Ước tính đến 2012, tại Mỹ có khoảng 100 triệu chiếc túi khí trang bị trên ôtô. Năm 2003, các nhà sản xuất lớn đã ký thỏa thuận và đề ra mục tiêu ít nhất một nửa số ôtô mới xuất xưởng sẽ được lắp túi khí cạnh vào 1/9/2007. "Các hãng làm mọi cách có thể để đưa càng nhiều túi khí lên sản phẩm của mình càng tốt", Doug Campbell, Phó Giám đốc hãng TRW chuyên sản xuất túi khí nói. Hầu hết các túi khí đều có ký hiệu SRS, viết tắt của Secondary Restraint System (hệ thống bảo vệ thứ cấp).
Thử nghiệm hoạt động của túi khí. Ảnh: Ruag-ammotec. |
Trong khi đó tại Việt Nam, túi khí là thiết bị thuộc hàng xa xỉ. Các nhà sản xuất trong nước chỉ trang bị trên những mẫu xe có giá từ 30.000 USD trở lên. Còn những chiếc vốn dành cho taxi hay thấp cấp như Toyota Vios, Innova J hay Fiat Albea ELX thì khó có thể với tới. Thậm chí, trừ Magnus L6 và Captiva, các mẫu xe của Vidamco đều không có túi khí mặc dù khá phổ biến như Lacetti, Lanos, Matiz hay Gentra.
Nguyên lý hoạt động
*Túi khí cạnh - thiết bị an toàn tối quan trọng |
Thiết bị chính là chiếc túi làm bằng sợi nylon tổng hợp giấu dưới mặt vô-lăng, mặt táp-lô bên ghế phụ hoặc phía cánh cửa. Việc bung túi khí được máy tính quyết định dựa trên số liệu do các cảm biến gia tốc thu được. Nhà sản xuất thường đặt cảm biến ở những vị trí thường xảy ra va chạm và sẽ chịu lực tác động mạnh nhất, chẳng hạn như phần mũi xe.
Để túi khí bung, mức giảm tốc của xe phải đủ lớn. Điều đó có nghĩa không phải va chạm nào cũng khiến túi khí kích hoạt. Vận tốc và mức độ va chạm không phải là thông số quyết định đến hoạt động của thiết bị này. Nhiều nhà sản xuất đặt ngưỡng túi khí hoạt động tương đương với gia tốc của một chiếc xe đang đi với vận tốc 20 km/h rồi đâm sầm vào tường.
Thiết kế túi khí cạnh bảo về đầu của Volvo. Ảnh: Edmunds. |
Khí làm túi khí bung là nitơ, sinh ra từ phản ứng hóa học giữa hai muối với nhau. Tốc độ bung túi khí vào khoảng 15 phần nghìn giây sau khi cảm biến gửi thông tin. Sau khi kích hoạt, khí sẽ thoát ra từ một lỗ nhỏ và túi xẹp xuống nhanh chóng nhằm tránh gây thương tích cho hành khách.
Những ngộ nhận
Quan niệm phổ biến của nhiều người là do đã có túi khí nên không cần thắt dây an toàn. Trên thực tế, túi khí chỉ là thiết bị hỗ trợ, nó không thể làm thay nhiệm vụ của các thành phần khác. Vì vậy, dù thế nào, hành khách vẫn cần phải đeo dây an toàn để phát huy tối đa hiệu quả của túi khí. Theo thống kê, mức độ chấn thương giảm chỉ còn một nửa nếu áp dụng cả hai hình thức này.
Đa số các nhà sản xuất tách riêng hoạt động của túi khí và dây đai an toàn. Tuy nhiên, có hãng đưa điều kiện là túi khí chỉ kích hoạt nếu hành khách thắt dây an toàn. Volvo là một trong những mác xe áp dụng quy định này nghiêm ngặt nhất. Một quan chức của bang New Jersey từng bị chấn thương nghiêm trọng do không thắt dây an toàn khiến túi khí không bung.
Để cân bằng giữa hai tình huống trên, các nhà phát triển đã nghĩ ra phương pháp thay đổi quy trình bung tùy thuộc vào việc hành khách có thắt dây an toàn hay không. Trạng thái của dây đai an toàn sẽ quyết định đến tốc độ bung để sao cho hành khách bị chấn thương ở mức thấp nhất.
Sai lầm thứ hai mà nhiều người mắc phải là để trẻ em đứng hay ngồi ở ghế trước. Do được coi là "an toàn" nên túi khí thường bị bỏ qua. Số liệu tính toán cho thấy tốc độ bung của của nó vào khoảng 290 km/h. Với tốc độ như vậy, nó có thể khiến người trưởng thành gãy xương và rất nguy hiểm cho các em bé. Ở các nước phát triển, chỉ những trẻ em trên 15 tuổi mới được phép ngồi ở ghế trước.
Ngay với cả người lớn, khoảng cách an toàn là 25 cm tính từ ngực và đặc biệt nguy hiểm nếu ở khoảng cách 5-8 cm. Vì vậy, hãy điều chỉnh ghế lùi lại hay ngả ra phía sau để tạo khoảng cách vừa đủ.
Nguyễn Nghĩa