Ngày 9/5/2014, thống kê không chính thức của trang Security Daily là đã có hàng chục website của các tổ chức, doanh nghiệp Trung Quốc bị tấn công DDoS bởi các hacker tự nhận đến từ Việt Nam. Ngay sau đó, cũng trên Security Daily, tác giả Hoàng Cường, hiện đang làm việc tại Trung tâm CNTT thuộc Học viện Kỹ thuật quân sự đã có bài viết nêu đích danh 102 website Việt Nam bị hacker Trung Quốc tấn công chỉ vài ngày trước thời điểm công bố là 10/5/2014.
Còn theo thống kê của Công ty an ninh mạng Bkav thì từ ngày 8/5/2014 đã có khoảng 220 website của Việt Nam bị hacker Trung Quốc tấn công deface (hacker đột nhập đc vào website và để lại trang cho thấy dấu hiệu đã bị hack), ngoài ra còn nhiều trang bị DDoS thì Bkav hiện chưa thống kê được con số chính xác.
Một số trang mạng Việt Nam bị hacker Trung Quốc tấn công và để lại lời nhắn
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Bkav thì việc các website tại Việt Nam bị hacker Trung Quốc tấn công không phải là vấn đề quá mới mẻ. Những cuộc tấn công lần này cũng không quá nghiêm trọng bởi những website bị tấn công chủ yếu là những trang web địa phương, những website của các doanh nghiệp nhỏ và chưa ảnh hưởng đến các website lớn, trang báo mạng hay website của tổ chức, cơ quan nhà nước. Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng Bkav nhận định: "Hiện tại các cơ quan chính phủ đều đã đầu tư vào hạ tầng, và xây dựng quy trình để đảm bảo an ninh mạng nếu bị tấn công, tuy nhiên các nhà quản trị của website Việt Nam cũng nên rà soát lại hệ thống nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công có thể xảy ra".
Có một số nhận xét cho rằng nguyên nhân của vụ tấn công hàng loạt website Việt Nam lần này là do trước đó nhiều hacker Việt Nam đã thực hiện tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) các website Trung Quốc để thể hiện sự bất bình trước hành động đặt giàn khoan dầu HD 981 trái phép vào thềm lục địa Việt Nam. Tuy nhiên, Bkav cho rằng hiện tại khó có thể xác định được hacker Trung Quốc hay Việt Nam đã khởi xướng cuộc chiến trên mạng này. Nếu tình hình tiếp tục căng thẳng hơn thì các doanh nghiệp và người dùng internet Việt Nam sẽ là những người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Hacker Trung Quốc để lại lời nhắn trên những website bị tấn công, trong đó có đề cập đến tuyên bố thiếu căn cứ của chính phủ Trung Quốc rằng "tàu Việt Nam đã đâm vào tàu Trung Quốc 171 lần"
Các hacker tự nhận đến từ Việt Nam đã thực hiền nhiều cuộc tấn công nhằm vào các website của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc
"Việc hacker chủ mưu thực hiện các cuộc tấn công vào những nước đối thủ đã trở thành hiện tượng không mới với sự liên quan về các vấn đề chính trị giữa các nước. Những "cuộc chiến không tiếng súng" này rất khó kiểm soát được mức độ tác động. Ví dụ như năm 2009, hơn 166.000 máy tính từ 74 nước trên thế giới đã được huy động trong cuộc tấn công DDoS nhằm vào website của chính phủ Mỹ, Hàn Quốc và một số quốc gia khác. Cuộc tấn công kéo dài trong một tuần đã khiến nhiều website tê liệt, trong đó có website của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban thương mại liên bang (Mỹ) và trang chủ của tổng thống Hàn Quốc", chuyên gia của Bkav nhận định.
Theo Bkav, nếu xảy ra những vụ tấn công quy mô lớn thì Việt Nam cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách về bảo mật, giữa cơ quan chính phủ và những nhà cung cấp dịch vụ ISP để cùng nhau ngăn chặn tin tặc tấn công sâu vào hệ thống. Một giải pháp khác để tăng cường bảo mật cho hệ thống thông tin là sử dụng thiết bị Bkav Network Inspector (BNI). BNI là thiết bị phát hiện và cảnh báo tấn công sớm theo thời gian thực, dựa trên cơ chế phân tích các kết nối mạng và diễn biến sự kiện trên máy chủ. Hệ thống bao gồm thiết bị xử lý trung tâm và các bộ cảm biến được cài đặt trên máy chủ. Mọi thông tin thay đổi trong hệ thống mạng đều được các cảm biến liên tục báo về thiết bị trung tâm. Từ đó, BNI phân tích và xác định dấu hiệu tấn công để cảnh báo cho đội ngũ quản trị qua SMS, email.
Có thể bạn quan tâm: