Được xem là hai công ty công nghệ lớn nhất thế giới hiện nay với danh mục sản phẩm cũng như phân khúc thị trường không hoàn toàn trùng lặp, song Táo khuyết và Robot android vẫn "đối nhau chan chát" trên nhiều địa hạt kinh doanh, điển hình là việc tranh giành thị phần smartphones với hai hệ điều hành đáng chú ý nhất hiện nay là ios và Android.
Thế nhưng, sau hai sự kiện I/O và WWDC vừa qua, giới chuyên môn nhận thấy có điều gì đó đã đổi thay trong cuộc chiến giữa hai ông lớn làng công nghệ. Trong khi mục tiêu của google là nhanh chóng thúc đẩy số lượng người dùng các dịch vụ của mình, thậm chí bằng cách đưa ra các giải pháp hỗ trợ nhóm người dùng sử dụng iPhone (sắp cán mốc 500 triệu người); thì Apple lại miệt mài trau chuốt công nghệ của mình, tăng tính cá nhân hóa cho từng sản phẩm và giảm phụ thuộc tối đa vào các dịch vụ mà Google cung cấp.
|
Như vậy, hai đối thủ đã chuyển từ cạnh tranh trên trận tiền di động sang đấu trường dành cho các hệ điều hành và bên thắng cuộc sẽ là người đem đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Cùng điểm lại một vài giai đoạn trong cuộc chiến dai dẳng giữa Apple và Google trong nhiều năm qua.
Giai đoạn giằng co doanh số (2009-2011)
Khi chiếc điện thoại thông minh đầu tiên ra đời, mục tiêu đơn giản chỉ là bán được càng nhiều máy càng tốt. Cuộc chiến giữa các hệ điều hành thuần túy là cuộc chiến doanh số, và có một khoảng thời gian, Google liên tục cập nhật thông tin về số điện thoại Android xuất kho mỗi ngày với niềm tự hào không che dấu. Điều này đương nhiên làm Steve Jobs khó chịu: "Tuần trước, Eric Schmidt [CEO của Google] cứ nhai đi nhai lại việc hãng của ông ta bán được 200.000 điện thoại Android mỗi ngày và có 90.000 ứng dụng trên kho. Còn chúng ta thì kém cạnh hay sao, tháng rồi trung bình một ngày bán được 275.000 máy, có những hôm còn bán tới 300.000, số ứng dụng trên App Store cũng ngang ngửa số điện thoại bán được…" – Steve tức tối nói với một nhà phân tích. Nhưng cũng sau chuyện này, mà cố chủ tịch của Apple nhận ra rằng cách hiệu quả và bền vững nhất để đấu với Google là phát triển hiệu suất ứng dụng chứ không phải hiệu suất bán máy.
|
Cuộc chiến khốc liệt không chỉ trên thương trường và mặt báo, mà còn đốt nóng bầu không khí trong các phiên xử kiện. Apple đã đâm đơn cáo buộc nhiều công ty phần cứng vi phạm bằng sáng chế của mình, sử dụng Android như là vũ khí để tấn công thương hiệu Táo khuyết. Ở thời điểm đó, mục đích kiện tụng của Apple không vì lợi ích tài chính, mà chính là để cầm chân đối thủ trên thương trường, nhất là khi cuộc chiến công nghệ mới ở giai đoạn mở màn và Apple không thể để mình mất đi ưu thế.
Samsung nhập cuộc (2012-2013)
Sự có mặt của "anh chàng châu Á" đã làm cho cuộc đấu trong làng công nghệ trở nên vô cùng hấp dẫn. Điện thoại thông minh của Samsung chạy trên nền tảng Android đã tấn công iPhone ngay ở yếu điểm của nó: đó là màn hình nhỏ hẹp. Những mẫu điện thoại Samsung màn hình lớn thâm nhập đa dạng các phân khúc thị trường, với mạng lưới phân phối khổng lồ và độ phủ sóng rộng khắp hệ sinh thái Android, khiến Apple "giật mình" và có phần bị động.
|
Cuộc đối đầu giữa iOS và Adroid trong giai đoạn này chính là cuộc đối đầu giữa iPhone của Apple và kẻ "ngoại lai" Samsung. Bằng chứng cho thấy Apple không hề xem thường đối thủ mới đến từ Hàn Quốc, thể hiện qua việc giám đốc Marketing của Apple là Phil Schiller đã lên tiếng "đá xoáy" Android ngay trước ngày Samsung "trình diễn" chiếc Galaxy Note 4 tại New York: "Điện thoại Android chỉ là phiên bản cao cấp hơn chút xíu của dòng điện thoại phổ thông. Mua một thiết bị chạy Android, bạn phải ký tận 9 cái hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ để có được trải nghiệm tương đương với duy nhất chiếc điện thoại iPhone."
