nam.
1. Cách mạng công nghiệp 4.0Trong những ngày đầu năm 2017, “Cách mạng công nghiệp 4.0” là cụm từ thường xuyên được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bằng cách sử dụng công nghệ số để “thông minh hóa” quy trình sản xuất để nâng cao hiệu năng, CMCN 4.0 được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ, bứt phá trở thành một nước phát triển.
Để tham gia vào xu thế này, vào tháng 1/2017, chúng ta đã ký thỏa thuận hợp tác với Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) để được hỗ trợ qua các giai đoạn phát triển tiếp theo của CMCN 4.0.
Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đem đến những thách thức lớn cho chúng ta, trong đó rõ ràng nhất là việc giá nhân công rẻ sẽ không còn là ưu thế. Việt Nam sẽ cần phải tìm kiếm và phát huy những lợi thế về trí tuệ và nhân tài để có thể tiến xa hơn trong tương lai.
2. Smartphone thương hiệu Việt trở lạiTrong khi các hãng smartphone nước ngoài tiếp tục thống trị với những sản phẩm đỉnh cao, ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn cầu chẳng hạn Note 8, Galaxy S8, S8+ của Samsung, hay iPhone 8, 8+ và iPhone X của Apple, smartphone Việt vẫn bền bỉ phấn đấu.
Bphone 2017.Sau khi HKPhone và Q-mobile dần rút chân, Mobiistar, BKAV, Asanzo vẫn hoạt động tại thị trường Việt Nam. Trong ba cái tên này, BKAV trở lại trong tháng 8/2017 với Bphone 2017 có mức giá dưới 10 triệu đồng, còn Asanzo đưa ra 2 smartphone giá rẻ là S5 (5 triệu) và Z5 (3 triệu) chỉ khoảng 1 tuần sau đó.
Cả ba sản phẩm đều đạt được những con số doanh thu nhất định trên thị trường, dù bị cạnh tranh mạnh mẽ từ các thương hiệu nước ngoài.
Asanzo S5.Trong khi đó, Viettel nhắm đến tầng lớp khách hàng “chịu chi” hơn khi tiết lộ chiếc Viettel Luxury Phone có thiết kế rất giống Vertu và giá dự kiến 1.000 USD. Viettel tập trung vào việc bảo mật với một chip riêng giúp chiếc điện thoại này có thể chống nghe lén, hủy dữ liệu từ xa, chặn cuộc gọi ngoài danh bạ… Đặc biệt, sản phẩm này được công bố là nội địa đến 90%, nhưng đến hiện tại vẫn chưa được đưa ra thị trường.
3. WannaCry lan rộngLà một đại dịch ransomware lan tràn trên toàn cầu, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi WannaCry. Theo các nguồn tin, Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi ransomware này. Trong một thống kê được đưa ra vào tháng 6/2017, Việt Nam có khoảng 1.600 máy tính thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhiễm WannaCry.
Trên thế giới, WannaCry ảnh hưởng đến hoạt động của các bệnh viện, hệ thống điều tiết giao thông, ATM… trong một thời gian dài cho đến khi Marcus Hutchins, một hacker tìm ra “công tắc” ngăn chặn WannaCry lan tràn được tích hợp ngay trong ransomware này. Tuy nhiên, chính Hutchins cũng bị bắt sau đó vì tạo ra một virus khác có tác dụng đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng online.
4. Kỷ niệm 20 năm internet Việt NamNgày 19/11/1997, những giấy phép cung cấp dịch vụ internet đầu tiên được trao cho các công ty Việt Nam, cho chúng ta tiếp cận với những thông tin “nóng hổi” theo một phương thức hoàn toàn mới. Sau 20 năm phát triển, hợn 50 triệu người dân Việt Nam đã được tiếp cận với internet băng thông rộng, tốc độ cao, so với chỉ khoảng 205.000 người dùng internet quay số ban đầu.
Nhân dịp này, Hiệp hội Internet Việt Nam và các nhà báo CNTT đã bình chọn 10 cá nhân có đóng góp xuất sắc, hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển của Internet tại Việt Nam 10 năm qua.
Danh sách bao gồm ông Trương Gia Bình - Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn FPT, ông Nguyễn Trung Chính - Tổng giám đốc tập đoàn CMC, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc tập đoàn Viettel, ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch VNPT, ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch hội Internet Việt Nam, ông Lê Hồng Minh - Tổng giám đốc VNG, ông Nguyễn Tử Quảng - Tổng giám đốc BKAV, ông Lê Nam Thắng - Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, ông Thang Đức Thắng - Tổng biên tập báo VnExpress và ông Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bưu chính Viễn thông.
5. Viettel đồng loạt triển khai 4G trên cả nướcNgày 18/4/2017, mạng 4G đầu tiên được “khai trương” bởi Viettel. Họ nhanh chóng phủ sóng tất cả các tỉnh thành trên cả nước với gần 36.000 trạm thu phát sóng, phục vụ cho 704 quận huyện trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Viettel cho biết chỉ trong vòng 6 tháng, nhà cung cấp này đã xây dựng được hạ tầng 4G lớn hơn cả hệ thống hạ tầng 3G trong suốt 8 năm trước đó, và phủ sóng tới 95% dân số Việt Nam, dù là ở vùng sâu vùng xa, biên giới hay hải đảo.
