Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra, mạng xã hội khiến công dân hiện đại cô đơn như thế nào. Không chỉ là khoảng cách về giao tiếp, đó còn là sự trống trải trong tâm hồn. Sự cô đơn này không còn ở phạm vi cá nhân mà lan truyền trong cộng đồng, thậm chí lây lan qua nhiều thế hệ, thay đổi cả cấu trúc xã hội, tạo nên hẳn một thiên niên kỷ cô đơn . Vậy hình hài thật sự của nỗi cô đơn này ra sao? Mạng xã hội khiến chúng ta cô đơn hay đơn giản chỉ làm trầm trọng hơn những cảm xúc có sẵn?
Bạn tỉnh dậy vào buổi sáng, có 500 email hay 100 tin nhắn, và bạn nói “làm sao tôi có thời gian làm gì khác ngoài việc hồi đáp”. Sau đó, bạn lên trang cá nhân và than thở về việc có quá nhiều việc cần phải làm, đó là cách bắt đầu một ngày mới. Bạn trao đổi công việc qua tin nhắn, những cuộc gặp kéo dài dần dần khiến bạn chán nản. Bạn lười nhác trong việc phải tỏ ra hào hứng bên ngoài, nhưng nếu cuộc họp diễn ra trong không gian mạng sẽ dễ dàng hơn cho bạn rất nhiều. Tuy đang nhăn nhó vì công việc khó, bạn vẫn có thể gõ ra những dòng: “Tôi đã rất sẵn sàng cho nhiệm vụ, không thể chờ đợi hơn nữa!” Đấy là cách bạn giữ những mối liên hệ xã hội của mình.
Bạn sẽ thật vui nếu một người bạn cũ đã lâu không liên lạc bình luận trên bức ảnh vừa đăng, nhưng nếu là một cuộc gặp gỡ bên ngoài để thăm hỏi, trò chuyện, chắc chắn sẽ nảy sinh những cảm giác khó xử. Chúng ta ngày càng cô đơn hơn, không phải vì cuộc sống này lạnh lùng hơn, mà bởi vì chúng ta đang dần thấy yên ổn khi chơi với một cái máy hơn là với một con người. Họ tìm thấy những giao tiếp qua mạng xã hội an toàn hơn so với khi phải gặp gỡ, ứng xử như cách từ xa xưa con người vẫn hay làm.
Bạn không cảm thấy cô độc trên mạng xã hội, nhưng cũng chẳng cảm thấy mình được kết nối. Những cái nhấp chuột vô thưởng vô phạt, bạn liên hệ với bạn bè thông qua vài status họ chọn lựa đăng lên. Vào một ngày, bạn thật sự buồn chán, bạn chia sẻ điều ấy, những người đi qua thả một biểu tượng cảm xúc buồn, vài người khác vào an ủi đôi ba dòng. Bạn hài lòng khi biết có người quan tâm đến mình nhưng tâm trạng vẫn nặng nề không khá lên nổi, đó là lúc bạn cô đơn ngay cả khi được kết nối nhiều nhất.
Từ xa xưa, con người giao tiếp bằng ánh mắt, bằng từng lần chạm tay hay ôm an ủi. Giờ đây họ nhìn con chữ, tay chọn biểu tượng cảm xúc, lòng trống rỗng không vui. Nhưng rồi thay vì gặp gỡ, họ bận trả lời những bình luận trên status vừa đăng mất rồi. Chắc hẳn ai cũng phải công nhận sự thay đổi trong hành vi lối sống từ khi mạng xã hội xuất hiện trong đời họ.
Sự bùng phát song song của mạng xã hội và nỗi cô đơn khiến ta phải đối mặt câu hỏi lớn: Việc không ngừng sử dụng truyền thông xã hội dẫn đến cô lập ngoài đời thực hay sự lo âu, trầm cảm trong đời sống hàng ngày khiến con người tìm đến "thế giới ảo”? Mạng xã hội khiến chúng ta cô đơn hay đơn giản chỉ làm trầm trọng hơn những cảm xúc có sẵn?
Bạn có thể làm chủ mối quan hệ theo cách bạn muốn, đó là cách mà mạng xã hội thỏa mãn được người dùng. Bạn sẽ được chọn lựa tương tác với ai, như thế nào, kiểm soát tuyệt đối tình hình.