Tuy nhiên, cần chú ý là "gã nhà giàu" Apple chỉ coi Samsung như tay choai choai mới nổi mình cần nhanh chóng "xử lý", chứ không phải một đối thủ thực sự xứng tầm. Google mới chính là "kỳ phùng địch thủ" của Apple, bởi bản chất cuộc chiến vẫn chỉ xoay quanh hai hệ điều hành Android và iOS và nếu không chạy trên nền tảng Android, Samsung "còn mơ" mới được đấu với Táo khuyết.
Và cuộc chiến mới bắt đầu
Hiện Apple đang sở hữu thị phần khủng, với lượng người dùng iPhone chuẩn bị cán mốc 500 triệu trên nhiều địa bàn trọng yếu, bao gồm Hoa Kỳ và Trung Quốc (chiếm lĩnh 40% mỗi thị trường). Với độ phủ rộng lớn, nền tảng iOS giờ đã trở thành mảnh đất màu mỡ để các nhà phát triển và các bên thứ ba chuyên cung cấp dịch vụ "cày cuốc", bao gồm Facebook, Twiter và cả đối thủ Google.
|
Có thể thấy rõ thông điệp của Google trong sự kiện I/O năm nay: Google cần iOS và nền tảng 475 triệu người dùng iPhone để duy trì vị thế trên thương trường. Tại sao phải đấu với nhau, khi có thể dựa vào nhau để tồn tại và phát triển – ít nhất đó là suy nghĩ của Google. Trong khi người dùng Android ngao ngán cho rằng Google đang có một chiến lược sai lầm, thì thực tế là cuộc chiến giữa hai hệ điều hành di động lớn nhất hiện nay đã chuyển từ "điện thoại thông minh" sang "ứng dụng trên điện thoại thông minh" và xét trên trận tiền mới, Google đang có ưu thế nhất định. Google dường như muốn nói: "Không quan trọng anh chọn smartphone nào, nhiều khả năng anh vẫn tìm đến các dịch vụ của chúng tôi: email, bản đồ, bộ công cụ tìm kiếm, dịch thuật, mạng xã hội chia sẻ, ứng dụng lưu trữ, vân vân và vân vân."
Và như thế, quyền năng không còn nằm ở bản thân chiếc điện thoại, mà là những ứng dụng và dịch vụ mà nó tích hợp. Thay vì đối đầu gay gắt với Apple, Google học cách chung sống hòa bình và âm thầm gây ảnh hưởng.
Chiến lược đối phó của Apple ra sao
Apple có vẻ đã ý thức được chiến lược xoay chiều của đối thủ, bằng chứng là hãng đang rất tập trung cải thiện các tính năng giúp khách hàng của mình giảm phụ thuộc vào các dịch vụ Google cung cấp. iOS 9 ra mắt trong WWDC 2015 được nhắc đến như là một phiên bản ổn định hơn, thúc đẩy các tính năng cơ bản như Maps, Spotlight search và cải thiện Note, trình trợ lý ảo Siri, iCloud Drive.
|
Apple cũng tìm cách "chơi" lại Google trên những mảng sản phẩm mới. Ngày trước, nếu như người ta cứ so sánh điện thoại Android với điện thoại iPhone, thì giờ, họ lại có dịp cân đong đo đếm giữa Apple Watch và Android Wear, Apple Pay và Android Pay. Nhanh tay ký kết các thỏa thuận với 2400 ngân hàng và gần 1 triệu đơn vị bán lẻ để thúc đẩy thanh toán trên Apple Pay, đồng thời nâng cấp tính năng cho chiếc đồng hồ thông minh đang có doanh số tốt …thực tế cho thấy Apple vẫn cực kỳ tự tin trong mọi tình huống chiến đấu mới.
Lời kết
Nói tóm lại, chiến lược của Apple là nằm ở điểm giao thoa của công nghệ và nghệ thuật, còn chiến lược của Google mới chỉ nằm ở điểm giao thoa của công nghệ và khoa học máy tính. Điều này một lần nữa khẳng định Google cần Apple song cũng khó có thể gây ảnh hưởng đến Apple như nhiều người vẫn lo lắng.
Một khi Apple biết cách củng cố quyền lực trên những sân chơi mới, đồng thời tìm cách giảm thiểu sự lệ thuộc của người dùng iOS vào các dịch vụ Google và trung thành với tôn chỉ "gia tăng giá trị và chất lượng trải nghiệm cho người dùng", Apple sẽ chẳng cần phải lăn tăn về vị trí số 1 của mình.