6. Việt Nam hợp tác cùng Google và FacebookTrong thời buổi internet, thông tin sai, bịa đặt có thể lan tràn rất nhanh chóng và vì thế, việc kiểm soát chúng trở nên rất khó khăn. Để ngăn chặn những thông tin này, Bộ Thông tin và Truyền Thông đã làm việc với Google và Facebook để đạt được những thỏa thuận quan trọng trong việc gỡ bỏ video trên YouTube hay các tài khoản giả mạo, bất hợp pháp trên Facebook.
Đặc biệt, Google cũng chấp nhận việc xóa kênh vi phạm nếu kênh đó đăng tải những video không phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam. Từ đây, Việt Nam nằm trong nhóm những nước được Google đáp ứng yêu cầu cao nhất trên thế giới.
7. Thu hồi 24,3 triệu SIMViệc thu hồi SIM kích hoạt sẵn vốn đã được các nhà mạng thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông từ cuối năm 2016, và đến hết năm 2017, có 24,3 triệu SIM được thu hồi. Năm nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone, Gtel, Vietnamobile đều cam kết sẽ cắt hợp đồng với các đại lý vi phạm việc đăng ký thuê bao và ngăn chặn tin nhắn rác.
Đến thời điểm hiện tại, các nhà mạng đã có hệ thống chặn, lọc tin nhắn rác thông minh, góp phần giảm mạnh số lượng tin nhắn quảng cáo từ các đầu số rác gửi đến máy của khách hàng.
8. Chuyển đổi mã vùng điện thoại cố địnhĐược thực hiện trong hơn nửa năm (11/2 đến 31/8), việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định cho 59 tỉnh thành trên toàn quốc nhằm đảm bảo kho số viễn thông được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đã được hoàn thành. Điều này thường xuyên được các nước khác trên thế giới thực hiện mỗi 10-15 năm.
Thêm vào đó, mã vùng mới đảm bảo tính nhất quán theo đúng thông lệ quốc tế. Trước đây, các mã vùng của chúng ta có thể có 1, 2 hoặc 3 chữ số, và sau khi chuyển đổi, toàn bộ các thuê bao cố định trên toàn quốc đều sẽ có 11 chữ số.
Trong khi đó, các thuê bao di động 11 chữ số sẽ dần được chuyển về 10 chữ số nhằm hạn chế sim rác, tin nhắn rác đang lan tràn trong thời gian qua. Theo số liệu từ Cục Viễn thông, số thuê bao di động hiện chiếm tới 95% và thuê bao cố định chỉ còn 5%. Việc chuyển đổi này cũng giúp chúng ta có được hàng tỉ số di động phục vụ cho phát triển Internet lâu dài.
9. Startup lan rộngXu thế khởi nghiệp tiếp tục phát triển mạnh tại Việt Nam trong năm 2017, với rất nhiều bạn trẻ hăng hái tham gia tạo dựng doanh nghiệp khởi nghiệp của mình.
Nhiều tỉnh, thành và cơ quan trên cả nước đã chủ động thực hiện nhiều động tác hỗ trợ các doanh nghiệp này, chẳng hạn Hà Nội mời chuyên gia từ Israel để xây dựng cổng thông tin StartupCity.vn, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam phối hợp cùng báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp tổ chức cuộc thi Khởi Nghiệp Quốc Gia 2017,…
Trang web startupcity.vn.Chưa hết, chính phủ Việt Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp khỏi nghiệp khi quyết định bỏ Điều 292 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự 2015 liên quan đến tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Quyết định này được đưa ra bởi cộng đồng doanh nhân lo ngại điều luật này sẽ khiến nhiều doanh nhân trẻ quyết định chọn nơi khởi nghiệp ở nước ngoài, gây ra hiện tượng chảy máu chất xám.
10. Dự thảo Luật An ninh mạng gây nhiều tranh cãiĐược chủ trì soạn thảo bởi Bộ công an, dự thảo bộ luật này đã trải qua 14 lần chỉnh sửa. Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá rằng bộ luật còn một số điều bất cập, chồng chéo với Luật An toàn thông tin ban hành trước đó.
Một ví dụ rõ ràng nhất là việc quy định các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam bắt buộc phải đặt máy chủ tại Việt Nam. Điều này được xem là bất khả thi và không thiết thực với đặc thù dịch vụ trên không gian mạng. Từ đó những dịch vụ xuyên biên giới như của Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Yahoo Mail, Uber, Grab, YouTube, Twitter,... đều có nguy cơ phải hoạt động "bất hợp pháp" ở Việt Nam.
Infographic: Chuyện làng công nghệ tuần qua (15/1 - 21/1/2018)