Người ta được phép chọn lựa hình ảnh đẹp nhất, lung linh nhất hoặc có thời gian để suy nghĩ ra một câu trả lời phù hợp trước khi hồi đáp dòng tin nhắn.Không còn phải sợ hãi những sai lầm khi giao tiếp, dần chúng ta có phần ưu ái mạng xã hội nhiều hơn.
Nói cách khác mạng xã hội lại mang đến một con người mới trong chính bạn, nhưng ở con người ấy chỉ có sự che giấu cảm xúc, chứ không hề có sự biểu đạt của giao tiếp. Chỉ những thứ cần muốn phô diễn được đăng tải thông qua hình ảnh, ngôn ngữ ký hiệu, trong khi cảm xúc thực tại lại được che đậy trong chính bản thân mình. Sự cô đơn gặm nhấm trong chính tư duy và hành động.
Có 2 luồng ý kiến trái chiều về việc sử dụng mạng xã hội: Một cho rằng nó khiến giới trẻ cảm thấy tự ti, ganh tị và một tin là mạng xã hội thúc đẩy niềm tin. Liệu thật sự vì mạng xã hội mà con người ta cô đơn hơn hay chăng? Liệu mạng xã hội có thể thay thế hoàn toàn, trở thành cách thức giao tiếp mới trong thời đại 4.0. Hãy thử tưởng tượng một thế giới chẳng cần phải mở miệng, chỉ có những biểu tượng cảm xúc, những bình luận được soạn sẵn, và nỗi cô đơn cũng sẽ dễ dàng bị che dấu bởi những icon cười tươi rói kia.
Dĩ nhiên, mọi hành đồng đều có tính chất hai mặt, cuộc sống hiện đại không thể thiếu vắng các ứng dụng công nghệ. Nhưng điểm dừng ở đâu để cuộc sống không lệ thuộc vào một thế giới ảo thì thật khó xác định. Bạn nghĩ rằng mình đủ khả năng kiểm soát được bản thân trong việc tiếp xúc và hoạt động thông qua mạng xã hội, nhưng trong quá trình ấy đôi khi con người tự cho mình lý do để đắm chìm, để xa rời đời sống thực tế.
Nhiều người vẫn tự khẳng định, tôi không phải con nghiện mạng xã hội, nhưng lại chẳng thể ngăn được mình sử dụng chúng liên tục với mức độ rất thường xuyên. Tò mò phát điên tới mức cho dù đang có con nhỏ ngồi trong ô tô, và dù biết rõ là không được phép vừa lái xe vừa dùng điện thoại, nhưng người ta vẫn cứ tìm cách xoay xở để biết ai nhắn tin trong khi đang cầm vô lăng với tốc độ 100 km/h.
Đơn giản là vì tuy không thừa nhận, nhưng chính con người đã bị Internet kiểm soát hành vi. Không phải một người nghiện mạng xã hội, nhưng mọi lời nói và hành động đều được diễn đạt thông qua mạng xã hội. Bởi con người ngày càng ngại tương tác, các mối quan hệ xã hội bên ngoài đời thực dần thu hẹp và đôi khi không quan trọng trọng bằng một cuộc trò chuyện trên mạng.
Theo số liệu được công bố bởi Văn phòng Thống kê Quốc gia tiết lộ rằng 2,4 triệu người lớn cư dân Anh - ở mọi lứa tuổi - bị cô đơn mãn tính. Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Y học tâm lý phát hiện ra rằng sự cô đơn này có thể gây ảnh hưởng kéo dài đến nhiều thế hệ, hình thành nên một thiên niên kỷ cô đơn.
Đây là cách mà Tiến sĩ Nicholas Christakis nói với tờ New York Times trong một bài viết năm 2009, ông cho biết rằng một người cô đơn có thể “làm toàn bộ mạng lưới xã hội trở nên bất ổn”, như một sợi len nhỏ có thể làm bung cả chiếc áo len: “Khi cô đơn, bạn sẽ lan truyền nỗi cô đơn sang người khác, và rồi bạn cắt đứt kết nối với họ hoặc bị người kia cắt đứt ngay sau đó. Nhưng vấn đề là, người đó bây giờ đã bị nhiễm nỗi cô đơn của bạn, và họ hành động theo cùng cách bạn đã làm. Một dòng thác cô đơn đổ ập xuống, và thế là mạng lưới xã hội bắt đầu tan rã”.
Khi một người sống trong sự cô đơn, họ sản sinh ra một nguồn năng lượng ảnh hưởng đến những người xung quanh mình. Trong một nhóm bạn đi cùng nhau, có một người chỉ tập trung vào chiếc điện thoại để trò chuyện với các mối quan hệ ảo, hoặc đôi khi để tương tác với chính những người bạn đang đi cùng. Đều này lâu dần đẫn đến nhóm bạn thay vì trò chuyện cùng nhau nay chuyển sang tương tác thông qua những con chữ. Và thậm chí, họ chẳng cần gặp nhau nữa.
Sau bữa tối, một bà mẹ trong khi đọc truyện Harry Potter cho con nghe, rút chiếc smartphone đặt trên bàn cạnh giường để phòng trường hợp có cuộc gọi quan trọng. Đứa trẻ sẽ cảm thấy việc tận hưởng thời gian mà cha mẹ dành riêng cho mình là không thực sự quan trọng. Cứ thế, chưa cần phải thực sự tiếp xúc với công nghệ thì trong tâm thức của nó đã bị lây lan sự cô đơn mất rồi.
Con trẻ thừa hưởng sự giáo dục của bố mẹ và là một bản sao phi chính thức từ người lớn, thế nên khi bạn tương tác với trẻ như thế nào đó sẽ là cách một thế hệ mới ứng xử với xã hội. Ngày xưa để dỗ con cái ăn, cha mẹ thường chọn cách chơi đùa cùng chúng, trò chuyện để hiểu con cái nhiều hơn. Thế nhưng ngày nay, các bậc phụ huynh chọn cách cho con mình cầm tay các thiết bị công nghệ, để chúng ngoan hơn, công nghệ tạo nên một thế hệ cô đơn như thế.
Cô đơn không chỉ còn là cảm giác, chúng đã trở thành một “đại dịch” với những công dân hiện đại. Họ không tìm được sự sẻ chia, đồng cảm đúng đắn, dần dần mất kết nối với xã hội và đôi khi tạo ra những hậu quả nặng nề. Không ít người rơi vào trầm cảm, họ một lần nữa, tìm cách giấu đi. Họ phô bày những mặt tốt đẹp lên mạng xã hội, trước cộng đồng, nhưng lại không tìm thấy lối ra cho những điều khó giải tỏa sâu thẳm bên trong.
Đại dịch cô đơn thật sự nguy hiểm hơn những gì con người biết được về nó. Nỗi đau thể xác có thể dễ dàng nhận thấy và điều trị, nhưng sự tổn thương tinh thần do cô đơn mang lại không phải ai cũng dễ dàng dám thừa nhận và phô diễn trước mặt người khác. Hiếm khi một người cô đơn nào sẵn sàng chia sẻ với mọi người xung quanh về sự cô đơn của họ. Dần dần, chúng hình thành thói quen đầy cô độc.
Không ít lần những người cô đơn tìm đến các hành động tiêu cực, nhưng thay vì nói với những người thân xung quanh mình về điều đó, họ chọn cách chia sẻ trên mạng xã hội. Vì sao ư? Vì đó là thói quen trong những chuỗi ngày cô đơn do lạm dụng và đắm chìm trong thế giới ảo. Một dòng tin nhắn trước khi “ra đi” trên trang cá nhân, đôi khi còn quan trọng hơn lời từ biệt ngoài đời.
Ngày nay, con người phát triển trưởng thành bên cạnh Internet, và họ nghĩ rằng có Internet đã đủ trưởng thành. Nhưng đã tới lúc phải nói: “Không! Internet chưa đủ trưởng thành – Internet chỉ mới bắt đầu, và đây là trách nhiệm của chúng ta”. Chúng ta càng cho rằng nó vẫn còn sơ khai, thì lại càng hay, vì như thế chúng ta sẽ sẵn sàng để biến đổi nó theo cách tốt hơn cho mình.