Trong khu nhà vườn có diện tích sử dụng hơn 16.000 m vuông, tọa lạc ở quận 9, TP HCM, nhà thiết kế sĩ hoàng dành phần đất rộng làm nơi trưng bày nhiều bộ áo dài kiểu dáng từ thế kỷ 17 đến nay. Khu trưng bày là công trình nhà cổ được phục dựng, mang kiến trúc nhà dài, xây bằng gỗ. Từ cổng vào đến bục cửa khu nhà đều mang phong cách giản dị, cổ kính đậm nét văn hóa Việt Nam. Căn nhà được đặt tên là Bảo tàng Áo dài, một dự án bảo tồn tư nhân được Ủy Ban Nhân Dân TP HCM đồng ý đưa vào hoạt động từ đầu năm 2014.
Đến nay, địa điểm này vẫn còn khá mới mẻ với nhiều du khách đến TP HCM và cả người dân thành phố. Ít ai hình dung ở quận xa trung tâm lại có một dự án nhằm duy trì, quảng bá nét đẹp thời trang Việt Nam. Từ khi mở cửa, bảo tàng chủ yếu đón các đoàn khách nước ngoài, một vài đoàn học sinh của các trường quốc tế ở TP HCM và một số khách tham quan vãng lai. Việc thu hồi vốn xây dựng là điều nhà thiết kế chưa nghĩ đến. Điều anh mong mỏi là ngày càng nâng cao được chất lượng của công trình cũng như bớt được cảnh vắng vẻ khách tham quan, đưa bảo tàng đến gần với công chúng.
"Tôi rất buồn vì phần đông người Việt Nam hiện nay vẫn chưa có thói quen đến tham quan bảo tàng trong những dịp phù hợp", Sĩ Hoàng cho biết.
Bảo tàng của Sĩ Hoàng trưng bày luân phiên mỗi đợt 100 bộ áo dài nhiều kiểu dáng, đến từ nhiều vùng miền của Việt Nam. |
Để xây dựng và duy trì điểm văn hóa này, Sĩ Hoàng gặp cả áp lực về vật chất lẫn tinh thần. Anh kể, trong thời gian đưa công trình vào hoạt động, ngoài sự ủng hộ của nhiều người thân, bạn bè, khán giả, có vài người dè bỉu, thậm chí viết mail về hộp thư của Sĩ Hoàng cho rằng, họ không hiểu được việc vì sao anh bỏ tiền tỷ xây dựng một khu trưng bày giữa đồng không mông quạnh. Dù vậy, nhà thiết kế không nản lòng trước những ý kiến này.
"Bao nhiêu năm qua, tôi thấy cô độc. Sự ủng hộ từ gia đình và vài người thân chỉ dừng ở mức khích lệ tinh thần, còn trong mọi việc mình phải đơn phương gây dựng, phải lao động ở nhiều lĩnh vực để có đủ nguồn tài chính duy trì đam mê. Đôi lúc có buồn, tôi vẫn xác định rõ con đường mình đi là góp phần tôn vinh giá trị văn hóa trong đời sống sinh hoạt và tinh thần của người Việt thông qua hình ảnh tà áo dài", nhà thiết kế bộc bạch.
Bảo tàng Áo dài ngày càng được Sĩ Hoàng dành thời gian đầu tư, tu bổ. Anh học hỏi kinh nghiệm từ các Bảo tàng Lịch sử TP HCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh để biết cách bảo quản, giữ gìn trang phục với chất liệu đa dạng trong điều kiện khí hậu ẩm, nhiệt đới.
Nhiều kiểu áo dài xưa được giữ gìn và triển lãm. |
Gần 100 bộ áo dài trưng bày ở đây được thực hiện từ chất liệu phong phú, kiểu dáng đa dạng. Hướng dẫn viên của bảo tàng giúp người xem hiểu được phía sau mỗi tà áo là một câu chuyện kể thú vị về chủ nhân chiếc áo. Từ đó, một góc lịch sử, văn hóa của người Việt được phác họa. Đó có thể là tà áo dài của nữ tướng Nguyễn Thị Định - nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, áo của bà Nguyễn Thị Bình - nữ chính trị gia nổi tiếng, hoặc áo của Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam - bà từng mặc để diễn vở cải lương Lá sầu riêng. Khi nghe tin Sĩ Hoàng sưu tầm áo dài để triển lãm tại Bảo tàng, bà Tôn Nữ Thị Ninh - nhà ngoại giao nổi tiếng - gửi tặng anh bộ áo có thiết kế độc đáo với phần tay thật dài, bốn lớp mặc chồng lên nhau. Đây là tà áo dài cưới được gia đình bà Tôn Nữ Thị Ninh giữ gìn qua ba thế hệ, từ đời mẹ bà truyền sang bà, và sau đó bà truyền lại cho con dâu. Vì áo chỉ được mặc một lần trong ngày cưới nên còn mới nguyên.
Khán giả cũng được chiêm ngưỡng các bộ áo dài của những nữ cựu tù Côn Đảo. Đây là những chiếc áo được họ mặc trong những cuộc chất vấn, hỏi cung của kẻ thù. Vẻ đoan trang của phụ nữ Việt trong tà áo kín đáo, nền nã khiến cho các bà, các mẹ được kiêng nể và từ đó may mắn thoát khỏi việc bị làm nhục, tra tấn. Chính chủ nhân của những bộ áo đã trao tặng chúng cho nhà thiết kế với nhiều câu chuyện cảm động xung quanh.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng giới thiệu với nữ danh ca Khánh Ly về lịch sử các tà áo dài tại bảo tàng của anh nhân dịp bà đến tham quan vào cuối tháng 4. Ảnh: Quang Thành. |
Sau gần 20 năm sưu tầm, Sĩ Hoàng hiện sở hữu hơn 1.000 áo dài từ thế kỷ 17 cho đến nay. "Công đoạn sưu tầm hiện vật khá gian nan vì thói quen của phần đông người Việt từ xưa thường chôn theo người mất những tà áo đẹp nhất của họ. Không ít tà áo quý vì thế đã trở về với đất. Nhưng may mắn tôi vẫn lưu giữ được nhiều bộ áo dài của những nhân vật nổi tiếng, hoặc người bình thường trao tặng", Sĩ Hoàng cho biết. Nhà thiết kế thực hiện triển lãm luân phiên tại bảo tàng mỗi đợt khoảng 100 bộ áo. Kèm theo trang phục còn có những phụ kiện như nón lá, guốc, giày đặc trưng của người Việt.
Do bảo tàng được bao bọc trong khuôn viên khu nhà vườn xanh mát, phù hợp với không khí thiền định, Sĩ Hoàng muốn mở ra những tour tham quan về với thiên nhiên cho mọi người. Đến với Bảo tàng Áo dài, người xem có thể dành thời gian tại "khu trải nghiệm" - nơi giúp họ tìm hiểu các công đoạn thực hiện chiếc áo, cách vẽ minh họa thân áo dài, kết cườm... Họ cũng có thể tự tay thực hiện các hình mẫu búp bê mặc áo dài và giữ cho mình món quà lưu niệm đậm bản sắc Việt Nam.
* Video: Bảo tàng Áo dài của Sĩ Hoàng |
|
Thoại Hà
Video: Đức Huy