- Dư luận gần đây xôn xao vì chiếc áo dài đi diễn giao lưu văn hóa mang chất liệu, họa tiết Trung Quốc. Là người nhiều năm đem áo dài đi diễn giao lưu văn hóa, anh nghĩ gì?
- Việt Nam chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi nền văn hoá Trung Hoa, đó là điều không thể phủ nhận. Rất nhiều hoạ tiết, chất liệu vải Việt mang tính tương đồng, thậm chí nhập hoàn toàn từ nước bạn. Những người làm áo dài như tôi càng chịu áp lực nặng nề hơn nhà thiết kế các loại trang phục khác. Tuy nhiên, nếu thật sự đào sâu, nghiên cứu về văn hoá Việt, tôi nghĩ mỗi người sẽ tìm cách giải được bài toán này. Bởi văn hoá Việt khắc họa rõ ràng tinh thần "hòa nhập chứ không hòa tan" của ông bà ta xưa.
Tôi xin lấy bộ sưu tập với hoạ tiết hổ của mình làm ví dụ. Hổ là chúa tể muôn loài, có hình dáng oai nghiêm và hoàn toàn không hợp với tà áo nhẹ nhàng, thuần hậu. Thêm nữa, hình tượng hổ Việt Nam đến giờ vẫn rất dễ bị nhầm lẫn với Trung Quốc. Giải pháp của tôi là dùng hoa văn hổ trong tranh dân gian hàng Trống để làm nên những chú hổ gần gũi với người Việt, vừa mang ý nghĩa bảo vệ động vật hoang dã mà thế giới đang hướng đến.
Mặt khác, ta phải chấp nhận nền công nghiệp dệt của chúng ta chưa phát triển đủ để tạo ra các chất vải đa dạng. Do vậy, khi thực hiện trang phục mang tính chất văn hoá, chúng tôi thường sử dụng biện pháp thủ công như thêu tay, ép nhũ vàng, in chuyển nhiệt để sáng tạo và xử lý thành chất liệu của riêng mình.
Thuận Việt trong trang phục áo dài nam cách điệu do anh thiết kế. |
- Việc cách điệu hay không cách điệu áo dài vẫn là một câu hỏi gây tranh cãi. Ý kiến anh thế nào?
- Tôi luôn ủng hộ sự sáng tạo, phá cách để nét truyền thống ngày càng thích ứng hơn với xu hướng phát triển và áo dài càng được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn. Tôi tự hào đã đem xu hướng colour block (khối màu) được giới trẻ ưu chuộng, ứng dụng với kỹ thuật cắt may của phương Tây vào tà áo, hoặc thêu họa tiết trẻ trung trên thân áo... Tôi vui khi ngày càng nhiều bạn trẻ quay lại với xu hướng may áo dài dịp Tết, trong khi trước đây họ chê áo dài nhìn già, cứng.
Tuy nhiên, cách điệu áo dài về phom dáng rất nguy hiểm, dễ tạo nên những "thảm hoạ văn hoá". Chỉ cần cách điệu phần tay, cổ và không có quần..., áo dài sẽ bị nhầm lẫn với sườn xám. Tôi thấy buồn vì có người còn cho mặc áo dài với quần cụt hay quần ôm với áo ống xẻ tà. Đó chỉ là những thiết kế lấy cảm hứng từ áo dài chứ không thể là áo dài cách điệu .
- Theo anh người nước ngoài thích điểm gì ở chiếc áo dài?
- Bản chất của áo dài là sự giản dị, mộc mạc. Phương Tây có đủ công nghệ và sức ảnh hưởng để tạo nên trào lưu thời trang cho toàn thế giới hay làm nên những trang phục Haute Couture đỉnh cao của sự tinh xảo. Vì thế, họ sẽ thấy vẻ chân chất của tà áo dài truyền thống mặc bởi phụ nữ Việt Nam khác biệt. Cảm xúc đến từ những gì nguyên sơ nhất chứ chẳng cần phải tìm kiếm xa xôi.
Trong chuyến trao đổi văn hoá ở Mỹ, ban tổ chức Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên - nơi mời tôi tham gia trình diễn - nhất định yêu cầu tôi không đem theo các người mẫu chuyên nghiệp từ Việt Nam. Họ lựa chọn người mẫu là du học sinh, những cô gái Việt kiều, những người không quá cao, không có hình thể chuẩn. Nhưng đó chính là một "Việt Nam" mà thật sự họ đang tìm kiếm và muốn giới thiệu đến khán giả đất nước họ.
Những người phụ nữ Việt Nam bình thường diễn catwalk với áo dài Thuận Việt. |
- Trang phục truyền thống của thí sinh Việt Nam ở các cuộc thi sắc đẹp quốc tế thường nhận nhiều ý kiến trái chiều. Điều này bắt nguồn từ sự nhạy cảm của khán giả hay sự phá cách quá mức của người thiết kế?
- Thiết kế áo dài cho người đẹp Việt trong các cuộc thi là một bài toán hóc búa. Ngoài tính chất là một trang phục đẹp, lộng lẫy, giúp đại diện của chúng ta nổi bật giữa hơn 100 bộ quốc phục đa sắc khác, nó còn phải mang tiếng nói về một nền văn hoá bản sắc của Việt Nam. Một bộ áo dài đơn giản sẽ làm thí sinh nhạt nhòa giữa "rừng" người đẹp quốc tế, nhưng phá cách quá sẽ làm khán giả thấy khó chịu. Thực tế đã có không ít đồng nghiệp của tôi bị "ném đá", dù họ cố hết sức thổi sự sáng tạo và bay bổng.
Thiết kế áo dài để bán khác thiết kế áo dài diễn giao lưu văn hoá, thi hoa hậu. Chất liệu may phải thuần Việt như lụa tơ tằm, thổ cẩm, với phương pháp thêu thủ công truyền thống. Tôi thường làm hai, ba phiên bản khác nhau, phối lại và cho chụp ảnh thử để xem mẫu nào ưng ý nhất và cũng "an toàn" nhất...
- Anh nghĩ thế nào về ý kiến nên sản xuất áo dài như một mặt hàng thời trang công nghiệp để quảng bá trang phục này rộng khắp?
- Theo tôi là không nên. Nếu so sánh với những trang phục truyền thống khác trên thế giới, áo dài Việt Nam nhìn đơn giản nhưng tinh tế và gợi cảm nhất. Bởi nó phải được may đo theo từng vóc dáng cụ thể thì mới phát huy được nét đẹp tiềm ẩn. Vải may áo dài phải là loại mềm, rủ, tha thướt theo dáng đi. Chúng ta có thể áp dụng các phong cách cắt may thời trang nhằm làm cho áo dài hiện đại hơn, thích ứng hơn với điều kiện hiện tại. Nhưng công nghiệp hoá áo dài bằng cách sản xuất theo dây chuyền sẽ làm mất đi vẻ đẹp tinh tế của nó. Bởi vậy, dù có thể tạo ra được lợi nhuận nhiều hơn, tôi nghĩ những người thật sự yêu áo dài sẽ không làm điều này.
Thuận Việt thực hiện nhiều trang phục cho thí sinh Việt Nam dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế. |
- Nhiều nước như Nhật Bản đã xuất khẩu văn hoá hiệu quả bằng những chiếc áo khoác mỏng dưới hình ảnh kimono cách điệu. Theo anh, vấn đề của áo dài là gì?
- Nhật Bản, Hàn Quốc là những đất nước phát triển. Họ có nhiều tiềm lực tài chính để quảng bá quốc phục bằng du lịch, phim ảnh, ca nhạc, các chương trình giao lưu văn hóa... Điều kiện của chúng ta vẫn chưa cho phép quảng bá chiếc áo dài ra khắp toàn cầu. Nhắc đến áo dài, nhiều người vẫn biết là từ Việt Nam đấy, nhưng họ chỉ biết thôi chứ chưa có nhiều dịp tìm hiểu và hiểu hết vẻ đẹp của nó cũng như khao khát được mặc. Vì vậy, việc cách điệu cũng không hẳn là yếu tố quyết định.
Làm nghề bao năm, tôi nhận ra khách hàng vẫn yêu thích tìm đến phom dáng chuẩn mực của áo dài. Họ không cần sự cách điệu quá mức bởi bản thân những gì thuộc về truyền thống luôn có giá trị theo thời gian. Cũng như hanbook của Hàn Quốc, kimono của Nhật hay veston của Tây vậy, có cách điệu mấy người ta cũng thích nhất kiểu dáng ban đầu.
Vân An thực hiện