Trong bài viết trên BusinessWeek, Tổng Giám đốc Apple viết: “Dù chưa bao giờ chối bỏ giới tính của mình, tôi chưa bao giờ công khai về điều này cho tới hiện tại. Vì thế, hãy để tôi làm rõ: Tôi tự hào vì mình là người đồng tính, và tôi xem đó là một trong các món quà tuyệt vời nhất mà Chúa ban tặng”.
Tim Cook trong lễ diễu hành ủng hộ người đồng tính hồi tháng 6/2014. Ảnh: Twitter |
Ông tiếp tục tâm sự: “Là người đồng tính cho tôi cơ hội hiểu sâu hơn khi nằm trong thiểu số là thế nào, cho tôi cửa sổ nhìn vào thử thách mà họ phải đối mặt hàng ngày. Nó khiến tôi có sự đồng cảm hơn, dẫn tới một cuộc sống phong phú hơn. Có lúc nó thật khó khăn và không thoải mái song nó cho tôi sự tự tin khi được là chính mình, đi theo con đường riêng và vượt lên nghịch cảnh. Nó cho tôi lớp da như sắt như đồng, đặc biệt có ích khi bạn là Tổng Giám đốc của Apple”.
Hôm thứ Hai (27/10) vừa qua, Tim Cook có bài phát biểu tại Học viện Alabama Academy of Honor, trong đó ông chỉ trích bang nơi ông sinh ra vì quá chậm chạp trong việc mang lại công bằng cho cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới). Đầu năm 2014, ông cũng tham gia lễ hội thường niên ủng hộ người đồng tính tại San Francisco, Mỹ.
Apple từ lâu đã ủng hộ nhân viên LGBT của mình. Trong bài tranh luận đăng trên Thời báo Phố Wall năm 2013, Tim Cook kêu gọi chính phủ Mỹ bảo vệ tầng lớp lao động LGBT khỏi sự phân biệt đối xử. “Bảo vệ mỗi cá nhân là vấn đề cơ bản của phẩm giá con người và các quyền dân sự”, ông viết.
Cũng trong năm 2013, khi có mặt tại Đại học Auburn, người kế nhiệm Steve Jobs bày tỏ sự ủng hộ đối với sự công bằng giữa các giới tính và ám chỉ bị phân biệt trong quá trình trưởng thành: “Từ những ngày đầu, tôi đã chứng kiến và trải nghiệm nhiều loại phân biệt đối xử, tất cả chúng đều bắt nguồn từ nỗi sợ con người khác biệt so với đám đông”.
Bài phát biểu tại Auburn được xem như lần đầu tiên Cook ngầm thừa nhận giới tính trước công chúng. Tin đồn ông là gay xuất hiện từ vài năm nay. Tạp chí Out Magazine còn bình chọn Cook là người đồng tính quyền lực nhất nước Mỹ năm 2011.