Một chiếc máy ảnh đời đầu hiệu Leica trở thành chiếc máy ảnh đắt nhất khi được trả tới 56 tỷ đồng trong một cuộc đấu giá tại Áo mới đây. Các đời máy ảnh cổ của Leica cũng luôn được các nhà sưu tập săn lùng trên khắp thế giới.
Do vậy, mỗi khi có một chiếc máy ảnh hiếm được đấu giá, nó luôn được trả giá rất cao hơn dự kiến. Để trả lời câu hỏi: Điều gì khiến Leica trở nên đắt giá như vậy? Chúng ta nên tiếp tục hành trình khám phá những yếu tố làm nên sự đắt giá của chiếc máy ảnh mang tên Leica.
Có thể cùng thông số nhưng dường như Leica là những cái tên như Rolls-Royce, Bentley trong các thương hiệu xe hơi.
Tất nhiên, sự khác biệt của Leica được tạo ra từ độ bền, chuẩn xác, kỹ thuật và sự tinh tế. Mỗi chiếc máy ảnh luôn được chế tạo thủ công, máy móc chỉ đóng vai trò phụ trợ trong các tác vụ như kiểm tra chất lượng ống kính hay thân máy ảnh.
Có lẽ vì vậy mà dù cùng thông số nhưng ống kính Leica thường có giá từ 5.000 USD trở lên. Tất nhiên, tiền nào của nấy, để sản xuất một ống kính Leica, trung bình thời gian hạ nhiệt (giai đoạn quyết định đến độ bền và độ trong của ống kính) chiếm khoảng từ 2 năm trở lên, thậm chí là cả 10 năm.
Để so sánh, ống kính của các hãng khác chỉ có thời gian hạ nhiệt lâu nhất là khoảng 1 năm. Hình ảnh khi ngắm qua ống quang học của Leica không sai khác lớn hơn 1/10.000mm so với ảnh chụp qua ống kính và có độ bền lên tới hàng trăm năm.
Vì thế, hình ảnh được chụp bằng ống kính Leica luôn nổi bật với chất lượng tái tạo hình ảnh như độ tương phản, độ phân giải cao để đảm bảo nó luôn là công cụ hoàn hảo cho những nhà nhiếp ảnh theo đuổi triết lý sáng tác "cái nhìn của chính mình".
Ảnh chụp từ máy Leica, chưa rõ tác giả
ảnh chụp của một nhiếp ảnh gia VN
Leica không theo chân các nhà sản xuất phổ thông khác trong việc tự động hóa để giảm thiểu thời gian sản xuất. Leica nuôi niềm tự hào huyền thoại của mình bằng sự "bảo thủ" cứng nhắc trong hàng trăm năm qua. Leica chứa đựng tất cả sự tinh tế, chính xác và tính bảo thủ của người Đức.
Có lẽ không sai khi nói rằng huyền thoại Steve Jobs bị ảnh hưởng nhiều bởi các nhà thiết kế Đức trong các mẫu máy của Apple, từ Mac đến iPhone sau này. Khi cho ra mắt dòng iPhone đầu tiên, Steve Jobs từng mô tả sản phẩm của mình một cách đầy ẩn ý: "Đây là sản phẩm đẹp nhất của chúng tôi từng có. Nó đẹp như một chiếc máy ảnh Leica cổ".
Lời bình luận này của người theo triết lý "toàn mỹ" như Steve Jobs cũng nói lên tất cả về giá trị của Leica. Chiếc máy ảnh Leica không đơn thuần mang giá trị sử dụng, mà nó là hiện thân của một vật dụng mang giá trị tinh thần.
Năm 1925, chiếc máy ảnh được sản xuất thương mại đầu tiên mang tên Ur-Leica (Original Leica) mới được công bố tại hội chợ Leipzip. Chiếc máy ảnh Leica M3 sản xuất năm 1954 được CNN bình chọn vào năm 2006 là thiết bị xuất sắc nhất qua mọi thời đại.
Đến năm 2009, với sự ra đời của M9, Leica đặt một mốc mới trong thời đại ảnh số với máy ảnh rangefinder đầu tiên trên thế giới có cảm biến full frame 24 x 36mm. Hòa mình trong thời đại kỹ thuật số, Leica vẫn giữ nguyên giá trị của mình là một thương hiệu "xa xỉ" trong ngành công nghiệp ảnh.
Nếu có sự "làm mới" thì chỉ là cách thức marketing hiện đại. Nhiều sản phẩm của Leica tinh tế và sang trọng với những phiên bản đặc biệt kết hợp cùng những thương hiệu thời trang danh tiếng.
Chẳng hạn Leica M3 Louis Vuitton và Leica M7 Hermès đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng. Hay mới đây là mẫu Leica M9 Titanium - tuyệt tác được thiết kế bởi Walter de’Silva, trưởng bộ phận thiết kế ô tô nổi tiếng với các mẫu xe thể thao Audi của tập đoàn Volkswagen, với số lượng giới hạn 500 chiếc trên toàn thế giới.
Thậm chí, Phó chủ tịch và cũng được xem là "huyền thoại thiết kế" của Apple Jonathan Ive cũng từng thiết kế một phiên bản đặc biệt của chiếc máy ảnh Leica M, với số lượng hạn chế một chiếc duy nhất được sản xuất.
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Có thể bạn quan tâm: