Ông là người đồng sáng lập ra tiêu chuẩn TCP/IP, dẫn đầu nhiều nghiên cứu quan trọng tại DARPA - Cơ quan các dự án phòng thủ tiên tiến, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.
Khi nói về quá trình phát minh ra TCP/IP, tiêu chuẩn đóng vai trò nền tảng của internet ngày nay, Cerf khiêm tốn cho rằng mình chỉ là một trong số hàng ngàn người có đóng góp cho sự hình thành của nó, và Bob Kahn – đồng phát minh TCP/IP xứng đáng nhận được danh tiếng mà ông nên có. “Bạn không thể làm bất kỳ điều gì to lớn như thế này mà không có sự đồng thuận và hợp tác của mọi người,” ông nói.
“Lúc vừa tốt nghiệp UCLA, tôi làm việc cùng những người khác trong dự án ARPANET, tiền thân của internet hiện đại. Nó là một thử nghiệm trao đổi packet (gói dữ liệu) trong nội bộ DARPA để kết nối hàng chục trường đại học đang thực hiện các nghiên cứu về khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo cho Bộ Quốc phòng. Ý tưởng lúc đó là liên kết tất cả máy tính của họ lại với nhau để chia sẻ tài nguyên, sức mạnh tính toán và kết quả để tiến bộ nhanh hơn.”
Thử thách với Cerf và những nhà nghiên cứu khác là làm thế nào để kết nối những máy tính đó lại với nhau, bởi công nghệ thời đó quá chậm so với những gì mà họ muốn đạt được. Hơn thế nữa, các packet được trao đổi lại giống như thư bưu điện – chúng hoàn toàn không theo thứ tự, và để sắp đặt chúng với nhau, các nhà nghiên cứu phải tìm ra một giải pháp thích hợp. Vì thế, Steve Crocker, một trong những người bạn tốt nhất của Cerf đã dẫn đầu một đội ngũ các chuyên gia phát triển một giao thức “packet switcher” cho phép các loại máy tính khác nhau giao tiếp qua ARPANET.
Hệ thống ARPANET vào năm 1973.Giao thức đó thành công, thử thách mới lại xuất hiện. Nhu cầu quân sự đòi hỏi DARPA phải tìm ra một cách kết nối mới cho máy tính ở xe cộ trên chiến trường, tàu bè trên biển, máy bay trên không – tất cả đều không có dây. Từ đầu năm 1973 đến cuối năm 1974, Cerf cùng đội ngũ nghiên cứu DARPA tìm cách để chuẩn hóa mạng lưới của mình, dẫn đến kết quả là một tài liệu chi tiết mô tả “Tranmission Control Protocol” (giao thức điều khiển truyền dẫn – TCP).
Nhưng từ giấy tờ đến hiện thực là một khoảng cách rất dài. Trong bốn năm sau đó, DARPA thực hiện hàng loạt thử nghiệm, khám phá vô số sai lầm và khắc phục chúng trước khi đạt được thành quả vào năm 1978. Lúc này, họ đã tách Internet Protocol (giao thức internet) ra khỏi TCP, nhằm phục vụ cho những kết nối đòi hỏi sự kịp thời thay vì sự tin cậy. “Bạn không cần biết một quả tên lửa từng ở đâu, bạn chỉ muốn biết bây giờ nó ở đâu,” Vinton Cerf giải thích về sự khác biệt trong ứng dụng hai loại giao thức này.
Đây từng là toàn bộ mạng lưới internet của thế giới.Với TCP/IP đã gần hoàn thiện, DARPA giờ đây có thể kết nối máy tính trên khắp thế giới với nhau qua đường dây điện thoại, sóng radio và vệ tinh. Trong suốt khoảng thời gian từ 1978 đến 1983, Vinton Cerf cùng đội ngũ DARPA ở Washing ton đưa tiêu chuẩn mới vào tất cả những hệ điều hành mà họ biết, để rồi vào ngày 1/1/1983, “Internet” lần đầu tiên được kích hoạt. Khi đó, nó chỉ bao gồm ARPANET, mạng lưới dữ liệu di động qua sóng radio trong vùng vịnh San Francisco, và mạng vệ tinh băng qua Đại Tây Dương và Thái Bình Dương kết nối đến Anh và Hàn Quốc.
