Dưới đây là câu chuyện về luật nhân- quả, và cái gọi là Nghiệt, đáng để bạn suy ngẫm
Chuyện kể rằng, có một ông trưởng giả kia, sinh thời có bốn bà vợ.
Bà vợ Cả vốn được cha mẹ đôi bên hứa hẹn với nhau từ khi cả hai đứa nhỏ đều chưa ra đời. Sau này cả hai lớn lên, khi cha mẹ đôi bên tổ chức đám cưới cho đôi trẻ, cả hai đều chưa biết mặt nhau, cho nên đôi vợ chồng trẻ sống chung mà không có sự cảm thông, hiểu biết về nhau, chỉ như hai cái bóng bên nhau qua ngày, người chồng không thèm biết đến sự có mặt của người vợ lặng lẽ đi bên cuộc đời mình, như một vật phụ thuộc trong sự âm u tối tăm của căn nhà cổ.
Rồi người chồng ra ngoài đời làm ăn buôn bán dần dần khấm khá, ông ta bèn cưới thêm một bà vợ nữa. Từ khi có bà Hai, trong nhà luôn luôn vui vẻ với tiếng cười rộn rã, "rủng rẻng" của bà. Ông trò truyện, đùa giỡn, tối ngày cùng với bà Hai đầu gối tay ấp, tưởng như mối tình gắn bó keo sơn không có gì lay chuyển nổi.
Thế nhưng, lòng ham muốn của con người cũng giống như câu chuyện bó cỏ mà người xà ích dùng để dụ con ngựa vươn cổ vói về phía trước, mà không bao giờ đạt được tới đích, ông trưởng giả tối ngày đếm tiền nghe tiếng "rủng rẻng" mãi cũng thấy chán, bèn quyết định cưới thêm bà vợ nữa cho nhà cửa sầm uất vui vẻ. Thế là bà Hai đành phải chia sẻ tình yêu để ông chồng mời bà Ba "uy nghi" về nhà.
Có bà Ba rồi ông mới thấy nếu chỉ quanh quẩn trong nhà thì cũng không có gì là thú vị, chẳng ai biết đến sự giầu có sang trọng của ông, cho nên ông quyết định cưới thêm một bà vợ thứ Tư, một bà "rất sang", mọi người trông thấy là tấm tắc ngợi khen sự cao sang của gia đình ông.
Ngủ quên trên danh vọng, vinh hoa phú quý tràn ngập, với tài kinh doanh và sự lạnh lùng tàn nhẫn trong thương trường, tiền bạc cuồn cuộn vào nhà ông như thác đổ, ông say sưa trên men chiến thắng với danh hiệu Anh Hai Chi Tiền trong những cuộc vui trà đình tửu quán. Từ trên đỉnh cao của danh vọng và quyền thế, ông quên hẳn mặt trái của xã hội, cái mặt dàn trải đầy dẫy những hoàn cảnh khổ đau đói khát, cơm không có mà ăn, co ro trong manh áo rách cho qua đêm Đông rét mướt.
Rồi một ngày kia, ông ngã bệnh. Cái tâm hồn cạn tầu ráo máng ẩn trong cái cơ thể bệnh hoạn dầm dề, kết quả tàn khốc của những cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm, đã mau chóng đưa ông tới ngưỡng cửa của Tử Thần.
- Ta sắp chết rồi, em là người ta thương yêu nhất, em có đi theo ta không?
Bà Tư nức nở:
- Em thương chàng lắm, nhưng em không thể đi theo chàng sang bên kia thế giới, mà chỉ có thể theo chàng đến mộ mà thôi.
Quay qua bà Ba, ông hỏi:
- Còn em thì sao? Ta rước em về đã lâu, ngày ngày đều chiêm ngưỡng, chăm sóc, o bế, tô điểm cho em đẹp đẽ với đời. Nay ta ra đi, em có đi theo ta không?
Bà Ba nghẹn ngào:
- Em không thể chết theo chàng, nhưng em sẽ tiễn chàng tới tận góc phố, cho đến khi quan tài của chàng khuất bóng.
Thất vọng, ông thở dài hỏi bà Hai:
- Vợ chồng đầu gối tay ấp hàng bao nhiêu năm rồi, ngày đêm ta trân quý em, ta cất giữ em kỹ lưỡng, nay em có đi theo ta không?
Bà Hai mếu máo:
- Em sẽ tiễn chàng tới cửa, khi không còn trông thấy quan tài chàng nữa thì cũng là lúc mà chúng ta vĩnh biệt nhau.
Ông trưởng giả nhắm mắt trong sự buồn rầu, đau khổ. Một lúc sau, ông mở mắt nhìn về phía chân giường, nơi bà vợ Cả vừa già vừa xấu của ông đang sụt sịt, hỏi cho có lệ:
- Còn bà, chắc bà oán tôi bỏ bê bà lắm, đâu thèm nghĩ tới chuyện đi theo tôi bước vào cõi chết?
