Ở Thế vận hội Rio năm nay đã có nhiều màn biểu diễn xuất sắc và ấn tượng của các tuyển thủ đến từ khắp nơi trên thế giới khiến khán giả vô cùng mãn nhãn và ngưỡng mộ. Tuy nhiên một điểm khác lạ ở kỳ olympic 2016 chính là việc Trung Quốc không phải là nước giành nhiều huy chương nhất mà đã thê thảm lọt xuống vị trí thứ ba, đứng sau Mỹ và Anh.
Kỳ này Trung Quốc cử đi 417 vận động viên và trong số đó chỉ có 35 người giành được huy chương, số huy chương vàng chỉ vỏn vẹn 26, một thành tích nằm ngoài dự kiến không chỉ của họ mà còn của cả thế giới. Dù nhiều người sẽ cho rằng đứng ở vị trí thứ 3 cũng là tài năng hơn nhiều nước khác rồi nhưng đối với người Trung Quốc và các VĐV Trung Quốc, thành tích này là quá tệ.
Sự xuất hiện của đoàn thể thao Trung Quốc tại Rio 2016
Trước một thành tích gây sốc như vậy, những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi không giành được huy chương và không có màn trình diễn xuất sắc tại Olympic dĩ nhiên chính là các VĐV đã dày công khổ luyện suốt nhiều năm trời. Họ sẽ bị Hiệp hội thể thao trục xuất khỏi danh sách dự thi Olympic và điều đó có nghĩa là họ phải tìm một con đường khác để mưu sinh hoặc phải bươn chải sống qua ngày.
Tiêu biểu trong số những VĐV có cuộc sống bi thảm sau khi phải giải nghệ chính là VĐV thể dục dụng cụ người Hà Bắc Trương Thượng Vũ. Anh được chọn vào tuyển Olympic quốc gia năm 12 tuổi và đến năm 18 tuổi thì giành được 2 chiếc huy chương vàng tại Thế vận hội Thể thao mùa hè dành cho sinh viên thế giới tại Bắc Kinh 2001. Hai tấm huy chương ấy đã đựa Trương lên làm một ngôi sao sáng tiềm năng của nước nhà.
Tuy nhiên, vinh quang không ở lại với anh lâu. Năm 2004 trong một lần tập luyện Trương bị đứt gót chân nên đành lỡ hẹn với Olympic Athens. Những tưởng Trương sẽ có cơ hội phục hồi và quay về với nền thể thao nhằm làm rạng danh tên tuổi nước nhà nhưng không ngờ vào năm 2005, anh đành ngậm ngùi tuyên bố giải nghệ vì chấn thương quá nghiêm trọng.
Trương Thượng Vũ, VĐV thể dục dụng cụ vì chấn thương nghiêm trọng mà phải giải nghệ sớm
Điều đáng nói là sau khi rời đấu trường thể thao, anh Trương đã không nhận được bất kỳ một khoản tiền đền bù nào. Ngoài ra do đã dồn hết tâm huyết vào việc luyện tập, thi đấu nên anh đã bỏ học sau khi tốt nghiệp tiểu học. Không tiền, không bằng cấp, thậm chí không nhà cửa, cuộc sống của Trương rơi vào vực thẳm. Đau lòng nhất là anh đã phải bán đi 2 chiếc huy chương quý giá của mình để kiếm ít tiền sống qua ngày.
Giờ đây Trương Thượng Vũ kiếm miếng ăn qua ngày bằng cách biểu diễn ở các ga tàu và cả trên tàu.
Trương Thượng Vũ không phải là trường hợp duy nhất. Theo một khảo sát, 45% các VĐV Trung Quốc sau khi nghỉ hưu đã trở thành những người lang thang không nơi nương tựa. Một điều đáng nói hơn cả là trong khi Trung Quốc công bố danh sách 33.294 tuyển thủ được khen thưởng thì trên thực tế, chỉ có 17.444 người nhận được phần thưởng, khoảng 3 triệu đồng trợ cấp mỗi tháng. Còn những người chỉ được nêu tên cho có hoàn toàn phải sống dựa vào tiền thưởng do huy chương mang tới và những kế sinh nhai khác.
Năm 2013 có một nữ VĐV cử tạ người Đông Bắc đã thổ lộ rằng năm 15 tuổi cô bắt đầu được đào tạo chuyên nghiệp tại học viện thể thao nhưng đến năm 25 tuổi buộc phải nghỉ hưu do phát hiện mình mắc bệnh ung thư vú. Tiền trị bệnh đè nặng lên vai cô trong khi số tiền thưởng cô thu được trong suốt 10 năm nhọc nhằn tập luyện và thi đấu không thể nào đủ để bù vào. Kết quả là cô vẫn còn mang số nợ 230 triệu đồng vô cùng lớn.
VĐV Trung Quốc được đào tạo chuyên môn từ thuở nhỏ chỉ với một mục đích duy nhất: giành huy chương Olympic.
Nếu không giành được huy chương hay không thể tiếp tục thi đấu, họ sẽ phải đối mặt với một tương lai vô cùng vất vả.
Có thể thấy giới thể thao Trung Quốc có sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Nhiều người đã phải mất hơn chục năm khổ luyện nhưng kết quả lại chẳng nhận được gì, chỉ có thể âm thầm rút lui và đối diện với tương lai mờ mịt. Còn với những người từng bước lên bục vinh quang, họ cũng không dám một phút sơ sảy vì biết kết cục của mình nếu lỡ sảy chân ngã khỏi bục trao huy chương cũng sẽ cay đắng chẳng kém những người chưa một lần được chạm đến những chiếc huy chương danh giá.
Những nỗi khổ tâm day dứt đó của các VĐV đều âm thầm nổi lên trong lòng họ, trong những góc khuất của thể thao mà các khán giả khó lòng được chứng kiến.
(Ảnh: Internet)