Mạng lưới internet sơ khai này nhanh chóng phình to trong vòng vài năm sau đó, khi DARPA hỗ trợ internet phát triển trong cộng đồng khoa học trên khắp nước Mỹ. Hiệp hội khoa học quốc gia Mỹ (NSF) cũng ủng hộ ý tưởng về Internet và tài trợ cho việc kết nối 3.000 trường đại học trên khắp nước Mỹ lại với nhau. Theo Vinton Cerf, những ngôi trường này đóng góp một phần cực lớn cho sự phát triển của internet, và đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng để biến internet từ một nền tảng quân sự và học thuật trở thành một sản phẩm thương mại như chúng ta đang sử dụng ngày nay.
Thật ra, theo những tiết lộ của Vinton Cerf, ông và các cộng sự đã nhìn thấy tương lai của internet từ đầu những năm 70. Ý tưởng về thư điện tử được đưa ra vào năm 1971 bởi Ray Tomlinson, một cộng sự của ông trong dự án ARPANET. Online System, một dự án khác của Douglas Engelbart tại SRI International cho phép người ta chia sẻ tài liệu Word và liên kết chúng với nhau – đây cũng chính là khởi nguồn của chú chuột máy tính, bởi Douglas cần phải trỏ vào liên kết tài liệu và click để mở nó. Những công trình này đem lại cho Vinton cái nhìn về những gì mà một môi trường kết nối có thể đem lại cho con người, từ trước khi bắt tay vào ARPANET.
Bây giờ, 35 năm sau khi mạng lưới internet đầu tiên được kích hoạt, nó đã bao phủ toàn cầu và phục vụ hơn một nửa dân số thế giới.
Bây giờ, hơn 51% dân số thế giới đã sử dụng internet.Vinton Cerf cũng nhận được những vinh dự xứng đáng. Tổng thống Mỹ Bill Clinton trao tặng ông và đồng sự Robert Kahn tấm Huân chương quốc gia về Công nghệ vào năm 1997. Ông nhận Giải Turing – hay còn được gọi là Nobel của ngành tin học - cho những đóng góp của mình trong việc tạo ra giao thức internet vào năm 2004. Một năm sau, đến lượt tổng thống Mỹ George Bush trao cho ông Huân chương Tự do, vinh dự cao nhất mà một dân thường có thể nhận được ở đất nước này.
Từ trái sang phải: Vinton Cerf, Robert Kahn và tổng thống George Bush trong buổi lễ trao Huân chương Tự do.Ở vị trí của mình, người cha của internet lo lắng về tương lai. Vinton Cerf muốn tìm ra phương thức để làm internet an toàn hơn, bảo mật hơn, và riêng tư hơn. Ở tuổi 74, ông vẫn đang bận rộn đóng góp cho internet trong vai trò Chief Internet Evangelist (tạm dịch: Trưởng nhóm truyền bá internet) của Google.
Đó là một vai trò đem lại sự tự do cần thiết để ông có thể tập trung vào việc thực hiện những điều thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng internet. “Ở những nền kinh tế yếu hơn, khả năng chi trả là một vấn đề lớn, và những lợi thế có được từ việc đầu tư vào hạ tầng internet có thể không thật rõ ràng,” Cerf cho biết.
Hơn thế nữa, ông sáng lập People-Centered Internet (internet quanh con người – PCI), một tổ chức với mục tiêu tìm kiếm những dự án có thể cải thiện cách mà con người sử dụng internet. Ông cũng đã và đang là cố vấn cho hàng loạt tổ chức, trong đó có Jet Profulsion Laboratory, nơi ông cùng những đồng nghiệp trẻ tuổi hơn đang phát triển một thiết kế internet liên hành tinh, dành cho một tương lai xa xôi nơi con người đã đặt chân lên những thiên thể khác trong vũ trụ bao la.
Sir Tim Berners-Lee, cha đẻ của internet hiện đại