Tiếng “rốp rốp” vô cùng thỏa mãn mà bạn thường nghe khi bẻ khớp ngón tay nay đã được giải thích nhờ hai nhà nghiên cứu Vineeth Chandran Suja và Abdul Barakat. Điều đặc biệt là họ đã làm được điều này bằng ba phương trình toán học chứ không phải bằng các dụng cụ y khoa.
Nguồn gốc của những tiếng động này đã được khoa học xem xét từ lâu, nhưng đáp án không được chấp thuận rộng rãi. Hồi năm 1971, một nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Leeds đã đưa ra giả thuyết rằng khi bẻ khớp, áp suất thấp trong lớp dịch nhầy tạo thành các bong bóng, và chúng lập tức vỡ ra tạo nên âm thanh này. Tuy nhiên, nghiên cứu sâu hơn được thực hiện sau đó cho thấy rằng những bong bóng này vẫn tồn tại sau khi đã bẻ khớp khoảng 20 phút, và vì thế giả thuyết đó không được công nhận.
Trong nghiên cứu mới của Suja và Barakat được xuất bản trên Scientific Reports, họ đã giải thích rằng các phương trình toán học mình sử dụng hoạt động như thế nào. Một phương trình sẽ mô tả sự thay đổi áp suất bên trong khớp, phương trình thứ hai mô tả sự khác biệt về kích thước của các bong bóng tùy vào áp lực, và phương trình thứ ba đưa ra mối liên quan giữa kích cỡ bong bóng với âm thanh.
Và kết quả là gì? Theo Suja và Barakat, quả thật các bong bóng là nguồn gốc của tiếng động, nhưng chúng không cần phải vỡ ra hoàn toàn để tạo ra tiếng động. Họ chỉ ra rằng áp suất tạo ra khi các bong bóng này vỡ một phần tạo ra sóng âm thanh có thể được tính toán bằng mô hình toán học của mình. Mô hình này giải thích được cả tần số lẫn cường độ của âm thanh, và cũng giải thích được tại sao các bong bóng vẫn tồn tại sau khi bạn đã bẻ khớp.
Tuy nhiên, một số câu hỏi khác vẫn còn tồn tại: thói quen bẻ khớp này có hại hay không? Liệu nó có phải là một điều mà chúng ta có thể học được tựa như huýt sáo, hay một số khớp làm được, còn những khớp khác thì không?
Trong thời gian chờ đợi khoa học tiếp tục tìm đáp án cho những câu hỏi trên, chúng ta hãy cứ khoái trá bẻ khớp. Thật ra, tác giả sẽ bẻ khớp ngón tay của mình để thư giãn sau khi hoàn tất bài viết này.