Thắc mắc "Qua ngã tư phải bật đèn khẩn cấp để đi thẳng" thu hút 107.121 lượt xem và tới 243 lượt tư vấn với nhiều tranh cãi. Đúng như tên gọi, đèn khẩn cấp chỉ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên nhiều người đã thêm tính năng báo hiệu cho người đi đường phổ biến tới mức đôi khi những người thi hành công vụ cũng nhầm lẫn.
Đèn khẩn cấp còn được gọi là đèn Emergency Stop. Xe đang chạy mà bấm đèn này là sai. Đèn chỉ dùng khi cảnh báo xe bị hỏng trên đường và phải ngừng giữa đường hay trong làn Emergency Stop (sát lề). Tuy nhiên, nhiều người không hiểu hết ý nghĩa mà luôn lạm dụng nó, đi qua ngã ba ngã tư cứ bật đèn này để đi thẳng, thậm chí một số trường hợp sử dụng khi vượt.
Nếu đèn Hazard có chức năng thông báo khi qua giao lộ như vậy thì nhà sản xuất đã tích hợp nút bật đèn ở gần chỗ cần gạt xi-nhan trái, phải chứ không đặt tại khu vực khác biệt. Các sách hướng dẫn sử dụng ôtô đều ghi rất rõ chức năng của loại đèn khẩn cấp người sử dụng nên nghiên cứu kỹ hơn trước khi chạy xe trên đường.
Một tình huống khác cũng khá phổ biến tuy nhiên không phải ai cũng biết và thực hiện đúng quy trình là "Đi thẳng qua vòng xuyến có phải bật xi-nhan" Câu hỏi đã có 160.374 lượt xem với 244 ý kiến tham gia trên VnExpress. Nhiều ý kiến trái chiều cho thấy phần lớn người tham gia giao thông vẫn chưa biết cách xử lý chính xác tình huống này.
Để làm rõ tình huống này thì theo luật giao thông đường bộ hiện hành không có quy định nào cụ thể về vấn đề bật tín hiệu khi đi vào vòng xuyến nên về nguyên tắc chung vẫn áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 15 để thực hiện việc báo tín hiệu khi đi vào khu vực này. Điều này ghi rõ, khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
Với trường hợp muốn rẽ trái khi đi qua vòng xuyến: khi rẽ trái tại ngã tư có vòng xuyến có hai lần chuyển hướng nên phải thực hiện hai lần tín hiệu báo rẽ, lần một khi vào vòng xuyến bạn phải thực hiện tín hiệu báo rẽ sang trái và lần hai khi ra khỏi vòng xuyến bạn phải thực hiện tín hiệu báo rẽ sang phải. Việc bật tín hiệu báo rẽ ở đây nhằm thông báo hướng rẽ của bạn và đảm bảo an toàn cho người phía sau.
Đặc biệt, cũng về tình huống giao thông câu hỏi "Chạy quá tốc độ 5 km/h thì phạt thế nào?" thu hút tới 235.816 lượt xem với 126 lượt bình luận. Gây quá nhiều tranh cãi và không tán thành vì hầu hết lái xe đều cho rằng vượt 5km/h là quá ít.
Tuy nhiên, theo nghị định 171 thì vượt quá tốc độ dưới 5 thì nhắc nhở chứ không bị phạt. Nhưng từ 5 đến dưới 10 km/h thì bị phạt tiền 600.000 đồng đến 800.000 đồng. Tương tự, từ 10 - 20 km/h phạt 2 triệu đến 3 triệu đồng. Từ 20 - 35 km/h phạt 4 triệu đến 6 triệu đồng thời tước Giấy phép lái xe 30 ngày. Còn trên 35 km/h thì phát 6-8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 60 ngày.
Một vấn đề khác được rất nhiều độc giả quan tâm là nhiệm vụ chức năng, quyền hạn cụ thể của các nhóm cảnh sát tham gia trật tự giao thông.
Theo đó câu hỏi "Những CSGT nào được phép dừng xe?" thu hút 145.235 lượt xem và 72 lượt tư vấn hoặc "Cảnh sát cơ động có được bắt lỗi giao thông?" thu hút 185.609 lượt xe vài 52 lượt bình luận hay "Dân phòng có được phép dừng xe?" Cũng thu hút 102.755 lượt xem và hơn 30 lượt thảo luận.
Mỗi người tư vấn một kiểu, điều này chứng tỏ người Việt Nam phần lớn không hiểu rõ về quyền hạn chức năng của cán bộ trật tự giao thông. Khá nhiều độc giả cho rằng tất cả CSGT đều có quyền đừng xe, trong khi nhóm khác lại không đồng tình với nhận định này.
Theo Thông tư 65/2012 của Bộ công an một cách đầy đủ về tình huống này như sau:
1. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:
a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
b) Thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên.
c) Thực hiện kế hoạch, phương án công tác của Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo chuyên đề.
d) Có văn bản của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự.
đ) Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
2. Việc dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) An toàn, đúng quy định của pháp luật;
b) Không làm cản trở đến hoạt động giao thông;
c) Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Theo đó, bất kỳ cán bộ công an nào, đang thực hiện nhiệm vụ "Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ" đều có quyền dừng xe đang lưu thông để thực hiện việc kiểm soát phương tiện. Chính vì vậy, người lái xe phải có trách nhiệm hợp tác với người thi hành nhiệm vụ để thực hiện việc kiểm soát. Tuy nhiên, cần xác định rõ các vấn đề:
1. Hỏi xem việc dừng xe là để làm gì? Vì xử lý vi phạm quy định (tức là có lỗi) giao thông đường bộ hay là để kiểm soát.
2. Nếu lý do vi phạm, vậy cần thông báo lỗi và trao đổi về lỗi đó trước khi đưa ra giấy tờ xe, nếu xác định đúng lỗi thì sẽ thực hiện các việc kiểm soát giấy tờ và lập biên bản vi phạm hành chính.
3. Nếu là kiểm soát thì lại khác, tổ làm nhiệm vụ cần có các giấy tờ về chuyên đề kiểm soát, từ cấp huyện trở lên, nếu có đầy đủ các giấy tờ thì mới được kiểm soát phương tiện. Nếu người tham gia giao thông chưa hài lòng có thể yêu cầu tổ công tác cho xem các giấy tờ cần thiết theo quy định: kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được người có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát.
Và lái xe cũng nên nhớ các lỗi dưới 250.000 đồng với cá nhân và 500.000 đồng với tổ chức thì có quyền yêu cầu tổ công tác thực hiện việc xử lý vi phạm đơn giản (xử phạt vi phạm hành chính không biên bản) tại chỗ.
Không cần ra kho bạc nộp. Nếu khẳng định mình không có lỗi thì yêu cầu lập biên bản và đề nghị mình sẽ ghi ý kiến của người vi phạm trong biên bản, sau đó khiếu nại lên đơn vị xử lý vi phạm để yêu cầu chứng minh vi phạm của mình (luật xử phạt vi phạm hành chính quy định đơn vị ra quyết định có trách nhiệm chứng minh vi phạm của người vi phạm).
Nhân câu hỏi này, khá nhiều người bày tỏ quan điểm không thích đối mặt với CSGT và khá bối rối với việc khi bị dừng xe thì nên làm gì. Như vậy, để đảm bảo an toàn giao thông cũng như tuân thủ đúng pháp luật, mỗi người nên trang bị cho mình đầy đủ kiến thức để hoàn toàn tự tin cùng CSGT xử lý mọi tình huống có thể xảy ra.
Xem tiếp tại đây
Ngọc Điệp