Cách đây nhiều năm, Thời trang và Cuộc sống được xem là chương trình "độc tôn" về thời trang với một đêm diễn giới thiệu các bộ sưu tập mỗi tháng. Hiện tại, chỉ tính riêng ở TP HCM, các show "đối thủ" của chương trình này phải kể tới Thời trang và Đam mê, Phong cách trẻ, gần đây có thêm Thời trang và Nhân vật… Đó là chưa tính các show trình diễn lớn nhỏ của nhiều tạp chí, thương hiệu thời trang... Tổng cộng mỗi tháng, ít nhất 30 bộ sưu tập mới được trình làng. Theo khảo sát của VnExpress, doanh số các bộ sưu tập tăng khoảng 30% trở lên sau mỗi lần công diễn, vì thế các nhà thiết kế và thương hiệu vẫn duy trì sự xuất hiện đều đặn trong các chương trình trên.
Tăng về số lượng chưa hẳn là tín hiệu vui của thời trang nước nhà. Thời trang và Cuộc sống, Phong cách trẻ bị sa vào lối mòn trong khâu ý tưởng và kịch bản. Đều đặn mỗi kỳ, các bộ sưu tập và nhà thiết kế được giới thiệu bằng những lời bình "có cánh" đã chuẩn bị sẵn. Sân khấu trong ngần ấy năm vẫn đi theo lối decor cũ, dàn người mẫu "nhẵn mặt" khán giả với một số cái tên thay phiên nhau làm "vedette": Thanh Hằng, Thu Hằng, Ngọc Quyên, Hoàng Yến... Gần đây, tuy có một số thay đổi format nhưng Thời trang cuộc sống khó lấy lại vị thế dẫn đầu ngày nào. Một số chương trình học tập khai thác các video hậu trường kiểu FashionTV, nhưng cũng chưa truyền đạt nhiều cảm hứng và chất lượng trong bộ sưu tập.
Hiện nay, các show thời trang ở Việt Nam được các đài truyền hình thực hiện phần lớn nhằm mục đích ghi hình. Có khoảng bốn đến năm bộ sưu tập trình diễn trong một chương trình rồi sau đó được cắt ra phát sóng từng tuần. Tuy nhiên, do các bộ sưu tập này đòi hỏi phong cách khác nhau để tránh trùng lặp khi lên sóng nên chuyện nhất quán chủ đề nhằm mang lại một chương trình thời trang đúng nghĩa lại thành... bất khả thi.
Việc không khắt khe về chất lượng, không nhất quán về tinh thần giữa các bộ sưu tập khiến khán giả phải xem các chương trình thời trang chắp vá, thiếu đồng nhất về ý tưởng. Trong một show diễn, dù bất kỳ chủ đề nào, người xem sẽ bắt gặp nhiều loại trang phục khác nhau từ công sở, dạo phố, áo dài hay thời trang cưới. Tất cả được gom vào các bộ sưu tập thu đông, xuân hè, dù có những bộ nhà thiết kế mang đi trình diễn từ mùa hè... tới mùa đông.
Chương trình Thời trang và cuộc sống dần đánh mất thương hiệu của mình. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
Thực tế, nhiều chương trình thời trang hiện nay đều bị lấn át bởi tính thương mại nhiều hơn nghệ thuật. Một nhà thiết kế tiết lộ, chỉ cần bỏ ra khoảng chục triệu đồng là đã có thể giới thiệu bộ sưu tập mới và được vinh danh trên sàn catwalk. Nếu nhà thiết kế muốn có vedette nắm tay dắt ra sân khấu thì con số sẽ cao hơn. Việc logo của nhà tài trợ giăng chằng chịt trên backdrop và sàn catwalk cũng khiến tính nghệ thuật bị giảm đi.
Đạo diễn Quý Khang thừa nhận, đây là một hiện trạng đã tồn tại từ lâu. "Việc nhà thiết kế trả phí để được diễn là chuyện cần thiết, giống như chi phí PR sản phẩm của họ đến người tiêu dùng. Các nhà thiết kế làm việc cũng vì doanh thu, còn chúng tôi cũng cần tiền để sản xuất chương trình. Ban tổ chức có hợp đồng đàng hoàng với từng nhân tố tham gia chương trình. Đồng thời, chúng tôi cũng tạo điều kiện cho nhà thiết kế trẻ có điều kiện tham gia với chi phí thấp nhất".
Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, show diễn thời trang ở Việt Nam đang bị thương mại hóa nghiêm trọng bởi các nhà tổ chức dùng nó để kinh doanh như một loại hình giải trí. "Những người bạn trong lĩnh vực thời trang tại châu Âu khi được tôi cho xem hình ảnh về các Fashion Show này, họ chỉ bảo chia buồn cho thời trang của VN. Điều mất lớn nhất của VN chính là sự văn minh vì cả thế giới không ai biểu diễn thời trang trên những sân khấu mà logo quảng cáo lấn át thương hiệu của nhà thiết kế".
Những trang phục khác nhau cùng xuất hiện trong một chương trình thời trang. |
Trong khi đó, các chương trình thời trang ở nước ngoài diễn ra theo một quy trình khác. Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ, không phải cứ hoành tráng thì mới là thời trang. Những năm gần đây, xu thế tổ chức fashion show trở nên đơn giản hơn (kể cả Haute Couture Show), một phần vì tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu. Các nhà mốt trên thế giới có khuynh hướng tận dụng khung cảnh của thiên nhiên, những không gian hoài cổ để thể hiện những sáng tạo của mình với ánh sáng ban ngày chân thật nhất.
Theo Minh Hạnh, nếu làm theo cách chuyên nghiệp thì các show diễn hoàn toàn phụ thuộc vào ý tưởng của bộ sưu tập. Một fashion show phải thực sự là một thông điệp dành cho thời trang mà trong đó những thông tin về khuynh hướng (kiểu dáng, chất liệu, màu sắc...) là quyết định. Các mẫu được biểu diễn lần lượt và theo đúng ý tưởng của nhà thiết kế. Nếu chiếu theo quy chuẩn này thì số show thời trang ở VN đạt chuẩn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Những Đẹp Show, Elle Show hay F Show quá ít, một năm chỉ khoảng một, hai lần vì tiềm lực giới hạn.
Theo một nhà thiết kế trẻ, cũng vì quá khắt khe về chất lượng nên các show này chỉ quanh quẩn một số gương mặt nổi tiếng như Công Trí, Lý Quý Khánh... Các gương mặt như anh khó có chỗ "chen chân" đành tìm đến những sân chơi nhỏ hơn. "Quan trọng hơn là để được diễn trong những show lớn thì số tiền bỏ ra cũng gấp mấy lần show định kỳ, không khéo thì xong show, đồ chưa bán được đã mắc nợ. Cái này bó chân cái kia, cuối cùng thì cá nhỏ vẫn bơi trong hồ nhỏ, cá lớn vẫn vẫy vùng trong hồ lớn", người này kết luận.
Những thiết kế của Hoàng Minh Hà (trái) bị phát hiện có nhiều nét tương đồng với bộ sưu tập của Gucci. |
Điều đó cũng lý giải vì sao các bộ sưu tập mới chưa thực hiện được vai trò định hướng văn hóa mặc của khách hàng, nếu không muốn nói là bị thụ động về thiết kế. Năm 2012, chiếc váy Thanh Hằng diễn trong Thời trang và Cuộc sống bị cho là copy 99% thiết kế của thương hiệu Versace mà Angelina Jolie từng mặc. Mới đây, trong show Thời trang và Đam mê, bộ sưu tập Black Rose của Hoàng Minh Hà bị phát hiện giống các thiết kế của Gucci, đặc biệt ở các chi tiết bèo nhún. Nhiều nhà thiết kế đã lên tiếng "minh oan" cho quán quân Project Runway khi cho rằng đây là xu hướng chung của thế giới. Nhưng điều đó cũng chứng tỏ, các nhà thiết kế Việt chưa tạo được niềm tin nơi khán giả dù đứng ngay trên "sân nhà".
Chia sẻ với VnExpress, Minh Hạnh nhận định: "Ở Việt Nam, các nhà thiết kế trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm về thị trường và chưa biết kiểm soát những hoạt động để làm nên thương hiệu một cách lâu dài và bền vững. Họ thiếu điều kiện để phát triển trong khi những hoạt động mang tính bề nổi làm họ hoang mang. Từ đấy, những nhà tổ chức sự kiện khiến họ lún sâu vào việc mua danh để được vinh danh trong sự phù hoa này".
Vân An - Anh Tuấn