Trong vài ngày qua, hơn 45.000 máy tính bị lây nhiễm virus Wannacry này tại hơn 100 quốc gia đã được ghi nhận. Trong đó, theo hãng bảo mật Kaspersky, Nga hiện là nước chịu thiệt hại nặng nhất, sau đó đến Ukraine, Ấn Độ và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Trong khi các cơ quan chức năng đang rối bời trước cuộc tấn công mạng quy mô lớn và nghiêm trọng này, một giải pháp tạm thời nhưng vô cùng hiệu quả lại được đưa ra từ chàng trai trẻ 22 tuổi đến từ Anh, Marcus Hutchins.
Marcus, chàng trai đã xuất sắc ngăn chặn virus Wannacry xuất phát từ một sự tình cờ.Marcus phát hiện ra một khi máy tính bị nhiễm Wannacry, nó sẽ bắt đầu ăn trộm thông tin dữ liệu để tống tiền người dùng qua một tên miền chưa được đăng ký và không thể truy cập. Nếu tên miền này được truy cập, Wannacry sẽ tự hủy. Đây được xem như một công tắc an toàn của tác giả virus này.
Và Marcus đã tận dụng điều này để tạo ra một lỗ hổng, giải cứu thành công hơn 10.000 máy tính bị nhiễm. Sau khi danh tính được hé lộ, anh đã nhận được rất nhiều lời mời của các công ty mạng danh tiếng. Hóa ra cuộc sống thường ngày của vị anh hùng sinh năm 1995 này cũng bình thường như bao người.
Sinh ra tại Reading, một thị trấn khá lớn tại Anh, Marcus không hề theo học bất kỳ trường đại học nào về an ninh mạng hay những thứ liên quan. Tất cả những kiến thức anh có được đều là tự học. "Có thể nhiều người cho rằng tôi lập dị nhưng thật sự đại học không cho tôi quá nhiều thứ", Marcus chia sẻ.
Một góc phòng đúng chất nhân viên mạng của Marcus, (Ảnh: Twitter) Chiếc kệ đầy đủ "đồ chơi" của Marcus.Vốn có niềm say mê với lĩnh vực này, Marcus đã nhanh chóng tiếp thu rất nhiều kiến thức. Anh bắt đầu lập một tài khoản trên Twitter để chia sẻ và trao đổi về các vấn đề mạng. Dần dần Marcus nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng.
Và kết quả, trong khi các bạn đồng trang lứa vẫn đang mài đũng quần ở các trường đại học, Marcus đã được mời đến làm việc tại một công ty an ninh mạng ở Los Angeles, Mỹ. Mặc dù vậy, anh vẫn sống tại Anh.
Như các thanh niên nghiện máy tính khác, món ăn thường ngày của Marcus chính là pizza. Do không có nhiều thời gian ra ngoài, suốt ngày dán mắt vào màn hình, gọi bánh pizza rõ ràng chính là phương an tối ưu. Và Marcus cũng là fan cuồng của món ăn này.
"Một bữa ăn dinh dưỡng", Marcus viết trên Twitter của mình. (Ảnh: Twitter)Pokemon chính là niềm đam mê thứ 2 của anh chàng an ninh mạng này. Anh chia sẻ mình đã cày hết toàn bộ các series của loạt phim này. Người hùng "cứu thế giới" thích Pikachu thì có gì sai?
Mặc dù suốt ngày chỉ quanh quẩn với máy tính, không có nghĩa anh hoàn toàn là một gã tự kỉ. Marcus vẫn thường có những buổi tụ tập quẩy thâu đêm cùng bạn bè. Những người bạn này cũng đang là người hỗ trợ anh trong việc tìm ra hướng giải quyết virus Wannacry mấy ngày qua.
Hội anh em vào sinh ra tử của Marcus. Họ cũng chính là những người đang hỗ trợ Marcus trong việc chống lại đợt tấn công kế tiếp của Wannacry. (Ảnh: Twitter)Đôi khi thì ngồi ru rú trong nhà hoài cũng không tốt cho sức khỏe. Dù ít ra đường nhưng Marcus vẫn cố gắng sắp xếp thời gian làm việc để có thể đi du lịch, thậm chí là đi phượt. Hình ảnh một "con nghiện" máy tính đi về vùng hoang dã, tạm xa rời công nghệ nghe có vẻ thật điên rồ nhỉ?
Tiếp xúc với Marcus trong cuộc tấn công của virus Wannacry vừa qua, Andrew Mabbitt, người đồng sáng lập công ty điện tử Fidus, nhận xét về người hùng này: "Anh ấy biến niềm đam mê của mình thành sự nghiệp mà không cần học đại học, đó chính là ước mơ của biết bao nhiêu người. Marcus là một trong những người thông minh và tài năng nhất mà tôi từng gặp".
Hiện tại, Marcus đang phối hợp với trung tâm an ninh mạng quốc gia của chính phủ để ngăn chặn Wannacry xâm nhập vào nhiều hệ thống máy tính. Anh cho biết, có vẻ như chủ nhân của Wannacry sẽ không chịu thua dễ dàng như vậy.
WannaCry (hay còn gọi là WanaCrypt0r) là một loại mã độc chuyên dùng để tống tiền (ransomware). Một khi lây nhiễm vào máy của nạn nhân (victim), mã độc sẽ mã hóa toàn bộ dữ liệu theo một thuật toán riêng không ai biết. Nạn nhân chỉ có một cách duy nhất để cứu vãn tình hình là... gửi tiền cho chủ nhân của những đoạn mã này để nhận được công cụ giải mã.
Ngoài ra, chúng còn có thể chiếm quyền truy cập tài khoản mạng xã hội của nạn nhân hoặc các chương trình chat (Skype, Yahoo..) để liên tục gửi những đoạn nội dung "có vẻ như là chính chủ" tới bạn bè họ, dụ dỗ nhấn đường link lạ. Cứ như vậy, chúng lây lan theo cấp số nhân, rất khó kiểm soát.
Khi đã bị nhiễm, chúng sẽ yêu cầu nạn nhân gửi tiền vào một số tài khoản online (PayPal, BitCoin...) để nhận được công cụ giải mã. Giá cũng rất dao động, nhưng thường là từ vài trăm tới vài nghìn, thậm chí vài chục nghìn USD. Đối với các doanh nghiệp lớn, đây được xem như là "thảm họa".