Hẳn nhiều người đã biết, lúc sinh thời, nhà đồng sáng lập, chủ tịch kiêm CEO steve jobs của apple là một cá nhân bướng bỉnh, cương quyết song cũng rất biết lắng nghe và giàu ý tưởng. Tuy nhiên, với tư cách nhà lãnh đạo của một công ty công nghệ vững mạnh và phát triển nhanh chóng không chỉ của riêng nước Mỹ, Steve Jobs cũng giữ cho mình những quan điểm, lập trường, niềm tin và thái độ rõ ràng không gì lay chuyển đối với một số phương diện chuyên môn.
Nhằm giúp Apple duy trì vị thế sáng tạo cũng như đẳng cấp của mình, điều khiến thương hiệu này trở nên độc lập và khác biệt với mặt bằng công nghệ chung, Steve Jobs chỉ lựa chọn và đưa ra các quyết định phù hợp nhất nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng, thay vì chạy theo những nhu cầu, thị hiếu nhất thời.
Dưới đây là 5 điều tối kỵ dưới “triều đại” Steve Jobs, những chi tiết, những ý tưởng đã bị ngài Jobs triệt tiêu hoàn toàn trong hệ thống quản lý và sáng tạo của mình. Điều thú vị là, sau khi ngài Tim Cook nối ngôi, những điều Jobs từng nói “Không”, giờ Cook lại nói “Có”. Không biết như vậy là tin vui hay tin buồn cho Apple.
1. Bút cảm ứng
Có lẽ không tín đồ công nghệ nào có thể quên được bài thuyết trình lịch sử năm 2007, khi CEO Steve Jobs bước lên sân khấu và bắt đầu vén màn bí mật chiếc smartphone mang tính cách mạng: iPhone thế hệ 1. Bên cạnh những thông số kĩ thuật, ngài Jobs dõng dạc đặt ra câu hỏi, và cũng là câu trả lời: “Ai lại cần một chiếc bút cảm ứng?” Sau đó, ông liên tục dè bỉu: “Bạn phải mua nó, rồi tìm cách cất nó, rồi chẳng may bạn làm đánh mất nó. Dở tệ! Không ai cần cái bút cảm ứng làm gì cả. Đừng có mà dùng bút cảm ứng.”
Đó là câu nói mà ai cũng nhớ, nhưng chắc ít ai biết mối “thâm thù” của Steve Jobs dành cho stylus đã có từ trước đó rất lâu. Năm 1997, khi trở về mái nhà xưa Apple, việc đầu tiên Steve Jobs thực hiện là “thanh lý” sản phẩm Newton, một thiết bị na ná tablet ngày nay, sử dụng bút cảm ứng để thực hiện các tác vụ. “Chúa đã cho chúng ta 10 cái bút cảm ứng rồi, cần gì phải đẻ ra cái nữa”, Jobs đã đặt dấu chấm hết cho dự án Newton như thế.
Và rồi, đến ngày 9/9/2015, Tim Cook cùng các cộng sự chính thức cho ra lò sản phẩm iPad Pro mới kích thước 12,9 inch với phụ kiện bán lẻ đi kèm: Apple Pencil.
Liệu nó có chứng minh được rằng ngài Jobs đã có phần khắt khe quá đáng với chiếc bút cảm ứng? Thời gian sẽ trả lời.
2. Tablet cỡ nhỏ
Không chỉ ghét bút cảm ứng, Steve Jobs còn lớn tiếng chê bai những nỗ lực thu nhỏ chiếc máy tính bảng của nhiều công ty công nghệ. Tháng 10/2010, Jobs khẳng định độ lớn 10 inch của iPad là “kích thước nhỏ nhất chấp nhận được cho phép tạo lập những ứng dụng tuyệt vời trên tablet.”
Jobs còn mỉa mai chua cay rằng kể cả chất lượng hình ảnh có sắc nét thế nào thì tablet quá nhỏ vẫn tỏ ra vô dụng, bởi “bạn sẽ cần giấy nhám để mài bớt ¾ kích cỡ ngón tay mình”, tiếp tục nhấn mạnh “luôn có những giới hạn rõ ràng về cự ly các vật thể hiển thị trên màn hình cảm ứng sao cho người dùng có thể chạm hay ấn một cách chuẩn xác, hiệu quả.”
Một năm sau ngày Steve Jobs mất, Apple tung ra iPad Mini 7,9 inch – phiên bản iPad bán chạy nhất của hãng này từ trước tới nay.
Ngài Jobs đã thành kiến quá đà chăng?
3. Điện thoại cỡ to
Bên cạnh nỗi ám ảnh về máy tính bảng kích thước dưới 10 inch, Steve Jobs còn rất sợ những smartphone to vượt khả năng cầm nắm trong lòng bàn tay. Trong sự cố nhiễu băng tần trên iPhone 4 xảy ra năm 2010, khi được các phóng viên hỏi về việc Apple có định phát triển những mẫu smartphone kích thước lớn hơn để tăng độ nhạy anten, Steve Jobs lắc đầu quầy quậy. Ông cho rằng những mẫu điện thoại thông minh như Galaxy S của Samsung là “to khủng bố”, và “bạn không thể cầm nó trong tay mình được, ai lại đi mua cái thứ ấy.”
Song, sự chán ghét của Steve Jobs dành cho phablet (sản phẩm lai giữa smartphone và tablet, chủ yếu nói về kích thước) cũng không ngăn được việc độ lớn iPhone được “cơi nới” qua từng năm, kể cả trong thời gian Jobs còn sống. Tuy nhiên, đột phá về kích thước trên chiếc điện thoại Táo khuyết chính thức được ghi nhận với chiếc iPhone 6 Plus 5,5 inch và khá mỏng ra mắt năm 2014, gây bất ngờ cho bất cứ ai đã quen với các mẫu iPhone gọn gàng, cứng cáp.
4. Thiết kế phần mềm phi-vật-thể
Theo quan điểm của cố chủ tịch, hệ phần mềm của iPhone phải mô phỏng những thực thể trong đời sống con người. Cụ thể, ứng dụng Apple’s Mail có phần nền phản ánh màu sắc cũng như kết cấu của chất liệu vải lanh, trong khi iBookstore thể hiện các giá sách gỗ, và ứng dụng Notes trông khá giống tập giấy ghi chú mà ta vẫn thường dùng.
Một năm sau ngày Jobs mất, Apple sa thải Scott Forstall, chuyên viên phần mềm rất được Jobs ưu ái. Thêm một năm sau đó, Apple chính thức tung ra iOS 7, hệ điều hành di động có thiết kế hoàn toàn không giống những gì ta từng thấy trước đây.
5. Nói không với hoạt động xã hội
Bên cạnh việc loại bỏ dự án Newton như đã nói ở trên, ngày trở về của ngài Jobs vào năm 1997 cũng đồng nghĩa với sự chấm dứt của các chương trình thiện nguyện cấp doanh nghiệp. Lý giải cho động thái cắt giảm việc “cho đi”, vị CEO khẳng định ông chỉ muốn củng cố lại hiệu quả lợi nhuận của Apple, song sau khi công ty thu về lợi nhuận lớn, Jobs cũng chẳng hề cho chạy lại các hoạt động CSR.
Khi Tim Cook lên nắm quyền CEO vào năm 2011, một trong những việc đầu tiên ông làm là khởi động lại chương trình quyên góp. Bản thân Cook cũng là một nhà hoạt động vì công bằng xã hội rất nhiệt thành và tâm huyết.
Riêng về điểm này, Tim Cook đã đúng, và ngài Jobs đã sai.