Nhưng thật là bất ngờ, bà vợ Cả bị bỏ rơi của ông cất giọng bình thản:
- Em đã cùng với chàng bước vào cuộc đời này từ khi chúng ta còn trong bụng mẹ, em sẽ đi theo chàng sang bên kia thế giới, tới tận những cuộc đời tiếp theo của chàng, mãi mãi, cho tới khi nào chàng tu hành thanh tịnh hóa được Bản Tâm, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, thì sự liên hệ của đôi ta mới chấm dứt.
Trong câu chuyện ẩn dụ này, bà vợ thứ Tư là Danh vọng. Đối với nhiều người, cái Danh quan trọng nhất. Cả một cuộc đời bận bịu làm ăn, khi có tiền, dù là có nhiều tới đâu, người ta vẫn thấy là không đủ, phải có Danh. Người ta cũng có thể dùng cả cuộc đời để cầu Danh, dùng cả vốn liếng tiền bạc để mua Danh. Ngay đến một anh du đãng, cũng sẵn sàng phanh ngực ra lãnh viên đạn, để giữ được cái danh là "kẻ anh hùng không sợ chết". Nhưng cái Danh chỉ theo con người tới huyệt mộ, người quá vãng được thân bằng quyến thuộc đọc cho một bài diễn văn ca ngợi những danh vọng tiếng tăm mà họ đạt được trong cuộc đời, đôi khi cũng tâng bốc quá lên để trả nợ hoặc lấy cảm tình với tang gia. Rồi thì những nắm đất thi nhau bay xuống huyệt mộ, xóa dần hình bóng chiếc quan tài lộng lẫy bằng gỗ quý, thế là hết. Người chết chẳng còn được hưởng điều thiết thực gì.
Bà vợ thứ Ba là cái nhà. Cái nhà được ông chủ o bế sơn quét, tu bổ trồng trọt dàn hoa, cây cảnh, tường cao, cổng lớn, cho thật uy nghi hùng vĩ, ai đi qua cũng tấm tắc khen ngợi. Thế nhưng khi quan tài ông quẹo vào góc phố thì cũng là lúc ông và cái nhà vĩnh viễn xa nhau.
Bà vợ thứ Hai là tiền bạc. Suốt một đời bươi chải, tiếng rủng rẻng của những đồng tiền từ tay ông trôi vào ngăn tủ, rộn rã tưng bừng, nay chỉ cùng ông nhìn thấy nhau trước khi quan tài của ông ra tới cửa mà thôi. Khi đám tang khuất sau cánh cửa là ông và tủ tiền đã ngàn đời xa cách nhau rồi.
Tiền tài, nhà cửa, danh vọng đều sớm bỏ rơi ông, chỉ còn lại bà vợ Cả là lẽo đẽo theo ông đến cuối cuộc đời, đến mãi tận bên kia thế giới, theo ông sang tới những kiếp khác trong tương lai. Bà vợ đó tượng trưng cho dòng Nghiệp.
Vậy Nghiệp là gì?
Cổ nhân thường nói rằng mỗi người đều có "Quỷ Thần hai vai" để chứng giám, ghi vào sổ Thiện Ác mọi hành động tốt hoặc xấu mà người ta đã làm trong cuộc đời, để đến ngày người ấy chết thì sẽ bị Diêm Vương chiếu theo sổ Thiện Ác này mà xét xử, nếu khi sống họ làm nhiều việc tốt thì cho họ lên Thiên Đình hưởng phước báo hoặc làm nhiều việc ác thì đày họ vào Địa Ngục để chịu tội báo.
Nhà Phật không quan niệm về một vị "Quỷ Thần hai vai", nhưng cho rằng mỗi con người đều không chỉ sống có một đời, mà khởi đầu dòng đời bằng "một niệm vô minh bất giác", rồi từ đó trôi lăn trong một chuỗi dài những sự sinh tử triền miên, gọi là dòng đời, theo Hành nghiệp, tạo Nhân rồi thọ Quả báo. Trong chuỗi dài những cuộc tử sinh miên viễn đó, mọi hành vi của đương sự đều từ Thân, Miệng và Ý phát sinh ra, gọi là Thân Nghiệp, Khẩu Nghiệp và Ý Nghiệp, và đều được tàng trữ trong một cái kho vô hình gọi là Tàng Thức, có thể tạm ví như lớp màng tạp chất nổi trên mặt biển Chân Tâm thanh tịnh. Chính những tạo tác được tích lũy trong Tàng Thức này là cơ sở của Nghiệp Lực, gọi là chủng tử, lôi cuốn dòng sinh mạng của mỗi đương sự tới nơi mà hắn sẽ tái sanh, rồi lại tiếp tục gieo Nhân, lãnh Quả, các hành vi tốt hoặc xấu trong quá khứ sẽ chi phối đời sống tương lai của đương sự, mãi mãi cho tới khi nào đương sự thanh tịnh hóa được Bản Tâm, hóa giải hết các chủng tử, thì Nghiệp Lực mới chấm dứt hiện hành. Nhà Phật có câu:
- Muốn biết thời quá khứ chúng ta đã làm gì thì cứ nhìn những quả báo chúng ta đang lãnh thọ trong hiện tại.
- Muốn biết thời tương lai của chúng ta sẽ ra sao thì cứ nhìn những hành động của chúng ta trong hiện tại.
Tiến trình của Nhân và Quả này là qui luật tự nhiên, không có ai tạo ra hoặc hủy diệt, ngoại trừ chính bản thân đương sự hóa giải được các chủng tử qua con đường thanh tịnh hóa Tâm. Nếu Tàng Thức còn chứa chủng tử thì dòng sinh tử vẫn tùy theo Nghiệp tốt hoặc xấu mà luân hồi, tái sinh.
Đức Phật dạy: "Tất cả chúng sinh đều mang theo cái Nghiệp của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì cái nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa chúng sinh".
Theo định nghĩa, Nghiệp là hành động có dụng tâm hay còn gọi là tác ý. Lời nói có tác ý thì gọi là khẩu nghiệp. Chúng ta thường hay nghe: "Lời nói rồi bay mất". Câu ấy không đúng. Lời nói ác khi hội đủ nhân duyên sẽ đem lại quả báo xấu cho người nói. Lời nói thiện cũng có tác dụng như vậy, theo hướng thiện. Thí dụ, khi chúng ta gặp người nghèo khổ, bất hạnh, chúng ta chạnh lòng thương xót, đem lời an ủi, vỗ về thông cảm. Lời an ủi đó, bắt nguồn từ tấm lòng từ ái của chúng ta là một khẩu nghiệp thiện, tương lai sẽ đem lại cho chúng ta quả báo lành.
Có dụng tâm thiện hay ác là Ý Nghiệp, mặc dù ý nghĩ đó chưa thành lời nói, chưa thành văn viết hay hành động. Một người tuy cả ngày không nói, không làm gì, nhưng đầu óc luôn bày mưu tính kế với những thủ đoạn gian lận, xấu xa, v.v... thì những mưu gian, kế độc của hắn ta, tuy chưa thực hiện, nhưng đã tác ý, cũng đều là những Ý Nghiệp xấu, tương lai sẽ mang lại quả báo xấu. Nẩy ra ý kiến rồi lại đem thân đi tạo tác, thì đó là Thân Nghiệp.
Tuy nhiên, những việc làm do vô tình, không khởi tâm tác ý, thì cũng không trong vòng nghiệp báo.
Từ những điều được trình bày ở trên, chúng ta có thể rút ra hai kết luận:
- Thứ nhất là trong từng giây phút chúng ta có thể tạo nghiệp mà không biết, bởi vì, chỉ trừ khi chúng ta ngủ, còn thì chúng ta thường xuyên suy nghĩ, nói năng và hoạt động; và mỗi ý nghĩ, lời nói và việc làm, mỗi cử chỉ, hành động của chúng ta đều có thể tạo nghiệp, làm thay đổi cuộc sống của chúng ta trong hiện tại và mai sau.
- Thứ hai là mọi nghiệp thiện hay ác, lành hay dữ, nặng hay nhẹ, đều do ở chỗ tác ý tức là có chủ ý, có mưu định. Tác ý thiện đưa tới quả báo an lành, tác ý ác đưa tới quả báo đau khổ. Cũng như người trồng cam thì sẽ được cây cam và quả cam. Không thể trồng cam mà lại mọc ra cây ớt. Tất nhiên, trồng cam vẫn có thể không có cam ăn, nếu không biết trồng, không bón phân tưới nước. Hơn nữa, dù cho có biết trồng thì cũng phải có thời gian nhất định mới có quả. Tạo nghiệp ác hay nghiệp thiện cũng vậy, nghĩa là phải có đủ nhân duyên và thời gian thích hợp thì mới có quả báo thiện hay ác.
Có người tuy hiện nay tạo nhiều nghiệp ác, nhưng vẫn sống sung sướng trong hoàn cảnh giàu sang, là vì người ấy trong thời quá khứ đã tạo ra nhiều nghiệp thiện, đến lúc này vừa đúng thời gian lại có điều kiện thích hợp cho nên quả báo của những thiện nghiệp đó trổ ra, vì thế họ vẫn còn được hưởng giàu sang phú quý. Còn những nghiệp ác họ đã tạo ra trong đời sống hiện tại, thì chưa đến thời gian chín muồi, lại chưa có nhân duyên thích hợp, cho nên quả báo ác chưa đến chứ không phải sẽ không đến!.
Nguồn: Thuvienhoasen
Có thể bạn quan tâm: